Sợ học sinh lười học nên phải tổ chức thi vào lớp 10?

06:00 - 07/03/2023

Giải pháp nào cho các trường không tổ chức kỳ thi vào lớp 10 nhưng vẫn giữ được chất lượng dạy và học?

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trên cả nước quyết định không tổ chức thi vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 mà tuyển sinh bằng xét kết quả học tập. 

Các trường Trung học phổ thông sẽ xét kết quả rèn luyện, học tập 4 năm học bậc Trung học cơ sở tuyển 70% số học sinh vào học lớp 10 công lập. 

Số học sinh còn lại sẽ học nghề hoặc học chương trình giáo dục thường xuyên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc trường trung học phổ thông có tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục thường xuyên. 

Sợ học sinh lười học nên phải tổ chức thi vào lớp 10? - Ảnh 1.

Học sinh trung học Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp bước vào năm học 2022-2023. Ảnh: Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diệu

Hiện đã có thêm một số địa phương thông báo năm nay không tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Điều này, không chỉ giảm áp lực cho học sinh mà còn tránh cho ngân sách phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ một cách lãng phí. 

Ở nhiều địa phương, đã từng xảy ra việc tổ chức cả một kỳ thi vào lớp 10 rầm rộ nhưng thực chất lại không loại được một học sinh nào, gần như ai thi cũng đỗ. Thậm chí có trường, số học sinh tham gia dự kỳ thi còn ít hơn cả chỉ tiêu cần tuyển.

Vì thế, công chúng đồng tình khi có những địa phương thông báo không tổ chức kỳ thi vào lớp 10 mà chỉ áp dụng hình thức xét tuyển. 

Tuy thế, vẫn còn những thầy cô giáo lại không đồng tình việc bỏ kỳ thi vì sợ học trò lơ đãng vì không có áp lực, không cố gắng học tập.

Giáo viên trung học phổ thông nói gì kì thi vào lớp 10?

Trao đổi với các hiệu trưởng và giáo viên bậc trung học phổ thông trung học về việc nên hay không tổ chức kỳ thi vào lớp 10 khi trường có điểm chuẩn đầu vào khá thấp, phần lớn họ không đồng tình với việc bỏ kỳ thi. 

Thầy giáo D. Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông có 100% học sinh dự thi vào lớp 10 đều đỗ quyết liệt việc giữ kỳ thi với lí do: 

"Không nên bỏ kỳ thi này dù không loại được ai. Hàng năm, đều tổ chức thi mà nhiều em còn không chịu học giờ mà bỏ thi thì chúng cũng bỏ học luôn mất. Và như thế, khi vào trường trung học phổ thông sẽ rất cực cho giáo viên. Học sinh tham gia ôn thi vào 10 cũng là cách để bổ trợ thêm kiến thức giúp các em vào học được tốt hơn".

"Học sinh thi để có điểm nhà trường mới căn cứ vào số điểm đạt được của các em mà phân chia lớp cho đúng trình độ, còn căn cứ vào học bạ chưa đủ độ tin cậy để biết chất lượng học sinh ở mức nào. Thế nên mình ủng hộ kỳ thi", thầy H. Hiệu trưởng chia sẻ.

Còn cô giáo M. giáo viên một trường trung học phổ thông cũng bày tỏ quan điểm: "Thi để phân trường, không thi mà xét học bạ thì ai cũng chọn vào học trường điểm hết sẽ thế nào? Vì thành tích, nhiều trường trung học cơ sở cũng luôn làm học bạ đẹp".

Vì sao điểm học bạ chưa có đủ độ tin cậy?

Không phải ngẫu nhiên mà các thầy cô giáo bậc trung học phổ thông đều có chung sự lo ngại về chất lượng những cuốn học bạ bậc trung học cơ sở. Những học sinh thi 3 môn mà mỗi môn chỉ đạt 1 đến 2 điểm nhưng chắc chắn điểm tổng kết lớp 9 của những học sinh này luôn trên 5 phẩy (vì dưới 5 phẩy sẽ không đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp).

Không chỉ một trường mà nhiều trường trung học cơ sở, giáo viên đều nói rằng nhà trường thường cột chỉ tiêu môn học cao ngất ngưởng. Học sinh lười học mà chỉ tiêu phải đạt lại quá cao vì thế thầy cô phải tìm mọi cách để cải thiện điểm cho các em.

Nhiều thầy cô gần như nói không với việc cho điểm yếu kém. Có rất nhiều "bí kíp" được giáo viên áp dụng để cải thiện điểm cho học sinh mà không vi phạm quy chế nên luôn được nhiều giáo viên tận dụng triệt để.

Đó là việc, cho học sinh đề cương ôn tập trước. Yêu cầu của đề cương là ngắn, dễ học, kiểm tra nội dung gì thì đề cương học bài chỉ xoay quanh nội dung đó.

Báo trước ngày sẽ kiểm tra cũng như cho học sinh kiểm tra lại nhiều lần cho đến khi đạt được điểm trên trung bình mới thôi. Nếu vẫn còn thiếu điểm, thầy cô sẽ cho gỡ điểm bằng cách cộng thêm điểm thưởng khi phát biểu ý kiến hoặc là xoá điểm yếu cho kiểm tra lại.

Không tổ chức thi vào 10 sợ học sinh lơ là việc học; lo ngại trường trung học không có căn cứ để đánh giá chất lượng học sinh cho chính xác vẫn luôn là sự băn khoăn, nỗi trăn trở của không ít thầy cô. Ngược lại, tổ chức cả kỳ thi học sinh nào cũng đỗ thì rất tốn kém.

Có giải pháp nào vẹn cả đôi đường?

Thứ nhất, phân loại trường: Dựa vào điểm chuẩn tuyển sinh vào 10 hàng năm, mỗi địa phương cần phân loại các trường trung học thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất sẽ là những trường có sự cạnh tranh cao đầu vào và nhóm thứ hai là những trường chưa thi đã biết mình đỗ.

Trường thuộc nhóm thứ nhất sẽ tổ chức kỳ thi vào 10 bình thường, trường thuộc nhóm thứ hai chỉ cần xét học bạ là đủ.

Thứ hai, phân loại học sinh: khi học sinh được tuyển vào trường, để nhà trường nắm được chất lượng thật của các em tạo điều kiện cho việc kèm cặp, bồi dưỡng hiệu quả thì chỉ cần tổ chức một buổi khảo sát chất lượng chung. Căn cứ vào số điểm đạt được sau kỳ khảo sát, chắc chắn sẽ có sự phân loại đối tượng học sinh một cách chính xác.

Thứ ba, điều chỉnh phương pháp dạy và học: Gửi kết quả khảo sát chất lượng đầu năm ở trường trung học phổ thông về các trường trung học cơ sở. Căn cứ vào điểm khảo sát để đánh giá chất lượng dạy và học của nhà trường. Mỗi năm như thế, nhà trường sẽ có kế hoạch điều chỉnh phương pháp dạy học cũng như tăng cường các biện pháp giáo dục, kèm cặp và bồi dưỡng các đối tượng học sinh một cách hiệu quả hơn.

Làm được như thế, dù có không tổ chức kỳ thi vào 10 cũng không sợ học sinh lơ là học tập như nỗi lo của không ít thầy cô giáo hiện nay.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/so-hoc-sinh-luoi-hoc-nen-phai-to-chuc-thi-vao-lop-10-179230306203833929.htm