Tâm hồn Việt và mái đình làng biển
Tam đình duyên hải Bắc Bộ (3 ngôi đình cổ nổi tiếng) gồm: Đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái), đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn), đình Phong Cốc (huyện Yên Hưng) hiện nay đều thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh.
Mối liên quan giữa thương cảng cổ Vân Đồn và 3 ngôi đình duyên hải nổi tiếng
Mới đây, các nhà sử học đưa ra một nhận định đáng chú ý rằng trong số các thị cảng cổ còn lại dấu tích trên đất Việt, thương cảng cổ Vân Đồn là một hệ thống cảng trải dài gần 200km đường biển. Nếu so với các thị cảng nổi tiếng khác như Hội An, Phố Hiến... là cảng sông thì rõ ràng thương cảng Vân Đồn là cảng biển, hướng ra Biển Đông, mang khát vọng kinh tế - thương mại ra biển lớn, giao thương qua đại dương.
Từ thế kỷ 19, chức năng của cảng biển thương mại Vân Đồn không còn nữa. Khi vai trò của thương cảng chấm dứt, những người dân làm nghề đánh cá và vận tải biển của khu vực này buộc phải chuyển đổi, ly tán đi nhiều nơi và đây là biến động lớn nhất trong lịch sử khu vực Vân Đồn khiến cho các trầm tích văn hóa giai đoạn này không còn phát triển.
May mắn là còn lại di tích văn hóa đình Quan Lạn, ngôi đình được giới sử học đánh giá là một trong số những công trình kiến trúc cổ đẹp nhất còn lại của Việt Nam.
Mái đình xưa làng biển
Đình Quan Lạn nằm trên một hòn đảo, chứng tỏ người Việt không ngại cư trú và sinh sống áp sát biển khơi sóng gió, cách trở sông nước. Việc lập làng giữa mênh mang sóng nước cho thấy thời xưa, việc đi lại bằng tàu thuyền lớn đã rất phổ biến.
Quan Lạn là hòn đảo trung tâm của nhiều đảo có người ở tạo thành làng biển trù phú. Hòn đảo có đất bằng trồng được lúa nước, có đất cát trồng màu, có cảng khuất gió để neo tàu thuyền. Khu vực này thường gọi là Làng Vân nổi tiếng với con sông Mang.
Sông Mang là tên thường gọi của người dân địa phương dành cho một lạch biển nằm giữa cụm đảo Quan Lạn, Ba Mùn ở phía Đông Nam, một bên là cụm đảo Trà Bản, Trà Ngọ ở phía Tây Bắc. Toàn bộ các cụm đảo này nằm trong vịnh Bái Tử Long của huyện đảo Vân Đồn. Nơi này, vị tướng trấn ải Trần Khánh Dư chỉ huy đánh trận hải chiến vang lừng trong lịch sử dẫn tới chiến thắng quân Nguyên năm 1288.
Đình Quan Lạn không chỉ là chứng nhân lịch sử thời kỳ khởi sinh làng biển mà còn thể hiện sự can trường, dũng cảm của người dân vùng biển, chứa cả lịch sử đánh giặc lập làng của người Vân Đồn.
Đình Quan Lạn nguyên bản dựng lên bằng gỗ mần lái - một loại gỗ già mọc trên núi đá ở khu vực này. Một số bộ phận khác của đình Quan Lạn được ghép từ các chi tiết cũ của một ngôi đình cổ xưa là đình Cái Làng. Người Cái Làng dựng đình của họ và trải qua biến động của lịch sử, Quan Lạn được chọn là nơi định cư lâu dài và lúc đó, đình Quan Lạn mới được dựng lên.
Điều đáng chú ý là đình Quan Lạn đã di chuyển ít nhất 3 lần. Ngôi đình hiện nay hướng mặt ra biển lớn, nằm ngay cạnh một khu dân cư đông đúc có chợ và cảng. Nguyên bản, đình xây dựng ngay bên bến thuyền. Bến thuyền này mang tên là bến Đình và trở thành tên của khu dân cư cho đến ngày nay.
Đình Trà Cổ hiện nay đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng của thành phố Móng Cái. Đình xây dựng theo kiểu chữ khẩu gồm: Bái đường 7 gian phía trước và 3 gian hậu cung phía sau. Đình Trà Cổ vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc sắc nét của nghệ thuật ghép gỗ bằng chốt mộng. Mái đao, vì kèo, của võng chạm khắc tinh xảo mang hồn cốt của bàn tay khéo léo người thợ mộc đào hoa xưa.
Hằng năm, lễ hội đình Trà Cổ nơi biên ải còn là niềm tự hào về chủ quyền, quốc gia dân tộc Việt Nam. Đình Trà Cổ hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy.
Đình làng còn thì làng biển còn phát triển
3 ngôi đình Trà Cổ, Quan Lạn và Phong Cốc đều hướng ra biển đón gió. Đình Trà Cổ nằm ở vị trí địa đầu đất nước, như một cụm neo văn hóa, giữ lại vốn truyền thống, thể hiện nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Đặc biệt là ngôi đình cổ Phong Cốc hiện nằm ở phường Phong Cốc, bán đảo Hà Nam của thị xã Quảng Yên. Vùng đất này có nguồn gốc xa xưa là do quai đê lấn biển mà thành.
Vài năm gần đây, đình Phong Cốc được giữ gìn, bảo tồn nghiêm ngặt. Trước đây, nằm giữa khu vực dân cư đông đúc, đình Phong Cốc từng bị vây hãm bởi một chợ trung tâm lúc nào cũng nườm nượp người mua kẻ bán. Di dời chợ đi nơi khác và giải phóng không gian thanh tịnh cho đình Phong Cốc là cố gắng của đơn vị quản lý di sản cũng là điều minh chứng cho cách ứng xử với các di sản văn hóa đặc biệt có giá trị đã được điều chỉnh phù hợp.
Phẩm cấp của đình Phong Cốc đã được trả lại đúng tầm, như một điểm tựa văn hóa của quần thể dân cư sống trong nhiều di tích, nhiều đình chùa miếu mạo, di sản cổ ở đây.
Có một chi tiết rất đáng lưu ý là trong các ghi chép lịch sử để lại, các ngôi đình từng thờ phụng các vị tướng anh hùng đánh giặc giữ nước. Điển hình là đình Quan Lạn thờ tướng Trần Khánh Dư. Khi xây dựng đình làng, đình chỉ thờ Thành hoàng lập làng. Tuy nhiên, do thời tiết biến đổi, giặc giã tàn phá, ngôi nghè thờ Trần Khánh Dư bị hư hại, người dân di bàn thờ của vị tướng trận mạc này vào trong đình và thờ như một vị thành hoàng làng, chứ không phải Trần Khánh Dư là thành hoàng làng biển như nhiều người lầm tưởng.
Việc thờ các vị tướng đánh giặc giữ nước còn mang đặc tính tín ngưỡng của người Việt ta. Người dân muốn có điểm tựa tinh thần là oai linh của vị tướng lừng lẫy, đặng xua đi những sợ hãi trong mưu sinh với sóng, gió biển khơi. Niềm tự hào của những người trụ vững với biển, với làng biển cũng nằm ở đó.
Khi nào đình làng còn tồn tại thì làng biển còn đó, người làng cũng còn an ổn làm ăn sinh sống. Hiện nay, cả 3 ngôi đình đều đắc địa ở các trung tâm văn hóa vùng, các khu vực có cảnh quan đẹp bên bờ biển Đông Bắc.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tam-hon-viet-va-mai-dinh-lang-bien-17923012417100181.htm