Siết chặt kiểm soát nền tảng xuyên biên giới, cuộc gọi rác, lừa đảo trực tuyến
Ngày 5/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thường kỳ, cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 4/2023 và làm rõ các vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Tại buổi họp báo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp thông tin và làm rõ các vấn đề đang được dư luận quan tâm: cuộc gọi Deepfake (sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh) để lừa đảo; cuộc gọi, tin nhắn có nội dung rác, lừa đảo; tình hình quản lý thông tin thuê bao sau khi đối chiếu chuẩn hóa thông tin;...
Tình hình chuẩn hóa thông tin thuê bao di động
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao (từ ngày 15/3/2023), các doanh nghiệp viễn thông đã tự chủ động rà soát, xử lý hơn 3,84 triệu thuê bao được xác định là có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có dấu hiệu có thông tin không đúng quy định. Cụ thể:
Đến ngày 31/3/2023 (sau 15 ngày kể từ ngày thông báo) các doanh nghiệp viễn thông đã khóa 1 chiều đối với hơn 1,67 triệu thuê bao. Đến ngày 15/4/2023 đã có 1,15 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều do không thực hiện chuẩn hóa lại (sau 15 ngày kể từ ngày bị khóa 1 chiều).
Đến hết ngày 4/5/2023, vẫn còn hơn 1 triệu thuê bao đang bị khóa 2 chiều do chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin theo quy định. Đến ngày 15/5 tới, những thuê bao này sẽ bị thu hồi nếu không thực hiện chuẩn hóa.
Trong tháng 5 và tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của các sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Biện pháp xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo
Để chấn chỉnh, xử lý tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai thực hiện 6 biện pháp sau:
Thứ nhất, chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim có thông tin thuê bao không đúng quy định (SIM rác).
Thứ hai, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm trạm thu phát sóng di động (BTS) giả.
Thứ ba, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác; áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, các công cụ cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác từ thiết bị đầu cuối của mình.
Thứ tư, ngăn chặn và xử lý vi phạm gọi điện quảng cáo vào số điện thoại thuộc danh sách không quảng cáo (Donotcall).
Thứ năm, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử thực hiện cuộc gọi rác.
Thứ sáu, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống cuộc gọi rác.
Xử lý vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới
Về xử lý vi phạm các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt hơn 20 công ty quảng cáo quốc tế vì vi phạm quy định quảng cáo.
Thời gian qua, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong nước đặt quảng cáo lên các nền tảng xuyên biên giới và bị gắn vào những nội dung bẩn, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh, cũng như hướng lái dòng tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước về những nơi có nội dung sạch, nền tảng sạch.
Hiện nay chưa có cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các nền tảng xuyên biên giới không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quản lý và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Theo đó có quy định chế tài để xử lý các nhà cung cấp xuyên biên giới về phát thanh, truyền hình không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (như Netflix, Amazon,...), Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đều yêu cầu đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam nếu như muốn cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam.
Đối với việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới trong lĩnh vực mạng xã hội, cung cấp các dịch vụ nội dung khác thì hiện nay chưa có quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, các nền tảng dù to đến đâu, đặt trụ sở ở Việt Nam hay không, nếu vi phạm Luật Quảng cáo thì đều xử lý được.
Giải pháp kỹ thuật để phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi Deepfake
Theo ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, từ thời điểm tiếp nhận phản ánh của người dân về hình thức lừa đảo trực tuyến này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân tích và cảnh bảo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Liên quan đến cuộc gọi Deepfake, hiện nay các chính phủ, các tổ chức và các tập đoàn công nghệ lớn đang cùng tìm biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn.
Theo ông Trần Quang Hưng, có thể nhận biết cuộc gọi Deepfake bằng mắt thường, qua một số dấu hiệu như: thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây; khuôn mặt của người trong cuộc gọi video giả mạo thường thiếu cảm xúc, tư thế lúng túng, không tự nhiên, hoặc hướng đầu và cơ thể không nhất quán.
Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy màu da của nhân vật trong video cuộc gọi bất thường, ánh sáng kỳ dị và bóng đổ không đúng vị trí, khiến cho video trông không tự nhiên; âm thanh trong video cũng khác lạ và không đồng nhất với hình ảnh; có nhiều tiếng ồn bị lạc vào video hoặc video không có âm thanh. Thông thường, kẻ gian sẽ ngắt cuộc gọi giữa chừng với lý do mất sóng, sóng yếu…
Hiện nay, không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới phối hợp với các công ty công nghệ lớn đang chung tay để tìm giải pháp kỹ thuật nhằm xử lý các vụ lừa đảo Deepfake.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Quang Hưng, gốc rễ của những vụ lừa đảo trực tuyến phần lớn liên quan đến lừa đảo tài chính. Để lấy được tiền của nạn nhân, kẻ lừa đảo cần đến các tài khoản để nạn nhân chuyển tiền vào. Những đối tượng này sẵn sàng bỏ tiền ra mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rẻ để “dụ” bị hại chuyển tiền.
Ông Hưng nhấn mạnh: “Việc chống lừa đảo trực tuyến không đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các giải pháp về công nghệ và các quy định pháp lý. Để giải quyết gốc rễ vấn đề lừa đảo như Deepfake, cần nhiều giải pháp, ngoài giải pháp công nghệ giúp nhận diện cuộc gọi lừa đảo, cần có giải pháp hạn chế các tài khoản ngân hàng không chính chủ.”
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/siet-chat-kiem-soat-nen-tang-xuyen-bien-gioi-cuoc-goi-rac-lua-dao-truc-tuyen-179230505210345951.htm