Sách giáo khoa Lịch sử không “tô hồng” lịch sử dân tộc - Bài 2: Nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc cho học sinh
Để hướng tới mục tiêu cuối cùng trong chương trình giáo dục là đào tạo người học trở thành công dân tốt, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, các thông tin, kiến thức trong sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa môn Lịch sử nói riêng phải được chọn lọc kỹ càng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Đối với Người, việc nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc trong học sinh là rất quan trọng, trong đó có vai trò của sách giáo khoa Lịch sử.
Khi học sinh hiểu lịch sử một cách tường tận sẽ nhân lên trong thế hệ trẻ lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Chính điều ấy sẽ mang khát vọng cống hiến trong mỗi học sinh, để tôi đắp thêm trang sử vẻ vang của dân tộc thêm rực rỡ, ngời sáng.
Muốn vậy, có vai trò quan trọng của sách giáo khoa Lịch sử. Trong đó, nội dung trong sách giáo khoa môn học này cần phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, nhận thức, tư duy của học sinh từng cấp học. Đồng thời giáo viên phải truyền được cảm hứng học tập môn lịch sử đúng đắn, tích cực đến học sinh.
Giai đoạn hình thành thế giới quan, nhân sinh quan của con người
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hương – giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết ở cấp độ tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5, tức 6 đến 10 tuổi), hoạt động chủ đạo của học sinh là học tập, nhận biết thế giới, con người… song hành với hoạt động vui chơi.
Từ lớp 1 đến lớp 3, hoạt động chủ đạo học tập chưa vượt trội mà vẫn song song với vừa học vừa chơi để trải nghiệm. Ở giai đoạn này, nhận thức của học sinh sẽ dựa trên cảm nhận tri giác về sự vật hiện tượng và tư duy logic chưa nhiều, chưa có sự sâu sắc mang tính trừu tượng. Việc học ở tiểu học chủ yếu là lặp lại, mô tả.
Ở lớp 4 đến lớp 5, mức độ nhận thức của học sinh cao hơn hẳn, bắt đầu nhìn nhận về những logic của sự vật hiện tượng để lắp ghép theo trình tự cụ thể. Tuy nhiên, tư duy của các học sinh vẫn là trực quan sinh động
Đến cấp trung học cơ sở, học sinh lên tầng bậc nhận thức khác hẳn. Khả năng tư duy trừu tượng, logic của học sinh mang tính khoa học cao hơn. Đồng thời bắt đầu có tư duy mục đích, mục tiêu. Hoạt động học tập thực sự mang tính chủ đạo.
Các học sinh sẽ phải làm quen với việc thu thập, phân tích, so sánh và chứng minh thông tin. Dù tư duy nhanh nhưng khả năng điều khiển cảm xúc của học sinh ở độ tuổi này kém hơn so với người trưởng thành. Bởi xuất phát từ nền tảng của nhận thức chưa đúng về cảm xúc, hành vi, các mối quan hệ xã hội.
Đến giai đoạn trung học phổ thông, học sinh có khả năng tư duy trừu tượng nhiều hơn, phát triển về mặt cảm xúc, rõ ràng hơn về chuẩn mực, quan điểm về giá trị và đạo đức, nhận thức rành mạch giữa việc nên làm và không nên làm. Lên lớp 11, 12, sự cân nhắc về mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, vai trò của học sinh được đưa vào khuôn khổ, chừng mực để có hành vi phù hợp hơn.
Như vậy có thể thấy, trong độ tuổi từ 6 đến dưới 18 tuổi (lớp 1 đến lớp 12), học sinh đang trong quá trình thu nhận thông tin, kiến thức từ bên ngoài để hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cho bản thân.
Từ lớp 3, học sinh bắt đầu có ý thức chính trị, vai trò của mình với xã hội như thế nào khi được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Tới cuối lớp 9, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ý thức chính trị của các học sinh sẽ có tiến triển hơn nữa.
Nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử phải phù hợp với đặc điểm nhận thức, tư duy của học sinh
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hương, giáo dục cho các học sinh tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người ngay từ khi còn nhỏ là hệ giá trị mà ở bất cứ thế hệ nào cũng nên làm.
Do đó, kiến thức trong sách giáo khoa môn Lịch sử cần chọn lọc theo tầng bậc phát triển nhận thức và tư duy của học sinh, giúp học sinh nhớ, hiểu, thấm dần những giá trị cùng bài học lịch sử dân tộc.
"Nếu đưa những góc độ khác nhau của lịch sử dân tộc vào sách giáo khoa môn Lịch sử và mô tả không tốt, học sinh sẽ không hiểu được đúng – sai, điều chân thật trong lịch sử do hạn chế về trình độ nhận thức.
Nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử đưa như hiện tại là đủ, mang tính mô tả cho các học sinh biết rằng có sự kiện, thời điểm, nhân vật để các học sinh nhớ được. Vậy đã là rất tốt rồi. Còn xây dựng tình cảm với quê hương, đất nước còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hương nhấn mạnh.
Giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết thêm, các thao tác tư duy của học sinh từ lớp nhỏ đến lớn sẽ tiến triển lên.
Nhưng cho đến hết lớp 12, học sinh vẫn sẽ còn mơ hồ nhiều về thế giới. Đặc biệt, ở độ tuổi dưới 18, việc điều khiển cảm xúc của học sinh thường theo chiều hướng tiêu cực.
Khi đưa những thông tin về góc khuất, học sinh không thể đủ khả năng và năng lực để soi xét các vấn đề một cách chính xác và khách quan.
Để nhìn nhận sự kiện lịch sử, con người lịch sử một cách khách quan, tường minh cần học hết đại học, tức phải nghiên cứu, người học mới có thể nhận định các sự kiện, nhân vật lịch sử như vậy.
"Quan trọng là tính giáo dục trong chương trình học nói chung và sách giáo khoa môn Lịch sử nói riêng. Đúng hay sai ở góc độ lịch sử thì cho đến bây giờ, nhiều sự kiện lịch sử, những người làm nghiên cứu lịch sử lâu năm cũng chưa thể giải đáp chính xác hoàn toàn. Sách giáo môn Lịch sử hiện nay đang thực hiện đúng vai trò của mình", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hương khẳng định.
Xét cho cùng, sách giáo khoa là công cụ giảng dạy của giáo viên để truyền đạt nội dung, kiến thức đến học sinh. Khơi gợi, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trong học sinh từ kiến thức lịch sử sẽ còn phụ thuộc vào cách thức, phương pháp giảng dạy của mỗi người thầy.
Người thầy phải truyền được cảm hứng học lịch sử cho học sinh
Nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử, nhà giáo Lê Đình Hiển - giáo viên Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa nhận thức rõ yếu tố quyết định sự hứng thú học Lịch sử của học sinh chính là sự tận tâm, nhiệt huyết của mỗi người thầy.
Điều đó được thể hiện không chỉ trong nội dung giảng, vốn gắn bó chặt chẽ với sách giáo khoa, mà còn thông qua tinh thần luôn đổi mới của thầy cô trong cách truyền tải kiến thức đến học trò.
Theo nhà giáo Lê Đình Hiển, muốn hấp dẫn học sinh vào tiết học Lịch sử, trước hết, thầy cô phải có chuyên môn vững vàng, không ngừng rèn luyện, trau dồi chuyên môn, hiểu rõ các vấn đề lịch sử theo nhiều góc độ để định hướng giáo dục học sinh theo khía cạnh khách quan, nhân văn nhất.
Thứ hai, giáo viên dạy Lịch sử phải có kiến thức liên môn, khả năng tiếp cận kiến thức mới.
Ví dụ, khi dạy về cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, phải có hiểu biết cơ bản về máy bay B52, MiG 21, tên lửa SAM, về vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học.... để làm sâu sắc thêm những nhận định, đánh giá về mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh, về các chiến thuật như trực thăng vận, thiết xa vận, bủa lưới phóng lao, sử dụng bom nguyên tử chiến thuật.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tiếp cận phương pháp mới, giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, tận dụng công nghệ thông tin để làm tiết dạy sinh động hơn với kênh hình, biểu đồ, sơ đồ, video phù hợp với từng nội dung bài học.
Thứ ba, giáo viên phải dạy cái học sinh cần, chứ không phải dạy cái mình có, tiết chế kiến thức cho phù hợp với từng trình độ nhận thức của học sinh. Ở mỗi tiết học, thầy cô chọn ra sự kiện, vấn đề tiêu biểu để giảng dạy, làm nổi bật, giúp học sinh khắc sâu kiến thức quan trọng.
Thứ tư, giáo viên phải gắn bài học lịch sử với thực tiễn, phải có trải nghiệm thực tế, dạy học, không được xa rời thực tiễn lịch sử và cuộc sống. Với mỗi sự kiện lớn của dân tộc như Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), mỗi giáo viên Lịch sử cần lý giải là ý nghĩa của mỗi sự kiện đó trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đến học sinh. Đây cũng là cách giúp học sinh thấm nhuần hơn lịch sử dân tộc mình một cách gần gũi và dễ dàng.
Trong quá trình giảng dạy, nhà giáo Lê Đình Hiển luôn cẩn trọng khi chia sẻ nội dung kiến thức về những thất bại, sai lầm của một vài cá nhân trong Đảng khi lãnh đạo nhân dân giành và xây dựng đất nước, sao cho học sinh có cái nhìn khách quan, đúng đắn, tích cực nhưng vẫn tạo được hứng thú.
"Thứ nhất, dám nhìn vào sự thật và nói rõ sự thật. Nếu giáo viên không dám nói hoặc nói không đúng, sẽ khiến học sinh thắc mắc, tò mò và tìm hiểu những thông tin trên mạng, trong đó không ít thông tin sai lệch, phủ nhận, xuyên tạc.
Thứ hai, đặt sai lầm, khuyết điểm, hạn chế đó trong bối cảnh lịch sử cụ thể và tổng thể. Từ đó giáo viên cho học sinh thấy cái nhìn toàn diện, tại sao các cá nhân trong Đảng sai lầm? Ta có dám nhìn vào cái sai đó không? Ta có sửa sai không? Kết quả đạt được là gì?
Thứ ba, rút ra bài học, kiên quyết sửa sai nếu phạm sai lầm. Lịch sử luôn cho ta bài học. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, hoạt động vì quyền lợi của nhân dân và dân tộc.
Do vậy, trong quá trình hoạt động, Đảng luôn nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của nhân dân, phải luôn rút ra những bài học xương máu cả thành công và thất bại, sai lầm. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng, giáo viên cần để học sinh thấy được vấn đề này", nhà giáo Lê Đình Hiển nhấn mạnh.
Giống như tất cả các lĩnh vực khác của khoa học xã hội, lịch sử là khoa học của quan điểm, góc nhìn, mà nếu chưa đủ kiến thức nền và phông văn hóa, người học dễ có cái nhìn lệch lạc, tiêu cực, từ đó ảnh hưởng tới hành vi, nhận thức.
Sách giáo khoa môn Lịch sử cung cấp góc nhìn phù hợp với lứa tuổi học sinh, góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong lòng những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.
Có thể đâu đó trong phương pháp, cách truyền tải kiến thức lịch sử của nhiều giáo viên chưa tạo được hứng thú cho học sinh với môn học lịch sử. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng sách giáo khoa môn Lịch sử phản ánh một chiều, "tô hồng" lịch sử dân tộc.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện, khuyến khích học sinh, người dân tìm hiểu lịch sử dân tộc.
Khi đủ yêu và muốn khám phá lịch sử dân tộc, mỗi người sẽ chọn được cách thức phù hợp để tìm được sự thật của quá khứ mang ý nghĩa tích cực nhất.