Sức mạnh giáo dục và dân tộc thông thái

17:25 - 03/01/2023

Giáo dục ngày nay để toàn dân tộc trở nên thông thái và người dân sẽ không còn tin tưởng nếu giáo dục không đi đến một phúc lợi xã hội căn bản nào cả.

Giáo dục ngày nay đã đem lại cho nhân loại một khối lượng tri thức khổng lồ với tốc độ ánh sáng như Rabindranah Tagore đánh giá. Khối lượng tri thức mới đã tạo nên cho con người những năng lực tư duy của thời đại, năng lực học hỏi và năng lực sử dụng tri thức nhằm tạo ra sự phát triển bền vững của xã hội.

Bước ngoặt từ công nghệ kỹ thuật số ảnh hưởng tới giáo dục 

Chỉ riêng thế giới mạng, những tri thức chuyển tải qua Internet hầu như đã vô cùng tận. Thế giới mạng được coi là chân trời kiến thức mới mà ngày nay, chúng ta sống trong đó bằng sự kết nối và sự xâm nhập chưa từng có trước đây. Ước tính đến thời điểm hiện tại đã có cả tỉ người từ không kết nối sẽ chuyển sang kết nối hoàn toàn và chắc rằng, đến cuối thập niên 2030 – 2039, con số này sẽ lên tới 5 tỉ.

Sức mạnh giáo dục và dân tộc thông thái  - Ảnh 1.

Cuối thập niên 2030 – 2039, người dùng internet thường xuyên ở việt Nam sẽ lên tới 5 tỉ người. Đồ họa: TTH

Mạng Internet đã thay đổi cách học tập của con người, thể hiện ở cách họ tiếp cận thông tin và tri thức, cách học tương tác và phương hướng quản lý cộng đồng, quản lý doanh nghiệp. Nhờ kết nối kỹ thuật số mà thế giới gia tăng chóng mặt những lợi ích về giáo dục, sức khỏe truyền thông, giải trí và tận hưởng thành quả văn hóa. Giáo dục đã giúp cho con người nâng cao năng lực lao động công nghiệp trong điều kiện nền sản xuất hứa hẹn sẽ trang trị ngày càng nhiều công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo, in 3D, giải trí 3 chiều, phiên mã tức thì, phần mềm nhận diện giọng nói, nhận diện cử chỉ... 

Công nghệ kỹ thuật số sẽ định hình lại những hoạt động của con người trong đời sống thường ngày, các mối quan hệ xã hội, cách thức giao dịch, thương mại, phương pháp chữa bệnh từ xa..., trong đó, hoạt động giáo dục sẽ thay đổi cơ bản về đào tạo bằng hệ thống giáo dục mở, học tập trực tuyến. Những bức tường chật hẹp của nhà trường truyền thống sẽ bị phá vỡ, thay vào đó là phương thức học tập suốt đời, từ đó, con người nói đến ước mơ đại chúng hóa giáo dục đại học.

Trong thế giới kỹ thuật số, con người bắt đầu định nghĩa lại những khái niệm như xã hội, giáo dục, an ninh con người, biên giới, công dân, nhà trường dân chủ... trong phạm trù "ngôi nhà toàn cầu".

Sự biến cách trong thế giới hiện đại đặt lên vai giáo dục sứ mệnh phát triển con người và cộng đồng, giúp cho mọi người, không trừ một ai được phát huy mọi tài năng và mọi tiềm lực sáng tạo, xây dựng cho con người tinh thần trách nhiệm đối với đời sống của bản thân và đời sống của mọi người trong cộng đồng.

Xét trong từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu, giáo dục đã có những cống hiến đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội. Tất nhiên, giáo dục ở từng quốc gia có mức cống hiến riêng, tùy thuộc vào những tiền đề chính trị, kinh tế, văn hóa, đã tạo ra những điều kiện để giáo dục góp phần thúc đẩy sự đi lên của xã hội.

Giáo dục đã thể hiện được sức mạnh lớn lao của mình, và con người cũng ngày càng kỳ vọng hơn vào sức mạnh đó. Khi bước vào thế kỷ XXI, UNESCO khuyến cáo rằng, để giáo dục hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, phải coi học tập suốt đời là chìa khóa mở cánh cửa đi vào tương lai. Để tạo cơ hội và điều kiện cho con người học tập suốt đời, rất cần nhà nước cùng giới lãnh đạo và quần chúng nhận thức đầy đủ và sâu sắc về giáo dục suốt đời, học tập suốt đời, từ đó ủng hộ xu thế xây dựng xã hội học tập với ưu thế của nó về tính mở, tính mềm dẻo, tính đa dạng và khả thi trong thời gian khác nhau và không gian khác nhau.

Xã hội học tập sẽ phát huy sức mạnh của giáo dục khi nó lôi cuốn mọi người vào việc học tập tự học và tự hoàn thiện bản thân, truyền cảm hứng cho người học, tạo hứng thú học tập cho họ, làm cho họ thấy việc tích lũy và sử dụng tri thức là niềm vui bất tận. Giáo dục khơi dậy ở người học trí tò mò khoa học, óc sáng tạo kỹ thuật và sự say mê tiếp cận với những công nghệ mới.

Giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời sẽ giúp cho con người có đủ năng lực để từ đó, người dân được Nhà nước trao quyền ứng phó với những rủi ro trong sản xuất kinh doanh, đối đầu với những thách thức của dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và những đe dọa của biến đổi khí hậu.

Đó là sức mạnh lớn lao của giáo dục. 

Giáo dục sẽ đối mặt với biến cố nào?

Trước hết, giáo dục sẽ suy yếu khi người dân nhìn vào giáo dục mà không thấy đấy là một phúc lợi xã hội căn bản. 

Chẳng hạn, sự lạm thu của giáo dục đối với dân về những khoản thu học phí, các phí học đường, tiền học thêm để tăng thu nhập của giáo viên, quà cáp biếu xén để được học trường chuyên, lớp chọn v..v... Người dân thấy giáo dục không thể hiện tính chất của dân, do dân, vì dân, từ đó họ mất lòng tin vào giáo dục.

Giáo dục sẽ trở nên yếu kém khi những nhà quản lý, những nhà sư phạm không nhận thức được những xu thế tất yếu trong phát triển giáo dục toàn cầu. Không hội nhập vào dòng chảy đó, giáo dục của quốc gia sẽ trở nên lạc hậu so với giáo dục thế giới.

Giáo dục sẽ bị dư luận xã hội phê phán, chê trách khi không giải quyết được những thách thức và những căng thẳng như tìm giải pháp tạo nên sự phù hợp giữa cái quốc tế và cái quốc gia, giữa toàn cầu và cục bộ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa dài hạn và ngắn hạn, giữa tốc độ phát triển vũ bão của tri thức và khả năng có hạn của nhận thức con người.

Giáo dục sẽ gây thất vọng cho dân chúng khi cứ để những tiêu cực lặp đi, lặp lại trong bộ máy quản lý cũng như trong trường học như bạo lực học đường, sự "loại trừ" những trẻ em nghèo ra khỏi những cơ hội học tập, hiện tượng thiếu công bằng xã hội về điều kiện học hành giữa các nhóm xã hội, bệnh thành tích, chạy theo danh hão, chạy theo số lượng bất chấp chất lượng đào tạo, các thủ đoạn thu tiền của phụ huynh học sinh v.v...

Giáo dục sẽ lỗi thời khi coi nhẹ khoa học sư phạm, khoa học giáo dục, từ đó thiếu cái nhìn và sự ứng xử phù hợp với thế hệ trẻ.
https://congdankhuyenhoc.vn/chan-chinh-...

Ngày nay, hơn một tỉ người trong độ tuổi 15 đến 20 được coi là thế hệ có năng lực cập nhật kiến thức nhanh hơn, năng động hơn so với thế hệ đàn anh. Họ kết nối và di động nhất mà thế giới phải thừa nhận. 

Sumak Kawsay theo tiếng Ecuador, dịch sang tiếng Anh là "Good living" (sống tốt) hoặc "Well living" (sống thoải mái). Sumak Kawsay hướng tới sự cổ vũ sản sinh và sáng tạo tri thức, đòi hỏi sự nuôi dưỡng các nghiên cứu khoa học và công nghệ, yêu cầu áp dụng sự thông thái của dân tộc, của tổ tiên để xây dựng cách sống tốt.

Trên 90% người trẻ từ 18 tuổi đến 24 tuổi đã sử dụng những loại hình mạng xã hội như Facebook và Twitter..., dành nhiều thời gian trên các mạng để khám phá và chia sẻ cho nhau những gì họ thu nhận được. Chính họ đã tạo ra một môi trường có sự hiểu biết về đa dạng văn hóa của thế giới hiện đại. Đa dạng văn hóa ngày càng phổ biến như một nguồn phát minh và đổi mới; đó là nguồn tài nguyên có giá trị đối với sự phát triển con người bền vững.

Thế giới đang có một góc nhìn mới về phát triển con người: Quan điểm Sumak Kawsay được tham khảo. Đây là cách nhìn đề cao lối sống tốt, hướng tới sự thông thái của dân tộc mình dựa trên sáng tạo về tri thức, khoa học, công nghệ. 

Đây là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của giáo dục hiện đại.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/suc-manh-giao-duc-va-dan-toc-thong-thai-179230103151156982.htm