Số ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội gia tăng, nhiều ổ dịch tại các trường mầm non
Tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ghi nhận 77 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non.
Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi năm trước
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ ngày 22- 29/3), Hà Nội ghi nhận 77 ca mắc tay chân miệng (tăng 15 ca so với tuần trước đó); trong đó có 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 300 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023; đã ghi nhận 5 ổ dịch.
Dự báo Hà Nội có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch do thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà.
Không chỉ tại Hà Nội, số ca tay chân miệng trên cả nước cũng đang tăng. Theo Bộ Y tế, trong quý đầu năm 2024, cả nước có hơn 6.000 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Khuyến cáo phòng tránh tay chân miệng trước tình hình bệnh có xu hướng gia tăng
Trước tình hình bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng lên, lây lan rộng, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo: Các trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh...
Đồng thời, hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn...
Các cơ sở giáo dục không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng.
Các bậc phụ huynh không được chủ quan khi con mình mắc tay chân miệng và cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên. Virus gây bệnh tay chân miệng lây lan qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.
Trẻ bị mắc tay chân miệng có thể hồi phục dần sau 7-10 ngày, giống như các sốt virus khác; nhưng cũng có một số ca gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…
Hiện nay, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp chính vẫn là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, theo dõi và điều trị các biến chứng, kháng sinh chỉ được dùng trong trường hợp có bội nhiễm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/so-ca-mac-tay-chan-mieng-o-ha-noi-gia-tang-nhieu-o-dich-tai-cac-truong-mam-non-17924040415235475.htm