Sổ liên lạc điện tử - lãng phí kém hiệu quả
Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử ở trường phổ thông vừa kém hiệu quả vừa gây lãng phí cho phụ huynh học sinh. Đáng nói, số tiền "hoa hồng" được các nhà cung cấp dịch vụ "lại quả" không biết vào túi ai.
Gần hết học kì nhưng phụ huynh chỉ nhận vài ba tin nhắn
Nhiều phụ huynh có con đang học một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đầu năm học 2022-2023, trường gửi phiếu thu cho phụ huynh gồm nhiều khoản, trong đó có phí tin nhắn sổ liên lạc điện tử phải nộp là 100.000 đồng một năm học.
"Nói là là 'sổ liên lạc điện tử' nhưng thực chất đó chỉ là những tin nhắn SMS của một phần mềm cung cấp dịch vụ. Đến thời điểm này tôi chỉ nhận được 1 tin nhắn của nhà trường thông báo về điểm kiểm tra giữa học kì 1 của con. Có lẽ, một năm học nhà trường chỉ gửi 4 tin nhắn, đó là thông báo điểm kiểm tra giữa học kì 1, cuối học kì 1, giữa học kì 2 và cuối học kì 2. Cũng có thể nhà trường có gửi thêm tin nhắn nhưng không biết vì lí do nào đó tôi không nhận được", một phụ huynh nói thêm.
Chị Mai Thu Phương có con đang học một trường trung học cơ sở ở quận Tân Bình cho biết, nhà trường thu phí tin nhắn 130.000 đồng một năm học, thu ổn định từ nhiều năm qua nhưng chị cũng chỉ nhận được vài ba tin nhắn thông báo về điểm kiểm tra và một số kế hoạch của nhà trường, ví dụ thời gian học sinh tham gia ngoại khóa hay nghỉ lễ.
Thầy Nguyễn Viết Đăng, giáo viên chủ nhiệm bậc trung học phổ thông ở Quận 10 thông tin, trường thầy thu phí tin nhắn 70.000 đồng một học sinh cho một năm học. Nhà trường thường gửi tin nhắn thông báo điểm kiểm tra định kì, kể cả lỗi vi phạm nội quy của học sinh về cho phụ huynh.
Thầy Lê Văn Quân, giáo viên chủ nhiệm một trường trung học cơ sở - trung học phổ thông tư thục ở Quận 12 nói rằng, thầy công tác ở trường đã 10 năm và chưa bao giờ nhà trường thu phí tin nhắn của phụ huynh cả. Giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho phụ huynh hàng ngày, hàng tuần theo yêu cầu của họ.
Như vậy, mỗi trường hiện nay có cách sử dụng sổ liên lạc điện tử khác nhau. Rõ ràng sổ liên lạc điện tử không nhất thiết phải sử dụng vẫn có thể kết nối liên lạc giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Vậy sổ liên lạc điện tử tại sao vẫn tồn tại?
"Hoa hồng" sổ liên lạc điện tử đi đâu?
Theo ghi nhận, hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh đều thu phí tin nhắn của phụ huynh với nhiều mức khác nhau, dao động từ 70.000 đồng đến 130 đồng cho một năm học.
Trường học (bậc phổ thông) ở Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô khoảng 2.000 học sinh. Lấy trung bình mỗi học sinh đóng 100.000 đồng tin nhắn cho một năm học sẽ ra số tiền khoảng 200.000.000 đồng, là một nguồn thu rất lớn. Một tờ báo cho biết, một số trường phổ thông ở Thành phố Hà Nội còn thu phí tin nhắn theo tháng từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng tùy thuộc vào… mức độ chịu đựng của phụ huynh.
Thông tin tiết lộ, nhà cung cấp dịch vụ thường chiết khấu đến 30% trên tổng số tiền thu tin nhắn sổ liên lạc điện tử. Như vậy, một trường thu về 200 triệu đồng sẽ được trích lại 60 triệu đồng, còn trường nào thu theo tháng thì sẽ số tiền tăng gấp nhiều lần. Điều đáng bàn, "hoa hồng" này không biết đi về đâu nhưng chắc chắc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và nhân viên của nhiều trường học không được hưởng "hương thơm" chút nào.
Thầy Nguyễn Viết Đăng ở Quận 10 khẳng định, việc sử dụng sổ liên lạc điện tử ở trường phổ thông vừa kém hiệu quả vừa gây lãng phí cho phụ huynh học sinh. "Giáo viên chủ nhiệm có thể dùng một số ứng dụng mạng xã hội giao tiếp miễn phí như Zalo, Messenger, Viber… gửi tin nhắn cho phụ huynh học sinh mà không cần phải thu tiền sổ liên lạc điện tử".
Cũng theo thầy Đăng, việc sử dụng một số phần mềm miễn phí gửi các thông báo cho phụ huynh vừa nhanh chóng vừa có nhiều tiện ích. Chẳng hạn, sau khi có điểm kiểm tra trung bình học kì, giáo viên chủ nhiệm chỉ cần chụp bảng điểm và gửi vào nhóm phụ huynh là xong.
"Phụ huynh học sinh cần đồng lòng phản đối việc các nhà trường thu phí tin nhắn - với chiêu trò 'sổ liên lạc điện tử', vì quá lãng phí và kém hiệu quả. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương cần sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này, cũng là một cách làm minh bạch việc thu chi đang gây 'lời ong tiếng ve' ở các nhà trường phổ thông hiện nay", thầy Nguyễn Viết Đăng thẳng thắn nói.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/so-lien-lac-dien-tu-lang-phi-kem-hieu-qua-179220607114821437.htm