Quảng Ninh: Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để dần bao phủ, mở rộng đến nhóm đối tượng yếu thế
Chính sách trợ giúp xã hội của Quảng Ninh đang hướng vào mục tiêu nâng dần mức sống của người dân thông qua việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và dần bao phủ, mở rộng đến các nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn theo vùng miền.
Trong suốt những năm qua, cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn quan tâm đặc biệt đối với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao mức sống của người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của Quảng Ninh.
Trong đó với với vai trò của mình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực tham mưu cho tỉnh trong việc tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, góp phần tiến tới an sinh toàn dân, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân.
Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp xã hội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, địa phương và sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên theo dõi, bảo đảm ổn định đời sống dân sinh khi gặp thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng. Nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa được bố trí kịp thời, tới đúng địa chỉ cho các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn...
Người thuộc diện hưởng trợ cấp luôn được giải quyết đúng, đủ các chế độ, chính sách, cũng phần nào thể hiện sự quan tâm, chăm lo của tỉnh đối với những nhóm yếu thế trong xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Một điểm sáng trong triển khai chính sách trợ giúp xã hội tại Quảng Ninh những năm qua là tỉnh luôn quan tâm xây dựng những chính sách đặc thù, điều chỉnh để nâng mức trợ cấp xã hội, mở rộng đối tượng so với quy định của trung ương.
Cách làm này vừa đảm bảo được nền tảng chính sách và định hướng của Nhà nước, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm bao phủ rộng hơn đến các nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Từ đó góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, tạo tiền đề cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.
Mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp
Từ năm 2016, trên cơ sở Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐ ngày 7/12/2016 về mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngoài quy định theo Nghị định 136 của Chính phủ.
Tiếp tục, năm 2017, tỉnh tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 300.000 đồng/tháng lên mức 350.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội sinh sống tại cộng đồng ở xã, phường, thị trấn (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn quy định); từ mức 400.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng người khuyết tật được chăm sóc và nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh (tăng 1,85 lần so với mức chuẩn quy định).
Năm 2022, tỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội từ 500.000 đồng/tháng lên 650.000 đồng/tháng. Như vậy, mức hỗ trợ mới đã cao hơn 1,3 lần so với mức chuẩn của tỉnh đang áp dụng và cao hơn 1,8 lần so với mức chuẩn của Trung ương...
Đáng lưu ý, trước đó, năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, xuất phát từ thực tiễn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này đã mở rộng, bổ sung thêm các nhóm gồm trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại thuộc một trong các trường hợp đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng...
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, nâng mức hưởng trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động sinh sống tại khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng, sinh sống tại khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, chính sách trợ giúp xã hội của Quảng Ninh hướng vào mục tiêu nâng dần mức sống của người dân thông qua việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và dần bao phủ, mở rộng đến các nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn theo vùng miền. Qua đó, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, mặt khác từng bước nâng cao mức sống của người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của Quảng Ninh.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội toàn tỉnh hiện có khoảng 44.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chế độ trợ giúp theo chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù riêng của tỉnh. Kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội là gần 300 tỷ đồng/năm.