Quy định về quyền của giáo viên Hàn Quốc được bổ sung thế nào?
Sau hàng loạt vụ tự tử của giáo viên xảy ra vào năm ngoái, Văn phòng Giáo dục Seoul (Hàn Quốc) cho biết sẽ bổ sung quy định về quyền của giáo viên nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho họ.
Sau hàng loạt vụ việc xảy ra vào năm ngoái liên quan đến lạm dụng giáo viên, cơ quan giáo dục ở Seoul (Hàn Quốc) đã sửa đổi, bổ sung một điều khoản quy định về việc bảo vệ giáo viên (điều khoản này nằm trong kế hoạch sửa đổi quy định pháp luật về quyền học sinh).
Văn phòng Giáo dục Seoul hiện đang soạn bản thảo đầu tiên về quyền học sinh giai đoạn 2024-2026 và dự kiến tổ chức một buổi điều trần công khai tại trụ sở ở quận Jongno vào ngày 11/5 để lấy ý kiến phản hồi từ các chuyên gia, công chúng, học sinh, phụ huynh và giáo viên trên toàn thành phố.
Kế hoạch mới của Văn phòng Giáo dục Seoul được cho là nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các giáo viên.
Theo quy định mới, cơ quan giáo dục phải cung cấp cho mỗi trường một sổ tay hướng dẫn bảo vệ giáo viên, cùng với hướng dẫn cách giải quyết các tranh chấp pháp lý liên quan đến vi phạm quyền của giáo viên.
Các biện pháp hỗ trợ giáo viên bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp cũng được đưa vào kế hoạch mới, bao gồm cả tư vấn tâm lý.
Động thái gần đây của Văn phòng Giáo dục Seoul diễn ra trong bối cảnh cuộc đối thoại toàn quốc về tình trạng xâm phạm quyền của giáo viên, sau vụ tự sát trong chính lớp học của một giáo viên tiểu học (24 tuổi) ở quận Seocho (Seoul) vào tháng 7 năm ngoái.
Cái chết của nữ giáo viên này sau đó đã làm dấy lên hàng loạt nghi vấn rằng cô bị phụ huynh học sinh quấy rối và đe dọa trong thời gian dài. Điều này đã làm dấy lên một cuộc biểu tình với quy mô lớn do giáo viên Hàn Quốc tự tập hợp lại và cùng nhau đình công.
Kể từ năm 2010, các cơ quan giáo dục trên khắp Hàn Quốc đã ban hành quy định về quyền của học sinh. Mặc dù quy định này được xây dựng với mục đích tốt, song đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận vì quy định chỉ chú trọng đến quyền lợi của học sinh mà bỏ qua quyền và lợi ích của giáo viên.
Theo quy định này, mỗi học sinh là một cá thể độc lập chứ không phải là đối tượng chịu sự kiểm soát. Đồng thời, cấm giáo viên không được trừng phạt thân thể và phân biệt đối xử học sinh.
Vụ tự tử năm 2023 là một trong số những trường hợp giáo viên phải chịu những áp lực và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần vì bị phụ huynh lạm dụng quyền lực, có những lời phàn nàn khắc nghiệt. Giữa xu hướng này, ngày càng nhiều giáo viên Hàn Quốc cho biết họ có ý định nghỉ việc để tìm kiếm một nghề nghiệp mới thay vì ở lại trường cho đến khi nghỉ hưu.
Một cuộc khảo sát do Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc công bố vào tháng 2 vừa qua cho thấy, từ năm 2022, khoảng 50,1% nữ giáo viên tiểu học cho biết họ có ý định nghỉ việc trước khi đến tuổi nghỉ hưu, tăng so với 40,5% của năm trước. Tỷ lệ này cao hơn số giáo viên nam muốn nghỉ việc, tăng từ 30,3% lên 32,3% trong cùng thời kỳ.
Cũng vào tháng 2, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết, bắt đầu từ năm nay, giáo viên sẽ có thể sử dụng đường dây nóng 1395 để báo cáo những hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mình.
Tháng 7/2023, một sự việc đau lòng đã xảy ra tại một trường tiểu học ở Seoul, Hàn Quốc. Nữ giáo viên 24 tuổi được học sinh và đồng nghiệp phát hiện đã tự tử trong lớp học của mình khi chuông báo vào học sắp sửa vang lên. Không có bức thư tuyệt mệnh nào được để tại hiện trường.
Trong mắt các đồng nghiệp, cô giáo này là người chăm chỉ và có tính cách tích cực. Vì thế, mọi người không biết nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Theo thông tin báo chí Hàn Quốc nhận định rằng, nữ giáo viên được cho là phải chịu nhiều tháng bị bắt nạt và gây áp lực bởi phụ huynh. Người này là mẹ của nữ sinh lớp 1 bị cáo buộc trong vụ bạo lực học đường.
Ngay sau đó, cảnh sát đã mở cuộc điều tra về vụ án. Từ đó, nhiều giáo viên khác cũng đã lên tiếng phản ứng, kêu gọi bảo vệ quyền lợi của họ.
Quy định về quyền học sinh được sửa đổi, bổ sung như thế nào?
Năm 2023, trước tình trạng nhiều giáo viên Hàn Quốc bị phụ huynh lạm dụng bằng các hình thức hành hung, quấy rối, Văn phòng Giáo dục Seoul cho biết sẽ tiến hành sửa đổi quy định về quyền học sinh nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các giáo viên.
"Tôn trọng quyền của giáo viên và phải tuân thủ các nội quy của trường học là một trong điều khoản bắt buộc trong bản sửa đổi quy định về quyền học sinh", một quan chức của Văn phòng Giáo dục Seoul cho biết.
Bên cạnh đó, bản sửa đổi sẽ cấm bất kỳ ai cản trở các hành động hợp lý của giáo viên trong hoạt động giảng dạy và hướng dẫn học sinh. Ngoài ra, cũng sẽ cấm sử dụng bạo lực về thể chất và ngôn từ đối với các nhà giáo.
Văn phòng Giáo dục Seoul cũng sẽ thúc đẩy việc ban hành một sắc lệnh riêng biệt nhằm bảo vệ quyền lợi của giáo viên tốt hơn, giúp họ tránh khỏi những lời phàn nàn thái quá và ác ý của phụ huynh, đồng thời cũng hỗ trợ họ trong các cuộc tranh chấp pháp lý với phụ huynh cũng như học sinh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quy-dinh-ve-quyen-cua-giao-vien-han-quoc-duoc-bo-sung-the-nao-179240411165727375.htm