Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc

Những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai) được Nhà nước công nhận là Danh thắng Quốc gia, được giới truyền thông quốc tế ca ngợi là đỉnh cao của vẻ đẹp kết tinh từ văn hóa và lao động của con người vùng Tây Bắc Việt Nam.

Ba thắng cảnh ruộng bậc thang này chứa trong mình những huyền sử của tộc người Mông, Dao, Nùng, Thái... đang mang lại cuộc sống no ấm cho người dân và là một sản phẩm du lịch độc đáo của vùng cao Tây Bắc.

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 1.

Những thửa ruộng bậc thang xen lẫn bản làng người Dao ở xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì,
tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTT

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 2.

Ruộng bậc thang Mù Căng Chải vào mùa nước đổ, bà con dân tộc Mông chuẩn bị cày cấy cho vụ mùa mới. Ảnh: TTT

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 3.

Tượng thần Sấm – vị thần chuyên ban phát mưa cho mùa màng của người Dao ở xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTT

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 4.

Người Mông ở Mù Căng Chải thường dán giấy lên công cụ lao động và đưa lên bàn thờ trong ba ngày Tết để tri ân, cảm ơn vì những công cụ này đã cùng con người vất vả trên những thửa ruộng bậc thang trong năm qua. Ảnh: TTT

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 5.

Người Dao ở Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang tiến hành nghi lễ gọi hồn lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Ảnh: TTT

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 6.

Thầy cúng ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang thực hiện nghi lễ gọi hồn lúa. Ảnh: TTT

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 7.

Bông lúa giống đặt trên mâm cơm cúng cơm mới của người Dao ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTT

Những vị thần trên ruộng bậc thang

Huyền sử vùng Tây Bắc kể rằng, cách đây khoảng 4 thế kỷ, những tộc người như Mông, Dao, La Chí... di cư đến vùng Tây Bắc để khai khẩn và định cư, nhưng lúc đó bốn thung lũng lớn của vùng Tây Bắc là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La) đã có những tộc người bản địa là Thái, La Ha sinh sống. 

Vì thế, họ phải chọn những dải núi như Khau Phạ (Mù Cang Chải - Yên Bái), Hoàng Liên Sơn (Sa Pa – Lào Cai) và Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì - Hà Giang), những nơi có độ cao từ 1.000 – 1.600m so với mực nước biển để dựng bản, lập mường.

Để đảm bảo đời sống, những tộc người này đã phải chọn hình thức canh tác ngô, lúa nương trên những quả núi đất có độ dốc cao để lấy lương thực. Ban đầu, những thửa ruộng bậc thang chỉ hình thành dưới chân núi để họ chủ động nguồn nước suối tưới tiêu. Sau này dân số tăng lên, họ bắt đầu khai khẩn ruộng bậc thang lên cao dần trên đỉnh núi, hình thành nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ôm quanh những quả núi như ngày nay.

Khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình công phu và tốn nhiều công sức. Ông Cứ A Giàng, người Mông ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) cho biết, theo kinh nghiệm của cha ông để lại, quả núi chọn để làm ruộng có độ dốc vừa phải, có nguồn nước từ khe suối, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá. Việc khai khẩn ruộng bậc thang được tiến hành vào mùa xuân, thường thì vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 để đến tháng 4 – 5 là có thể kịp lấy nước phục vụ canh tác.

Còn theo ông Lý Vàn Thạch ở xã Thung Nguyên (Hoàng Su Phì) cho biết, công đoạn khó khăn nhất trong quy trình khai khẩn ruộng bậc thang là san mặt bằng ruộng và làm bờ ruộng, vì nó liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng. 

Ông Thạch lý giải rằng: "Người Dao chúng tôi thường dùng cuốc cào đất thành bờ, dùng chân giẫm và sống cuốc đập mạnh vào để nén chặt bờ ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa ruộng trên và thửa dưới thường là 0,5 - 2 m. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ sẽ ngấm nước làm cho đất liên kết với nhau rồi cứng lại".

Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng "treo" trên các sườn non.

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 8.

Vào mùa lúa lên đòng, trổ bông người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) thường mang những tấm áo thổ cẩm đã cũ mang lên ruộng bậc thang cắm để xua đuổi chim muông. Ảnh TTT

Lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử và văn hóa cư trú của tộc người Mông, Dao, La Chí, Nùng... trên các địa danh Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì và Sa Pa. Trong đời sống tâm linh của các tộc người này, họ quan niệm vạn vật hữu linh nên những thửa ruộng bậc thang, công cụ lao động, và thóc lúa đều được phong thần như: Thần ruộng, thần lúa, thần sấm, thần mó nước...

Dấu ấn đa thần đó thể hiện rõ nét qua tục thờ cúng công cụ lao động, cúng thần ruộng và thần mó nước trong ngày Tết của người Mông diễn ra vào tháng 12 âm lịch. Ông Giàng A Chư ở xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) lý giải về phong tục này rằng: "Quanh năm cái cuốc, cái cày nó đã vất vả giúp mình cày xới làm ra hạt thóc, hạt ngô nên ngày Tết nó cũng phải được nghỉ ngơi. Vì thế người Mông mình mới có tục dán giấy lên cái cày, cái cuốc... rồi đưa lên bàn thờ để thắp hương cảm ơn và tưởng nhớ như tổ tiên của mình".

Hay như cộng đồng người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì còn tồn tại một lễ hội khá kỳ lạ là Lễ cúng hồn lúa. Người Dao đỏ quan niệm rằng cây lúa trên ruộng bậc thang cũng có phần hồn và phần xác như con người. 

Thầy mo Triệu Chòi Hín, người chủ tế trong Lễ cúng hồn lúa năm nay ở xã Hồ Thầu cho biết: "Sau khi thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang thì vẫn còn những hạt lúa bị rụng, rơi vãi trong quá trình vận chuyển về nhà. Người Dao mình phải làm lễ để gọi hồn những hạt lúa đó về, để mùa sau không bị mất mùa, thóc lúa theo nhau về nhà nhiều hơn".

Liên quan đến tín ngưỡng đa thần xung quanh ruộng bậc thang, người Dao, Mông, La Chí, Nùng sinh sống ở vùng núi Tây Côn Lĩnh đến nay vẫn còn truyền cho nhau câu chuyện thờ thần Sấm ở thôn Suối Thầu, xã Bản Luốc. Ông trưởng thôn Suối Thầu Đặng Hồng Cánh kể rằng, cách đây khoảng 300 năm, khi người Dao áo dài đến khai khẩn ruộng bậc thang ở vùng đất này thì mùa màng liên tiếp thất bát vì không có mưa. 

Từ khi người dân lập ngôi đền thờ thần Sấm thì mưa thuận gió hòa. Vì thế, ngày nay cứ đến vụ mùa canh tác mới, người dân Hoàng Su Phì lại tập trung đến ngôi đền thiêng này để làm lễ cầu mưa.

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 9.

Nhiều gia đình người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) còn giữ cách thu hoạch lúa theo lối cổ truyền, họ gặt, đập lúa trên ruộng bậc thang rồi đóng thóc vào bao chở về bản. Ảnh: TTT

Ruộng bậc thang - bài ca vỡ núi vùng Tây Bắc - Ảnh 10.

Người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) lọc bỏ những hạt thóc lép trên ruộng bậc thang trước khi đóng bao chở về bản. Ảnh: TTT

Những bậc thang no ấm

Ông Giàng A Tông, từng làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái, người sinh ra và lớn lên trên lưng dãy núi Khau Phạ tự hào về danh thắng quê mình: "Từ đời cha ông, cụ kỵ chúng tôi, ruộng bậc thang đã mang lại nguồn sống. Các thế hệ người Mông nối tiếp nhau không ngừng bồi đắp thêm những nấc ruộng mới. Từ năm 2007, khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Danh thắng cấp Quốc gia thì những cánh đồng của người dân trở thành một tài sản chung được gìn giữ. Không chỉ tạo ra thóc lúa, ruộng bậc thang còn là bản sắc của người Mông chúng tôi".

Với 3 xã vùng lõi của danh thắng ruộng bậc thang Mù Căng Chải là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình với 330 ha nhưng đến thời điểm này huyện đã phát triển diện tích ruộng bậc thang lên 4.500 ha. Mỗi một năm huyện khai hoang thêm 200 - 250ha. Dự kiến năm 2022 sẽ tiếp tục khai hoang khoảng 200 ha nữa. Diện tích ruộng bậc thang của huyện liên tục được mở rộng là một thế mạnh để phát triển du lịch.

Những thửa ruộng bậc thang nằm trên địa bàn ba xã là Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Xu Phình đang là địa điểm thu hút du khách lên chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ vào mùa nước đổ và mùa lúa chín. Hàng năm, huyện Mù Cang Chải tổ Lễ hội ruộng bậc thang vào đúng mùa gặt để quảng bá du lịch. "Lễ hội ruộng bậc thang thực chất là lễ hội tôn vinh những cư dân đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, để tạo nên những nấc thang hạnh phúc, ấm no cho mảnh đất vùng cao này", ông Giàng A Tông tự hào nói.

Ở Hoàng Su Phì, những thửa ruộng bậc thang đã có lịch sử hình thành từ 3 - 4 thế kỷ trước. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận 760 ha trong tổng số hơn 3.000 ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì là Di tích Quốc gia.

Những cánh đồng ruộng bậc thang rộng hàng trăm héc ta, được các tộc người ở Sa Pa cần mẫn vạt núi tạo nên "bức tranh phong cảnh khổng lồ" với những đường nét uốn lượn độc đáo đã được tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ bình chọn là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất trên thế giới. Thắng cảnh này đang là địa chỉ đỏ để huyện miền núi Sa Pa phát triển du lịch và kinh tế.

Những cánh đồng ruộng bậc thang rộng hàng trăm héc ta, được các tộc người ở Sa Pa cần mẫn vạt núi tạo nên "bức tranh phong cảnh khổng lồ" với những đường nét uốn lượn độc đáo đã được tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ bình chọn là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất trên thế giới.

Có thể nói, danh thắng ruộng bậc thang vùng Tây Bắc không chỉ là một một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn là một bản hùng ca về sự sáng tạo độc đáo của con người vùng cao trong quá trình cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống từ hàng thế kỷ qua.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ruong-bac-thang-bai-ca-vo-nui-vung-tay-bac-179220623112038776.htm