Quan điểm triết học Mác - Lênin về mối quan hệ cá nhân và xã hội

06:20 - 10/03/2023

Mối quan hệ cá nhân và xã hội là một trong những nội dung cơ bản của triết học Mác - Lênin. Trên cơ sở quan niệm duy vật lịch sử, các nhà kinh điển đã giải quyết triệt để mối quan hệ cơ bản này.

triết học Mác-Lênin

Mối quan hệ cá nhân và xã hội là một trong những nội dung cơ bản của triết học Mác - Lênin.

Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ này tạo động lực mạnh mẽ giải phóng tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi cá nhân cũng như làm cho mỗi tập thể ngày càng phát triển. Ngược lại, khi mối quan hệ cơ bản này không được giải quyết hài hòa sẽ dẫn đến sự trì trệ, ngưng đọng sự phát triển, thậm chí kéo dài quá lâu sẽ gây ra khủng hoảng và suy thoái, đổ vỡ.

Cá nhân là một con ng­ười cụ thể sống trong một xã hội nhất định, với t­ư cách là một cá thể, một thành viên của xã hội ấy và những đặc điểm riêng biệt của mình mà phân biệt với cá nhân khác trong xã hội. Cá nhân hình thành và phát triển trong xã hội, không tách rời xã hội. Xã hội là hệ thống những mối quan hệ giữa người với người. Trong đó con người hình thành và phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định. 

Cá nhân là một chỉnh thể với bản chất người, nó được hình thành, phát triển trong quan hệ xã hội. Nhưng xã hội lại thay đổi theo tiến trình lịch sử, nên cá nhân là một hiện tượng có tính lịch sử. Điều đó thể hiện ở chỗ mỗi thời đại sản sinh ra một kiểu cá nhân có tính đặc thù của nó. Bất cứ xã hội nào cũng được cấu thành không phải bởi những con người trừu tượng mà bởi những con người cụ thể, những cá nhân sống. 

Mỗi cá nhân là một cái đơn nhất mang những đặc điểm riêng phân biệt với các cá nhân khác không chỉ về mặt sinh học mà chủ yếu về mặt những quan hệ xã hội, những quan hệ này vô cùng phức tạp, có tính cụ thể và lịch sử. 

Mỗi cá nhân có đời sống riêng, có những quan hệ xã hội riêng không giống hoàn toàn quan hệ xã hội của các cá nhân khác, có kinh nghiệm riêng, nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích riêng. Tuy nhiên, các cá nhân trong một xã hội nhất định dù khác biệt đến đâu nhưng cũng có những cái chung. Họ đều là những thành viên của xã hội, mang bản chất xã hội, không thể sống ngoài xã hội. 

Trong xã hội có giai cấp, mỗi giai cấp đều do các cá nhân hợp thành. Mỗi cá nhân trong một giai cấp vừa mang bản chất chung của con người, loài người, vừa mang bản chất của một giai cấp nhất định, đồng thời có những đặc điểm riêng làm cho cá nhân này không giống cá nhân khác.

Cần phân biệt cá nhân với cá thể người. Một con người mới lọt lòng, chưa có ý thức, chưa có quan hệ xã hội thật sự nên chưa thể gọi là một cá nhân. Chỉ khi nào con người có ý thức, có thế giới nội tâm riêng, có những quan hệ xã hội riêng, con người đó mới gọi là cá nhân theo đúng nghĩa của nó. 

Cùng với đó phân biệt cá nhân với nhân cách. Nhân cách là khái niệm để chỉ sự khác biệt những yếu tố bên trong riêng biệt với toàn bộ hoạt động sống của nó, của cá nhân này với cá nhân khác. Nhân cách là nội dung, trạng thái, tính chất, xu hướng bên trong riêng biệt của mỗi cá nhân. Đó là thế giới của "cái tôi" do tác động tổng hợp của các yếu tố (cơ thể và xã hội riêng biệt tạo nên), sinh học, tâm ý học, xã hội tạo nên đặc trưng riêng có của cá nhân, đóng vai trò chủ thể tự ý thức, tự đánh giá, tự khẳng định và tự điều chỉnh mọi hoạt động của mình. 

Nhân cách không phải là cái bẩm sinh, sẵn có mà được hình thành và phát triển phụ thuộc vào ba yếu tố sau:
Thứ nhất, nhân cách phải dựa trên tiền đề sinh học và tư chất di truyền học, một cá thể sống phát triển cao nhất của giới hữu sinh.
Thứ hai, môi trường xã hội là yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của nhân cách thông qua sự tác động biện chứng của gia đình, nhà trường và xã hội đối với mỗi cá nhân.
Thứ ba, hạt nhân của nhân cách là thế giới quan của cá nhân, bao gồm toàn bộ các yếu tố như quan điểm, lý luận, niềm tin, định hướng giá trị...

Yếu tố quyết định để hình thành thế giới quan cá nhân là tính chất của thời đại; lợi ích, vai trò, địa vị cá nhân trong xã hội; khả năng thẩm định giá trị đạo đức-nhân văn và kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Dựa trên nền tảng của thế giới quan cá nhân để hình thành các thuộc tính bên trong về năng lực, về phẩm chất xã hội như năng lực trí tuệ, chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, pháp luật, thẩm mỹ.

Lịch sử hình thành xã hội không tách rời lịch sử hình thành bản thân con người. Sự hình thành con người và sự hình thành xã hội là hai mặt của quá trình thống nhất, liên hệ với nhau và quy định lẫn nhau. Do vậy, ở một trình độ phát triển nhất định, thông qua một phương thức sản xuất cụ thể, sẽ xuất hiện một kiểu tổ chức xã hội tương ứng của con người. Có thể nói, sự hình thành con người là sự hình thành những quan hệ xã hội và do đó cũng là sự hình thành xã hội. Nhưng xã hội bao giờ cũng chỉ tồn tại dưới một hình thái lịch sử cụ thể.

Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, xã hội giữ vai trò quyết định đối với cá nhân. Xã hội quyết định cá nhân về bản chất, nội dung cuộc sống, mục đích hoạt động, nhu cầu, quyền lợi, địa vị xã hội, chức năng xã hội… thực chất của việc tổ chức xã hội là giải quyết quan hệ lợi ích nhằm tạo khả năng cao nhất cho mỗi cá nhân tác động vào mọi quá trình kinh tế, xã hội, cho sự phát triển được thực hiện. Xã hội càng phát triển thì cá nhân càng có điều kiện để tiếp nhận những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Bản chất xã hội của cá nhân được hình thành, phát triển trong hệ thống các quan hệ xã hội.

Xã hội quyết định cá nhân nhưng cá nhân có vai trò tác động to lớn đến sự phát triển của xã hội. Cá nhân là chủ thể tích cực, năng động của sự phát triển xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, lịch sử không làm gì hết, nó không có tính phong phú vô cùng tận nào cả, mà chính con người mới là chủ thể sáng tạo ra lịch sử. Chức năng xã hội, nhiệm vụ xã hội phải thông qua từng cá nhân mới thực hiện được. Sự phát triển xã hội bắt đầu từ sự phát triển của cá nhân. Sự phát triển của cá nhân vừa là điều kiện vừa là mục đích thúc đẩy sự phát triển xã hội. Theo C.Mác, bản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì con người cũng sản xuất ra xã hội như thế.

Cá nhân không chỉ là sản phẩm của xã hội mà còn là chủ thể của sự phát triển xã hội, của hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội khác. Với tư cách là chủ thể của lịch sử, cá nhân hành động không phải riêng rẽ mà với tư cách là một bộ phận của tập thể xã hội (gia đình, giai cấp, dân tộc, nhân dân). Nhân dân là cộng đồng lớn nhất, trong đó cá nhân hành động như chủ thể lịch sử. Cá nhân chỉ được hình thành và phát triển trong xã hội, trong tập thể. Sự tác động cá nhân và xã hội mang hình thức đặc thù tùy thuộc vào các chế độ xã hội và trình độ văn minh khác nhau.

Mỗi cá nhân với tư cách là một con người, không bao giờ có thể tách khỏi những cộng đồng xã hội nhất định, đồng thời mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là hiện tượng có tính lịch sử. Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, cá nhân "hoà tan" vào xã hội. Trong xã hội có giai cấp, cá nhân được từng bước phát triển, khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo xã hội. Mỗi bước phát triển xã hội đã tạo ra môi trường, điều kiện cho sự phát triển cá nhân. Song, chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất cũng là cơ sở khách quan của việc tuyệt đối hoá "cái tôi" của cá nhân, nhất là dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. 

Lịch sử xã hội loài người tất yếu phát triển đến xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó có sự kết hợp hài hoà giữa cá nhân và xã hội. Sự phát triển tự do và toàn diện của cá nhân vừa là điều kiện, vừa là mục đích của sự phát triển xã hội. Vì vậy, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu và lợi ích chính đáng của cá nhân là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Bất cứ vấn đề gì, dù là phạm vi nhân loại hay cá nhân, dù trực tiếp hay gián tiếp, nếu lợi ích cá nhân và xã hội là thống nhất thì chính ở đó bắt gặp mục đích và động lực của sự nỗ lực chung vì một tương lai tốt đẹp.

Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội được thực hiện qua tập thể và trên cơ sở quan hệ lợi ích. Lợi ích là cái khách quan cần thiết thoả mãn nhu cầu con người, quyết định phương thức thích hợp của ý chí và hành động của con người. Lợi ích là một thể thống nhất đa dạng, trong đó lợi ích kinh tế-vật chất là cơ bản nhất và quyết định nhất. Trong xã hội có giai cấp, lợi ích mang tính đối kháng giai cấp. Lợi ích là yếu tố liên kết các cá nhân, là "chất kết dính" giữa người với người, là động lực của mọi hoạt động lịch sử.

Là một hiện tượng lịch sử, quan hệ cá nhân và xã hội luôn luôn vận động, biến đổi và phát triển, trong đó, sự thay đổi về chất chỉ diễn ra khi có sự thay thế hình thái kinh tế-xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội khác. Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, không có sự đối kháng giữa cá nhân và xã hội cho nên lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội căn bản là thống nhất với nhau. Khi xã hội phân chia giai cấp, quan hệ cá nhân và xã hội vừa có thống nhất vừa có mâu thuẫn và mâu thuẫn đối kháng. 

Trong chủ nghĩa xã hội, những điều kiện của xã hội mới tạo tiền đề cho cá nhân, để mỗi cá nhân phát huy năng lực và bản sắc riêng của mình, phù hợp với lợi ích và mục tiêu của xã hội mới. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội và cá nhân là thống nhất biện chứng, là tiền đề và điều kiện của nhau.

Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử đấu tranh để giành tự do ngày càng cao. Trong các xã hội có giai cấp đối kháng, tự do của người này được thực hiện bằng cách tước đoạt tự do của người khác. Tự do cá nhân của giai cấp thống trị được bảo đảm bằng cách tước đoạt tự do của các giai cấp bị trị. Cho nên, quá trình đấu tranh giai cấp của quần chúng lao động là quá trình giành tự do của họ đã bị giai cấp thống trị cướp đoạt. Tự do của con người không tách rời những điều kiện của xã hội, không tách rời trình độ chinh phục thiên nhiên của con người. Chỉ đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, con người mới thực sự có tự do. Ở đây, tất cả những vấn đề về lực lượng sản xuất, quan hệ kinh tế, hệ thống chính trị, đấu tranh giai cấp... đều được thực hiện theo mục đích phát triển tối đa năng lực con người và vì con người. 

Trước đây, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc và "sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế". Chủ nghĩa tư bản hiện đại đang đẩy mạnh quá trình này, nhưng về thực chất đó vẫn là sự mở rộng quan hệ bóc lột và nô dịch con người sang các dân tộc khác. Nó tạo ra một số nước tư bản phát triển cao, giàu có thì đồng thời cũng làm cho châu Phi đói, châu Á nghèo, khu vực Mỹ Latinh nợ nần chồng chất.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và ngay cả dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, những mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội vẫn còn tồn tại. Do đó, để giải quyết đúng đắn quan hệ cá nhân - xã hội, cần phải tránh thái độ cực đoan. Hoặc là chỉ thấy cá nhân mà không thấy xã hội, đem cá nhân đối lập với xã hội, nhu cầu cá nhân chưa phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội. Khuynh hướng này có thể dẫn đến chủ nghĩa cá nhân. Hoặc là chỉ thấy xã hội mà không thấy cá nhân, quan niệm sai lầm về lợi ích xã hội, về chủ nghĩa tập thể, thực chất là chủ nghĩa bình quân, coi nhẹ vai trò cá nhân, lợi ích cá nhân. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu, lợi ích cá nhân càng đa dạng. Nếu không quan tâm đến vấn đề cá nhân, sẽ dẫn đến một xã hội nghèo nàn, chậm phát triển, không phù hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Nước ta hiện nay, nền kinh tế thị trường đang thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo ra cơ sở vật chất và văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng và phong phú. Lợi ích cá nhân ngày càng được chú ý, tạo ra cơ hội mới để phát triển cá nhân. Tuy nhiên, cơ chế này có thể dẫn tới tuyệt đối hóa lợi ích kinh tế, dẫn tới phân hóa giàu nghèo trong xã hội, chứa đựng những khả năng đối lập giữa cá nhân và xã hội. Do đó, chúng ta cần khắc phục mặt trái của cơ chế thị trường, phát huy vai trò nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người của Đảng ta là một mục tiêu có ý nghĩa quyết định để giải quyết tốt mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Nhận thức và giải quyết đúng mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là động lực cho mọi sự phát triển. Triết học Mác - Lênin là thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong giải quyết mối quan hệ này. Thực chất giải quyết mối quan hệ này là giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân và xã hội. Hoạt động thực tiễn cho thấy, ở đâu, khi nào quan hệ lợi ích được giải quyết hợp lý, các mặt công tác phối kết hợp chặt chẽ thì ở đó tính tích cực, năng động của con người được phát huy. Ngược lại khi việc quan tâm đến lợi ích vật chất và tinh thần của họ không thỏa đáng thì hiệu quả hoạt động sẽ không cao, thụ động.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/quan-diem-triet-hoc-mac-lenin-ve-moi-quan-he-ca-nhan-va-xa-hoi-179230310000732242.htm