Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự báo thiên tai có tốt không?
Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự báo thiên tai là xu hướng khả thi giúp các chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Sử dụng AI dự báo thiên tai đang là xu hướng thay thế khả thi
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ được ứng dụng trong nhiều mảng công việc, trong đó có việc giúp con người dự báo thời tiết. Ứng dụng AI có thể mang lại những tiến bộ đáng kể khi các thuật toán máy móc nhân tạo sẽ giúp xử lý lượng dữ liệu lớn từ hệ thống vệ tinh, radar, và trạm quan trắc khí tượng trên toàn cầu để cho ra kết quả nhanh và chính xác nhất.
Trong khi đó, các mô hình dự báo truyền thống thường tốn nhiều thời gian để tính toán, và AI vừa ra kết quả nhanh chóng vừa có thể nhận diện nhiều mẫu thời tiết khác nhau.
Tương lai dự báo thời tiết bằng AI hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích to lớn. Trong lĩnh vực đời sống, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thời tiết mang lại nhiều lợi ích thiết thực giúp người dân chuẩn bị tốt hơn cho các kế hoạch của mình.
Trên thế giới, các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đã tuyên bố sử dụng AI để nâng cao độ chính xác trong dự báo thời tiết, đặc biệt đối với các thảm họa thời tiết trầm trọng gây ra bởi sóng nhiệt, mưa lớn và bão.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai “Đề án Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030” nhằm tăng cường và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn bằng.
Theo đó, thông qua việc tăng thêm số trạm tự động, tăng dày mật độ radar thời tiết cho các khu vực trên đất liền, biên giới, các đảo và quần đảo, sẽ phát triển nguồn nhân lực; công nghệ thông tin và chuyển đổi số khí tượng thủy văn; mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế.
Cũng theo kế hoạch, Việt Nam sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia tập trung, liên thông với các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; số liệu quan trắc tại các trạm thuộc hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia được thu nhận sát theo thời gian thực, kiểm soát, lưu trữ theo đúng quy định. Hoàn thành chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn; số hóa tư liệu giấy khí tượng thủy văn; tăng cường năng lực tính toán chuyên ngành khí tượng thủy văn của hệ thống.
Đầu tư mở rộng các trạm thông tin vệ tinh mặt đất, thiết bị thông tin lưu động; vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo đa thiên tai, kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.
Để thực hiện những bước đầu của dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn bằng việc tăng thêm số trạm tự động, tăng dày mật độ radar thời tiết cho các khu vực của Việt Nam. Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với mưa, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, nghiên cứu bước đầu áp dụng công nghệ quan trắc bằng vệ tinh, camera, trí tuệ nhân tạo.
Đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày.
Cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6 giờ; tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến 1 tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm; nâng chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN.
Đồng thời cung cấp 100% thông tin phân vùng thiên tai, rủi ro thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước phục vụ việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của quốc gia.
Tăng cường hợp tác quốc tế nghiên cứu quan trắc, đo đạc, thám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn. Huy động nguồn lực hỗ trợ/tài chính từ các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương và các tổ chức quốc tế quan tâm và có thế mạnh trong lĩnh vực liên quan nhằm hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng trong ngành Khí tượng thủy văn.
Với xu hướng thời tiết ngày càng biến đối khó lường, việc ứng dụng AI vào dự báo thời tiết sẽ giúp thông tin thời tiết chính xác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo vệ các kế hoạch làm việc, canh tác, di chuyển, sản xuất, kinh doanh... Có thể nói, cuộc sống trở nên an toàn và tiện lợi hơn nhờ những dự báo thời tiết đáng tin cậy và kịp thời bằng AI.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/su-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-du-bao-thien-tai-co-tot-khong-179240728175838645.htm