"Siêu lừa" Hà Thành nhận án chung thân, ngân hàng tạm giữ sổ tiết kiệm của các đại gia

19:36 - 24/03/2023

Ngày 24/3, Hội đồng xét xử tuyên án tù cho các bị cáo liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm.

Vụ án chiếm đoạt 430 tỉ đồng: Nguyễn Thị Hà Thành nhận án chung thân - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Hà Thành cùng các bị cáo đứng nghe tuyên án. Ảnh: VOV

Vi phạm các quy định về cho vay, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng

Bản án sơ thẩm nhận định, các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng các sơ hở trong quy định về thẩm định tài sản, không thẩm định hồ sơ chặt chẽ… để vi phạm các quy định về cho vay, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB).

7 bị cáo bị kết án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Nguyễn Thị Hà Thành bị tuyên phạt tù chung thân, Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) và Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên VietABank) cùng bị phạt 18 năm tù, Quản Trọng Đức (Giám đốc Chi nhánh VietABank) 17 năm tù, Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên Phòng Giao dịch Đông Đô VietABank) 14 năm tù, Trịnh Trung Kiên (Giám đốc Công ty xây dựng) 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Bình (kế toán Công ty xây dựng) 6 năm tù.

Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng Phòng Khách hàng cá nhân, Phòng Giao dịch Đông Đô, VietABank) bị phạt 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng", tổng hợp hình phạt chung là 17 năm tù.

Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB) bị phạt 5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" và 1 năm tù về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", tổng hợp hình phạt chung là 6 năm tù.

11 bị cáo bị kết án về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" gồm: Đỗ Minh Đức (kiểm soát viên VietABank) bị phạt 6 năm tù; Bùi Văn Tuấn (cán bộ PVcomBank) và Trần Thị Hoa (Giám đốc NCB chi nhánh Hà Nội) cùng bị phạt 5 năm tù. Các bị cáo: Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân (đều là giao dịch viên VietABank) cùng bị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo: Đặng Thị Thu Hòa (nhân viên NCB), Phạm Thu Hiền, Lê Thị Hiên (đều là giao dịch viên VietABank); Đỗ Thị Liên và Bùi Thị Na (đều là thủ quỹ VietABank) cùng bị phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Phạm Thị Ngọc Lan (đều là nhân viên NCB) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

6 bị cáo bị kết án về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" gồm: Triệu Đình Hoan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hải Linh) 30 tháng tù; Nguyễn Thị Là và Triệu Thị Hạnh (đều là nhân viên Công ty Hải Linh) cùng bị phạt 18 tháng tù; Phạm Thế Tuấn (giao dịch viên NCB) 1 năm tù, cộng với mức án 7 năm 6 tháng tù của một bản án trước, tổng hợp hình phạt chung là 8 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hồng Hạnh 12 tháng cải tạo không giam giữ và Nguyễn Giang Hòa 15 tháng tù treo.

2 bị cáo: Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thị Thu Hương bị xác định là đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Thành, có vai trò đứng sau Thành trong việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Bị cáo Hương phạm tội trong thời gian mang thai, bị cáo Tùng phạm tội nhiều lần. Hai bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, chưa tiền án tiền sự, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra… nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Tài sản đứng tên các đại gia trong vụ án

Liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm. Thành đã dùng thủ đoạn vay tiền của nhiều người dưới hình thức gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm cho ngân hàng.

Vụ án chiếm đoạt 430 tỉ đồng: Nguyễn Thị Hà Thành nhận án chung thân - Ảnh 2.

Hội đồng xét xử tiến hành tuyên án. Ảnh: VOV

Các cán bộ ngân hàng đã bỏ qua quy trình, quy định của ngân hàng, tiếp tay cho hành vi lừa dối của bị cáo Thành.

Nhiều đại gia đã gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng với tư cách là đồng sở hữu với bị cáo Thành. Tiền của họ hiện vẫn chưa được hoàn trả.

Hội đồng xét xử xem xét mối quan hệ giữa Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng sở hữu là vay mượn riêng biệt. Bị cáo Thành phải trả lại 3 ngân hàng số tiền đã chiếm đoạt. Ngân hàng được tạm giữ các sổ tiết kiệm để thi hành án.

Trong vụ án này, Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc đã dùng thủ đoạn vay tiền của nhiều người dưới hình thức gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm, lừa đảo chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVComBank 49,4 tỷ đồng, VAB 273,9 tỷ đồng, của nhiều cá nhân khác là 63 tỷ đồng.

Cụ thể, trong số những người bị bà Thành giả chữ ký, rút tiền trong sổ tiết kiệm đồng sở hữu có ông Đặng Nghĩa T. Cáo trạng xác định, tổng số tiền bị cáo Thành vay của ông T., sau đó chỉ định ông này gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng PVCombank, NCB và VAB là 122 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử cho rằng, tài liệu trong vụ án thể hiện, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành trực tiếp vay tiền của ông T., gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng để đảm bảo nếu Thành không trả tiền thì đã có ngân hàng trả.

Thỏa thuận này không đảm bảo ý chí của 2 bên, là hợp đồng giả cách, thể hiện việc vay nợ của "siêu lừa" Hà Thành với ông T. Vì vậy, tòa tuyên giành quyền khởi kiện cho ông T. với bị cáo Hà Thành bằng vụ kiện dân sự khác.

Một số đại gia khác cũng đứng tên đồng sở hữu các quyển sổ tiết kiệm có giá trị lớn với bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tòa cũng có phán quyết tương tự.

Trong suốt nhiều ngày xét xử trước đó, ông T. luôn cho rằng mình gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng đúng quy trình, thực hiện giao dịch trực tiếp với ngân hàng theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Toàn bộ số tiền vợ chồng ông gửi vào ngân hàng đều có giấy tờ nộp tiền đầy đủ chữ ký của các cán bộ có thẩm quyền và được đóng dấu pháp nhân của ngân hàng nên phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, các ngân hàng cho rằng bị cáo Hà Thành có trách nhiệm trực tiếp trả tiền cho các chủ sổ tiết kiệm theo quan hệ vay mượn.

Tranh luận tại tòa, đại diện VKS không đồng tình với quan điểm nêu trên của các ngân hàng. Đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo Hà Thành phải bồi thường cho các ngân hàng; các ngân hàng đồng thời phải thanh toán tiền tiết kiệm cho các khách gửi tiền, gồm cả những người đồng sở hữu.

Đại diện VKS khẳng định, trong vụ án này, các ngân hàng là bị hại, chủ sổ tiết kiệm và đồng sở hữu chỉ là người liên quan. Do vậy, bị cáo Hà Thành có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng và ngân hàng phải trả tiền cho chủ sổ cùng các đồng sở hữu sổ tiết kiệm.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sieu-lua-ha-thanh-nhan-an-chung-than-ngan-hang-tam-giu-so-tiet-kiem-cua-cac-dai-gia-179230324182713117.htm