Tài sản của hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng phân chia thế nào?
Theo quy định pháp luật, hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không được thừa nhận là vợ chồng. Vậy khi xảy ra tranh chấp về tài sản được tạo ra trong khoảng thời gian chung sống như vợ chồng của họ thì việc phân chia sẽ được giải quyết thế nào?
Do đó, tài sản hai bên có được trong khoảng thời gian chung sống với nhau như vợ chồng cũng không được coi là tài sản chung của vợ chồng. Vậy khi xảy ra tranh chấp về tài sản của những cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng thì việc phân chia sẽ được giải quyết như thế nào?
Phân chia tài sản của người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
"1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập".
Như vậy, cách thức giải quyết hậu quả về tài sản của hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ được áp dụng theo nguyên tắc thỏa thuận của 2 bên. Nếu các bên không thỏa thuận được gì thì giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Ví dụ: Ngày 15/4/2022, anh H và chị D tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn dù có đủ các điều kiện kết hôn. Sau đó 1 năm cha mẹ anh H cho anh và chị D một căn chung cư. Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi tên anh H.
Đến tháng 8/2023, do xảy ra mâu thuẫn nên anh H, chị D nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết không công nhận quan hệ vợ chồng của họ. Trong quá trình giải quyết, anh H và chị D đều thống nhất căn chung cư là tài sản chung dù trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chỉ ghi tên anh H. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ không giải quyết vì anh H và chị D đã thỏa thuận được tính chất chung, riêng của căn chung cư.
Tuy nhiên, giả sử giữa anh H và chị D có tranh chấp về tài sản, trong khi anh H thì cho là tài sản được tặng cho riêng còn chị D cho rằng căn chung cư là tài sản chung thì Tòa án sẽ căn cứ vào pháp luật dân sự và pháp luật đất đai để giải quyết. Cụ thể, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi tên ai thì người đó sẽ là chủ sở hữu.
Nếu chị D muốn phủ nhận tư cách chủ sở hữu của anh H hoặc yêu cầu Tòa án công nhận tư cách đồng chủ sở hữu của mình thì phải có nghĩa vụ chứng minh.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết hậu quả về tài sản của hai bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng cần xem xét đến 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và con. Đây là quy định tiến bộ và mang tính nhân văn. Trên nền tảng lấy nhân sinh làm gốc, pháp luật luôn hướng tới mục tiêu bảo vệ con người, đặc biệt là nhóm người dễ bị xâm hại, dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể ở đây là phụ nữ và con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Thứ hai, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập. Khi tổ chức cuộc sống chung, nếu không có một bên nam, nữ quán xuyến mọi việc trong nhà như: chăm sóc con cái, chăm nom việc bếp núc... thì người tạo ra thu nhập chính đã không thể yên tâm công tác và tạo ra tài sản một cách trọn vẹn.
Do đó, quy định này đã bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ khi tổ chức "góp gạo thổi cơm chung". Đồng thời khắc phục được hạn chế khi ở Việt Nam, nhiều gia đình vẫn quan niệm công việc nội trợ là nghĩa vụ đương nhiên của người phụ nữ và họ bị coi là "ăn bám" người đàn ông do không trực tiếp lao động tạo ra của cải vật chất.
Mặt khác, một vấn đề đặt ra là nếu cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng có nhu cầu được cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết như thế nào?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, hai bên nam, nữ dù chưa đăng ký kết hôn nhưng họ vẫn có quyền thỏa thuận để cùng nhau nhận chuyển nhượng, mua bán bất động sản và cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đây sẽ là được coi là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần.
Đồng thời, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì Sổ đỏ phải ghi đầy đủ tên của cả hai người và sẽ cấp cho mỗi bên một Sổ đỏ. Nếu có thỏa thuận thì có thể cấp chung một Sổ đỏ và trao cho người đại diện.
Điều 209 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Sở hữu chung theo phần như sau:
1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.
2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tai-san-cua-hai-ben-nam-nu-chung-song-nhu-vo-chong-phan-chia-the-nao-17923112909413107.htm