"Sân khấu hóa" trong dạy và học môn Ngữ văn hút sự hứng thú
Ngữ Văn là một môn học quan trọng và cần thiết trong chương trình giáo dục. Để môn Ngữ Văn trở nên hấp dẫn, để các tác phẩm văn học dễ hiểu dễ nhớ hơn, thu hút học sinh niềm say mê với môn học này, nhiều hoạt động ngoại khóa văn học đã được giáo viên tích hợp vào chương trình giảng dạy.
Nhiều hoạt động ngoại khóa văn học "kiểu mới"
Hoạt động ngoại khóa văn học là hoạt động bổ trợ, nằm ngoài chương trình chính khóa, được tích hợp vào giờ học chính thức trên lớp, thường nhằm mục đích thực tế hóa kiến thức, khiến môn học trở nên hấp dẫn, sinh động, tạo hứng thú học tập cho học sinh, hạn chế cách giảng dạy mang tính giáo điều, xa rời cuộc sống.
Những hoạt động ngoại khóa văn học phổ biến ở các trường phổ thông hiện nay có thể kể đến như: đóng kịch dựa trên cốt truyện văn học, trình diễn thời trang, cuộc thi tìm hiểu kiến thức văn học...
Để xóa bỏ suy nghĩ "Ngữ Văn là môn học thuộc" hay học văn là để đi thi, học văn bằng cách diễn kịch đã được nhiều giáo viên lựa chọn như là một hình thức truyền tải kiến thức đến với các em học sinh. Không chỉ đơn thuần là đọc hiểu, ngồi trong lớp 45 phút hay thậm chí 90 phút để "thẩm" một tác phẩm văn học, các tác phẩm văn học đã được học sinh trường Trung học phổ thông Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa biến hóa thú vị qua những tiết mục kịch tràn đầy cảm xúc. Từ đó, các nhân vật trong tác phẩm văn chương được "sống lại" một cách rõ nét nhất trên sân khấu.
Tiết mục sân khấu hóa “Chí Phèo” (Nam Cao) của học sinh trường Trung học phổ thông Hàm Rồng. Ảnh: LL.
Chí Phèo – Nam Cao, Tức nước vỡ bờ - Ngô Tất Tố, Nỗi oan hại chồng – trích Quan Âm Thị Kính – nội dung của các tác phẩm văn học này đã được các em học sinh trường Trung học phổ thông Hàm Rồng tái hiện trong chương trình ngoại khóa với chủ đề "Văn học và đời sống" .
Các vở kịch đều được thầy và trò đầu tư dàn dựng công phu. Để tạo nên một sản phẩm chất lượng, trước hết học sinh cần hiểu sâu về các tác phẩm và hiểu rõ về nhân vật trong tác phẩm văn học. Cùng với đó là sự am hiểu nhiều lĩnh vực như: xây dựng kịch bản, cách diễn xuất, lựa chọn nhân vật phù hợp, trang phục, âm nhạc… Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ dẫn tận tình của các thầy cô giáo, các tác phẩm văn học đã được các em học sinh làm sống lại, bức tranh hiện thực xã hội hiện ra rõ nét nhất, hơi thở của lịch sử ùa về, truyền tải thông điệp sâu sắc, ý nghĩa.
Sáng tạo nhiều cơ hội tiếp cận và cảm thụ văn học
Học văn thông qua các loại hình nghệ thuật như: kịch, múa, âm nhạc… giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận và cảm thụ văn bản theo nhiều cách khác nhau. Cách học này giúp môn Ngữ Văn trở nên sinh động, khơi dậy sự hào hứng, động lực học tập ở học sinh, từ đó giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Ngoài ra, học văn bằng cách tái hiện các tác phẩm qua sân khấu còn giúp các em trở nên sáng tạo, rèn luyện thêm được một số kỹ năng mềm như: làm việc nhóm, giao tiếp và kết nối xã hội...
Cô Nguyễn Thị Hảo – giáo viên bộ môn Ngữ Văn trường Trung học phổ thông Hàm Rồng bày tỏ: "Ngoại khóa là một hoạt động nhằm đa dạng hóa các hình thức dạy học. Hoạt động ngoại khóa văn học hướng tới nhiều mục đích: Có thể vừa khắc sâu kiến thức trong chương trình, vừa mở rộng hiểu biết văn học cho học sinh. Về năng lực, phẩm chất thì hoạt động ngoại khóa giúp học sinh có thể rèn luyện, nâng cao năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực cảm thụ tác phẩm văn học. Đồng thời bồi dưỡng hứng thú, đam mê, tình yêu đối với văn học. Từ đó góp phần bồi dưỡng tư tưởng tình cảm tích cực cho các em như: tình yêu quê hương đất nước, yêu con người, yêu cái đẹp, cái thiện...".
Là người phụ trách chính của hoạt động ngoại khóa, cô Nguyễn Thị Hảo cũng chia sẻ thêm: "Là một giáo viên dạy môn Ngữ Văn, tôi thực sự thích tổ chức hoạt động ngoại khóa này từ việc xây dựng kế hoạch chương trình, lên ý tưởng, chủ đề, triển khai tới học sinh, định hướng nội dung, duyệt kịch bản... Bằng những công việc ấy nên khi xem học trò của mình thể hiện, cảm xúc vỡ òa và tự hào vì có những học sinh tài năng, sáng tạo. Quan trọng hơn, tôi cảm nhận được sự hứng thú đối với môn học này từ học sinh".
Từ tác phẩm văn học... đến kịch bản sân khấu
Sân khấu hóa các tác phẩm văn học là một hoạt động ngoại khóa bằng cách dàn dựng lại một bài thơ, câu chuyện thành một vở kịch, một tiết mục ca nhạc... nhưng vẫn cần giữ nguyên đặc trưng nguyên gốc của tác phẩm và nhân vật. Học sinh có thể chọn sân khấu hóa toàn bộ tác phẩm hoặc một trích đoạn đặc sắc nhất.
Biến hóa tác phẩm văn học qua các vở kịch có thể giúp học sinh tiếp cận kiến thức văn học tự nhiên và hiệu quả hơn, cảm nhận được những triết lý, bài học được gửi gắm qua tác phẩm một cách chân thực, gần gũi nhất. Đây là điều khó có thể đạt được nếu chỉ học theo cách giảng dạy truyền thống. Qua đó, các em sẽ được tiếp thêm cảm hứng, niềm vui khi được học văn mỗi ngày.
Mặt khác, hoạt động ngoại khóa môn Ngữ Văn còn giúp giáo viên có thể đánh giá năng lực lĩnh hội tri thức, nhìn nhận khối lượng tri thức đạt được của học sinh.
Suy cho cùng, cái đích lớn nhất của việc học văn là "giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí". Học văn là để trau dồi tâm hồn và học cách làm người. Thế nhưng dạy học như thế nào để gây hứng thú và niềm say mê của học sinh là cả một vấn đề không dễ dàng gì. Tổ chức hoạt động ngoại khóa văn học là một cách thức tổ chức dạy học sáng tạo, hiệu quả, để lại trong học trò nhiều cảm xúc sâu lắng nhất về môn học.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/san-khau-hoa-trong-day-va-hoc-mon-ngu-van-hut-su-hung-thu-179230321194734967.htm