Sách giáo khoa Lịch sử không "tô hồng" lịch sử dân tộc - Bài 3: Lịch sử "mở" với mọi công dân
Sách giáo khoa Lịch sử là tài liệu cung cấp kiến thức căn bản, toàn diện, xuyên suốt lịch sử dân tộc. Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện để mọi công dân, trong đó có các học sinh tìm hiểu tri thức lịch sử dân tộc.
Sách giáo khoa lịch sử hay trường lớp, không phải là nơi chốn duy nhất học sinh mới có thể tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử dân tộc. Nguồn sử liệu phong phú còn được tìm thấy ở hệ thống thư viện, bảo tàng, di tích lịch sử phân bổ rộng khắp trên mọi miền đất quốc.
Di tích, bảo tàng lịch sử - nhân chứng sống về thời đã qua
Từng đoạt giải quốc gia môn Lịch sử, Hoàng Tuấn Lâm (Cầu Giấy, Hà Nội) đã coi việc đến bảo tàng, thư viện là hoạt động thường xuyên ngoài thời gian lên lớp.
Tuấn Lâm chia sẻ: "Tôi đến thư viện để đọc sách lịch sử thế giới, thông qua đó để hiểu hơn lịch sử đất nước.
Tôi hay tới thăm các bảo tàng lịch sử như Bảo tàng Hồ Chí Minh để hiểu hơn về cuộc đời Bác; đến Bảo tàng Pháo binh (Ba Đình, Hà Nội) để tìm hiểu về bộ đội pháo binh khi tham gia các chiến dịch hay Bảo tàng Chiến thắng B52 (Ba Đình, Hà Nội) giúp tôi hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Đế quốc Mỹ và Thủ đô Hà Nội".
Tuấn Lâm cũng cho biết, bản thân cũng đã ghé thăm nhiều di tích lịch sử ở Hà Nội như Nhà tù Hỏa Lò; Văn Miếu - Quốc Tử Giám – Khuê Văn Các; Nhà Hát Lớn; Chùa Một Cột; Chợ Đồng Xuân. Qua đó, giúp Tuấn Lâm hiểu rõ hơn về các sự kiện lịch của dân tộc.
Lịch sử lúc này không còn nằm trong trang sách, với Lâm, lịch sử đã trở thành hiện thực sống động có thể nhìn, chạm và cảm nhận trực quan.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020, cả nước có 162 bảo tàng. Trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập. Bình quân mỗi tỉnh có nhiều hơn 1 bảo tàng. Các bảo tàng lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử.
Trong đó có tới 120 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (trong tổng số 164 bảo vật quốc gia). Các bảo tàng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đất nước.
Và để thu hút công chúng nhiều hơn tìm hiểu lịch sử, các bảo tàng, di tích lịch sử cũng đang nỗ lực chuyển mình, nâng cao chất lượng phục vụ, tận dụng khoa học, công nghệ để thu hút người dân, đặc biệt là giới trẻ. Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một minh chứng tiêu biểu.
Đến với Hỏa Lò, theo hướng dẫn tận tình của nhân viên di tích, du khách được tham quan các toàn bộ nhà tù với những hiện vật sinh động. Tai nghe thuyết minh giúp mỗi cá nhân như được sống lại những ký ức bi hùng của lịch sử dân tộc. Mỗi hiện vật được trưng bày đều mang trong mình cuộc sống riêng gắn với những câu chuyện không thể nào quên.
Tham gia chuyến tham quan "Đêm thiêng liêng" của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách được nhập vai tù chính trị để trải nghiệm những ngột ngạt, tăm tối trong các phòng giam lạnh lẽo mà các chiến sĩ của ta đã từng sống qua.
Cùng với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc về cách thức tổ chức, xây dựng các chuyến tham quan, Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn gây ấn tượng mạnh với phương thức truyền thông gần gũi, ấn tượng.
Theo Thạc sĩ Đinh Hồng Anh, giảng viên truyền thông tại Đại học Nghệ thuật London (Anh) nhận định, cách làm truyền thông của Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện nay rất “bắt trend” (hợp xu hướng) nhắm tới công chúng trẻ.
“Những câu chuyện lịch sử được kể theo lối hóm hỉnh với nhiều chi tiết và dòng trạng thái được bình luận là “đỉnh”, “chất”, “mặn” - theo đánh giá của chính các bạn trẻ - thu hút công chúng hơn bao giờ hết.
Nó đúng là nên được tham khảo và áp dụng nếu như các khu di tích lịch sử khác cũng nhắm đến đối tượng công chúng trẻ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Quan trọng là ta cần hiểu nhóm khán giả mục tiêu mà ta hướng tới để làm nội dung đúng và trúng”, Thạc sĩ Đinh Hồng Anh nhấn mạnh.
Hàng chục nghìn thư viện trên cả nước
Bên cạnh các bảo tàng, di tích lịch sử, các thư viện trên cả nước cũng là nơi cung cấp nguồn sử liệu quý giá cho học sinh, người dân muốn khám phá sâu hơn về lịch sử dân tộc.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020, hệ thống thư viện công cộng nước ta có 24.102 thư viện. Trong đó: số thư viện cấp xã là 3.290 thư viện; số phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 19.901.
Trong năm 2020, tổng lượt bạn đọc đến thư viện trên cả nước là gần 59 triệu lượt, tăng 99,8% so với năm 2017. Tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 87 triệu lượt, tăng 59,3% so với năm 2017.
Nhiều địa phương đã khẳng định vị thế của mình về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với nhiều hình thức phục vụ bạn đọc đa dạng, phong phú như Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp...
Các thư viện luôn chứa đựng hàng trăm, hàng nghìn sách lịch sử. Trong đó phần nhiều là lịch sử dân tộc với nội dụng phong phú, đa dạng, mức độ chuyên sâu khác nhau.
Thư viện Hà Nội hiện đang lưu trữ khoảng 32.000 cuốn sách lịch sử, cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Những cuốn sách lịch sử dân tộc luôn sẵn sàng trên các kệ sách của thư viện để phục vụ người dân.
Trong đó, có những cuốn sách khái quát sơ lược về lịch sử Việt Nam; lịch sử Việt Nam qua từng triều đại, thời kỳ; lịch sử vùng miền, tiểu sử của các anh hùng dân tộc; chi tiết những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; lịch sử các nghề, các lĩnh vực cụ thể…
Để thu hút người dân Thủ đô đọc sách, Thư viện Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình triển lãm, trưng bày, cuộc thi giới thiệu sách cả trực tiếp và trực tuyến. Năm 2021, Thư viện tổ chức trưng bày 23 cuộc bày triển lãm, giới thiệu sách, báo tư liệu theo hình thức online chào mừng các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước và Thủ đô.
Năm 2022, Thư viện tiếp tục thực hiện các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách chuyên đề... phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền nhân các sự kiện ngày lễ trọng đại của đất nước và Thủ đô. Từ đầu năm 2023, trung bình mỗi tháng, Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách theo chuyên đề.
Ngoài ra, thư viện Hà Nội còn tích cực truyền thông trên các nền tảng trang web, mạng xã hội. Qua đó đưa sách đến gần hơn với công chúng, nhất là những độc giả trẻ.
Với nguồn sử liệu phong phú, ngoài sách giáo khoa Lịch sử, học sinh yêu và muốn khám phá lịch sử dân tộc có thể khai thác từ nhiều nơi khác nhau để làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình.
Ngày 9/12/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1520/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030".
Với Quyết định này, hệ thống thư viện, bảo tàng trên cả nước sẽ được đầu tư nhiều hơn với các hoạt động, nội dung thu hút, hấp dẫn hơn để người dân, học sinh đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử quê hương, đất nước mình.
Cảnh giác với âm mưu thù địch từ quan điểm sai lệch về sách giáo khoa Lịch sử
Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh, người dân tìm hiểu kiến thức lịch sử dân tộc. Các thể loại sách, tài liệu lịch sử được lan tỏa trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ những vùng kinh tế phát triển đến những tỉnh khó khăn, từ sách giấy đến những ấn phẩm điện tử để lan tỏa rộng rãi hơn.
Trong đó, sách giáo khoa Lịch sử chỉ là một trong nhiều nguồn sử liệu chính thống nhất, uy tín.
Sách giáo khoa Lịch sử không chỉ mô tả những chiến công, thành tựu của cha ông ta trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà còn nêu với tinh thần khách quan, cầu thị, cả thất bại trong các trận đánh, những khía cạnh không tốt của các triều đại và cả những sai lầm của một số cá nhân của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo nhân dân giành, giữ và xây dựng đất nước.
Chúng ta không ngại đưa những "góc khuất" của lịch sử dân tộc vào trong sách giáo khoa. Nhưng cần đặt ra câu hỏi đưa vào để làm gì, có ý nghĩa như thế nào trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh?
Những sự kiện, nhân vật lịch sử được đưa vào sách giáo khoa Lịch sử để giảng dạy, nếu không chọn lựa kỹ, rất có thể sẽ khiến học sinh có cái nhìn lệch lạc, tiêu cực về lịch sử dân tộc, từ đó, ảnh hưởng đến nhận thức, tình cảm và hành vi của học sinh với đất nước.
Liều lượng và việc sắp xếp các nội dung lịch sử được cân nhắc rất kỹ trong sự phù hợp với đối tượng là học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau để hướng tới mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hướng con người đến nhận thức toàn diện, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đây là điều mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đang thực hiện.
Những người có quan điểm cho rằng sách giáo khoa Lịch sử đang phản ánh một chiều và có phần "tô hồng" lịch sử dân tộc, có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, người đó chưa tìm hiểu về lịch sử dân tộc ở sách giáo khoa Lịch sử một cách sâu sắc, đầy đủ, mang tính hệ thống, trong sự đối sánh với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Do đó họ có cái nhìn lệch lạc về nội dung trong những bộ sách này.
Thứ hai, do âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, muốn "xét lại" lịch sử, khơi sâu, phóng đại vào những sai lầm của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đất nước, nhằm gây bất ổn chính trị, từ đó lợi dụng để lật đổ Nhà nước, xóa bỏ thể chế xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Và lần này, đối tượng hướng tới của các thế lực thù địch là sách giáo khoa Lịch sử, tới học sinh – những mầm non tương lai của đất nước, nhưng rất dễ bị tác động, lôi kéo bởi nhận thức, quan điểm chính trị chưa vững vàng.
Sách giáo khoa Lịch sử vẫn sẽ thực hiện sứ mệnh chuyên chở nội dung, kiến thức lịch sử đến học sinh. Nhưng để học sinh có cái nhìn đa chiều về lịch sử dân tộc, qua đó góp phần hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, hình thành khát vọng, lý tưởng sống cống hiến còn cần phải có sự tham gia trực tiếp của bố mẹ, giáo viên và cả xã hội.
Và khi những tri thức được truyền dạy với tình yêu thương và phương pháp phù hợp, những tình cảm trong sáng, tích cực ấy sẽ đến một cách rất tự nhiên.