Sau nắng nóng, cuối tuần Bắc Bộ đón không khí lạnh

06:00 - 22/03/2023

Khoảng ngày 25/3 khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh

Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh

Theo bản tin dự báo xu thế khí hậu từ ngày 21/3-20/4 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng ngày 25/3 khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh. Sau đó không khí lạnh suy giảm hơn về tần suất và cường độ.

Không khí lạnh sẽ gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển; ngoài ra hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống trên phạm vi toàn quốc.

Sau nắng nóng, cuối tuần Bắc Bộ đón không khí lạnh - Ảnh 1.

Khoảng ngày 25/3 khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh. Ảnh: N.Cường

Trong thời kỳ từ ngày 21/2-20/3 đã xuất hiện 2 đợt không khí lạnh vào các ngày 24/2 và đêm 12 sang ngày 13/3. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét trong ngày 13/3, nhiệt độ giảm từ 3-4 độ C so với 24 giờ trước đó; tại vịnh Bắc Bộ ghi nhận được gió Đông Bắc mạnh 17m/s (cấp 7), giật 23m/s (cấp 9).

(Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Trước đó, từ ngày 21-24/3 nắng nóng có khả năng xảy ra diện rộng tại khu vực khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, sau đó nắng nóng tạm thời gián đoạn và tiếp tục có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng đến các khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 4/2023. Riêng khu vực Nam Bộ xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Do tác động của nắng nóng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và khả năng có thể xảy ra cháy rừng.

Nhiệt độ tại Bắc Bộ, Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm

Trong thời kỳ dự báo từ ngày 21/3-20/4, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi phổ biến ở mức cao hơn từ 1-2 độ C so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực đồng bằng và Bắc Trung Bộ có nơi cao trên 2 độ C so với trung bình nhiều năm; khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Tây Nam Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tổng lượng mưa trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-25mm; riêng khu vực Trung Trung Bộ, một số nơi thuộc Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tổng lượng mưa thấp hơn từ 25-50mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ ngày 21/2-20/3, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 4 đợt mưa diện rộng vào các ngày 19-23/2 và từ 25-28/2 tại khu vực từ Quảng Bình - Khánh Hòa, ngày 4-6/3 tại khu vực Trung Trung Bộ, ngày 12-13/3 tại khu vực Việt Bắc.

Trong đó, đợt mưa từ ngày 25-28/2 do ảnh hưởng của không khí lạnh nên các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, như tại Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 56mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 34mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 25mm...

Trong đó, riêng tại Nam Đông (Thừa Thiên Huế) ngày 25/2 có lượng mưa là 56mm và vượt giá trị lịch sử lượng mưa ngày trong cùng thời kỳ tháng 2/1977 là 40mm. Như vậy, trong tháng 2 vừa qua, trạm này đã xảy ra 2 ngày xuất hiện giá trị lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử, trước đó là 41mm vào ngày 15/2.

(Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/sau-nang-nong-cuoi-tuan-bac-bo-don-khong-khi-lanh-179230321130426889.htm