Ra mắt "Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân – Cuộc đời và cây bút": Cống hiến một đời cho văn, báo, thơ, nhạc
Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ ra mắt "Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc đời và cây bút" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) vào tối 16/3.
Chương trình được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 74 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2024); kỷ niệm 99 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).
"Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc đời và cây bút" là cuốn sách ghi lại dấu ấn kỷ niệm tuổi 70 và chặng đường 50 năm cầm bút viết văn, 40 năm làm báo của tác giả.
"Hãy coi cuốn sách này là một kỷ niệm của cuộc đời cầm bút của tôi gửi tặng gia đình và bạn bè, đồng nghiệp", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói.
Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - cuộc đời và cây bút gồm 7 phần: Phóng sự, Tản mạn, Truyện ngắn, Thơ, Nhạc, Họa, Ảnh
Trong mỗi phần, bạn đọc sẽ được đọc lại những bài viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ở thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp làm báo, cùng những chia sẻ sâu hơn của ông về cuộc đời, về tình thân, tình thương trong 70 năm cuộc đời.
Ngoài ra, trong sách còn in tranh do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ chân dung của một số nhân vật như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Huấn luyện viên Park Hang Seo, Huấn luyện viên Mai Đức Chung và đặc biệt là ba mẹ ruột - nhà báo Huỳnh Hùng Lý, nhà báo Lê Thị Lý, và vợ của tác giả - chuyên viên truyền thông Bùi Thị Mai.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) là một cây bút nổi tiếng của báo chí Việt Nam. Ông được coi là "Vua phóng sự" của Việt Nam thời kỳ đổi mới. Vào những năm 1990-2010, nhiều bạn đọc đi tìm mua Báo Lao Động (nơi ông công tác) để được đọc các phóng sự của ông.
Ông kinh qua một chặng đường báo chí với nhiều dấu ấn lớn, từ một phóng viên giỏi nghiệp vụ trở thành một Tổng biên tập, rồi Phó ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, rồi làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo...
Ông cũng là giảng viên môn phóng sự cho các trung tâm đào tạo báo chí và trường đại học trong cả nước suốt mấy chục năm qua.
Nếu tính từ những bài thơ đầu tiên được đăng báo, đến nay, Huỳnh Dũng Nhân đã có 50 năm tuổi viết văn chương cùng hơn 40 làm báo chuyên nghiệp. Có thể nói, cả cuộc đời ông đã theo đuổi nghề cầm bút.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân càng dấn thân càng đi sâu vào nghề bảo, mảng phóng sự... càng gặt hái nhiều thành công. Ông được giới báo chí và bạn đọc yêu mến, đánh giá cao nhờ tinh thần yêu nghề, hướng thiện, sống nhân văn, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Ông còn là hội viên Hội nhà văn Việt Nam với hơn 30 đầu sách đã in.
Năm 2015, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nghỉ hưu, song ông vẫn tiếp tục viết, giảng dạy và tiếp tục cống hiến trên nhiều lĩnh vực.
Những ai biết nhiều hơn về Huỳnh Dũng Nhân còn thêm phần cảm phục ông bởi năm 2020, ông bị tai biến trên đường đi xuyên Việt. Song, nhờ kiên trì tập luyện, Huỳnh Dũng Nhân không chỉ chiến thắng bệnh tật mà còn "phát lộ" tài năng mới: vẽ tranh cổ động và tranh chân dung, sáng tác nhiều bài thơ hay, nhiều khúc nhạc lay động lòng người.
Ở tuổi "cổ lai hi" ông vẫn hăng hái như thanh niên, đi, viết, giảng dạy, truyền cảm hứng sáng tạo, năng lượng sống đẹp, làm nghề tử tế, trách nhiệm tới thế hệ trẻ.
Sau tai biến, ông đã thực hiện cuộc xuyên Việt thứ ba (hai cuộc đi xuyên Việt nổi tiếng trước đó đã tốn nhiều giấy mực của báo chí), đi lại 45 tỉnh thành, thăm lại những địa danh và bạn bè có những kỷ niệm đặc biệt với cuộc đời cầm bút của mình.
Đồng thời, ông vẫn tiếp tục đi giảng dạy, viết báo, làm thơ, in được 6 tập thơ, truyện ngắn và một tập hồi kỳ kỷ niệm 40 năm cầm bút.