Quá tải, hủy, hoãn chuyến bay tại nhiều sân bay châu Âu
Tình trạng xếp hàng dài, sảnh khởi hành chật cứng, và việc du khách bị lỡ chuyến bay đang trở thành tình trạng chung tại nhiều sân bay ở châu Âu. Chỉ trong tuần cuối tháng 5 vừa qua, có hàng nghìn người đã bị lỡ chuyến bay, bởi không thể hoàn thành thủ tục bay do tình trạng thiếu nhân lực tại các sân bay.
Thiếu hụt lao động trầm trọng trong ngành hàng không
dẫn đến tình trạng hoãn, hủy chuyến bay
[Ngành hàng không thế giới vừa mừng vừa lo sau hai năm đình trệ]
Nhìn chung, toàn bộ ngành hàng không đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, sau khi họ phải sa thải rất nhiều nhân viên trong giai đoạn dịch COVID-19. Tuy nhiên có một số hãng bay và sân bay phải đối mặt với khó khăn lớn hơn.
Trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19, có tới khoảng 191 nghìn nhân viên hàng không trên khắp châu Âu không có việc làm.
Giờ đây, khi du lịch bắt đầu phục hồi trở lại, ngành hàng không không có đủ nhân viên tại các cửa kiểm tra hành lý, đội an ninh, hay tổ bay.
Các đợt tuyển dụng đều diễn ra quá chậm do quá trình kiểm tra an ninh kéo dài, cũng như điều kiện làm việc kém hấp dẫn.
Hội đồng Hàng không quốc tế - một cơ quan thương mại về sân bay của châu Âu đã đự doán rằng, sự chậm chễ là điều không thể tránh khỏi tại khoảng 2/3 số sân bay ở châu Âu trong mùa hè năm nay.
Một số sân bay "cao điểm" cần tránh là:
Sân bay Schiphol thiếu nhân viên trầm trọng
Sân bay này đang thiếu nhân viên trầm trọng, khiến cho hàng nghìn hành khách bị hủy chuyến bay. Hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM cũng đã phải công khai bình luận về sân bay này sau khi tình trạng hoãn hủy chuyến tại Schiphol khiến cho KLM phải tạm ngừng bán vé từ Amsterdam. Một người phát ngôn của KLM cho biết, hãng này đang bị giảm mạnh doanh số bán vé do sân bay Schiphol không thể giải quyết được vấn đề về an ninh của mình.
Tháng trước, Schiphol đã yêu cầu KLM phải hủy chuyến, hoặc chuyển hướng các chuyến bay để giảm bớt áp lực cho sân bay này.
Tình trạng thiếu nhân viên càng trở nên trầm trọng hơn khi người lao động cho biết họ nhận được mức lương quá thấp. Các nhân viên tại Schiphol đang đe dọa đình công, cảnh báo rằng đây sẽ là một "mùa hè đầy biến động" trừ khi họ được hưởng chế độ việc làm lâu dài và mức lương cũng được cải thiện.
Sân bay Dublin thiếu nhân công
Cũng như Schiphol, sân bay Dublin cũng đang thiếu nhân công. Hơn 1.000 người đã phải bỏ lỡ chuyến bay của mình do xếp hàng đợi làm thủ tục quá lâu. Khoảng 1.000 công nhân sân bay đã buộc phải chấp nhận tình trạng dư thừa tự nguyện kể từ tháng 9/2020.
Bộ trưởng Bộ giao thông của Ireland, ông Eamon Ryan, cũng đã tỏ ra không hài lòng với ban điều hành sân bay này.
Sân bay này hiện cũng đang chịu áp lực lớn khi người lao động yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn. Hiện nhiều lao động làm theo hợp đồng đang phải làm việc với mức lương tối thiểu. Họ được yêu cầu phải có mặt toàn thời gian nhưng chỉ nhận được mức lương của 20 giờ mỗi tuần.
Xếp hàng 7 giờ đồng hồ tại sân bay Manchester
Các hành khách tại sân bay này đã phải xếp hàng chờ tới 7 giờ đồng hồ.
Sân bay này hiện gặp khó khăn trong việc tuyển dụng sau đỉnh dịch.
Vào tháng 4, ban quản lý sân bay Manchester đã phải đưa ra lời xin lỗi đối với các khách hàng và thừa nhận rằng họ không đạt được tiêu chuẩn mà khách hàng mong đợi.
Cùng tháng đó, quản lý điều hành Karen Smart đã phải từ chức sau khi vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ hành khách và nhân viên.
Sân bay Mallorca gần như "vỡ trận"
Hàng nghìn du khách đã trải qua cơn ác mộng khi bị hoãn chuyến bay tại sân bay Palma của đảo Mallorca (Tây Ban Nha) trong năm nay.
Các quy tắc hậu Brexit yêu cầu cư dân không thuộc EU phải đóng dấu hộ chiếu khi đến và đi cũng đã góp phần làm tăng thêm sự hỗn loạn gây ra do nhu cầu du lịch tăng cao.
Công đoàn cảnh sát của hòn đảo Mallorca đã phải cảnh báo rằng, sân bay Palma có thể sẽ "vỡ trận" nếu không nhanh chóng tuyển dụng được thêm nhân viên.
Không chỉ sân bay quá tải, các hãng hàng cũng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách đi máy bay và buộc phải hủy chuyến vào phút chót.
Hãng British Airways đang phải chịu nhiều áp lực
Dưới áp lực do tình trạng thiếu nhân viên, hãng British Airways đã phải giảm lịch bay xuống 10%, tức là khoảng 8.000 chuyến bay khứ hồi, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10.
Hiện Hãng có kế hoạch tuyển dụng 6.000 nhân viên mới trong năm nay. Tuy nhiên, các nhân viên của British Airways làm việc tại sân bay Heathrow đang đe dọa sẽ đình công, và thúc giục hãng này phải thu hồi quyết định giảm 10% lương đã đưa ra trong giai đoạn dịch COVID-19.
Hãng Easyjet liên tục hủy chuyến bay
Trong những tuần gần đây, nhiều hành khách của EasyJet gặp phải tình trạng hoãn, hủy chuyến bay. Cuối tháng 5 vừa qua, hãng này cũng đã phải hủy khoảng 200 chuyến bay sau khi gặp sự cố phần mềm.
Từ ngày 27/5 đến ngày 10/6, hãng EasyJet cũng đã hủy tới 240 chuyến bay, làm ảnh hưởng kế hoạch đi nghỉ của hàng chục nghìn người bay từ sân bay London Gatwick.
Một phát ngôn viên cho biết quyết định hoãn, hủy chuyến bay được đưa ra là do nhiều vấn đề kết hợp lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động của Hãng.
TUI hủy bỏ các kỳ nghỉ trọn gói
TUI là công ty gần đây nhất phải áp dụng việc hủy hàng loạt các chuyến bay. Hãng này đã phải thông báo rằng gần 400 chuyến bay sẽ bị hoãn trước cuối tháng 6 - tức khoảng sáu chuyến một ngày.
Việc hủy chuyến bay làm ảnh hưởng tời kỳ nghỉ hè của khoảng 34.000 khách du lịch.
Theo một tuyên bố của TUI, "gần đây, do sự kết hợp của nhiều yếu tố gây ra sự gián đoạn hoạt động đáng kể, chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là hủy một số chuyến bay của mình".
"Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi việc hủy chuyến bay và đang đi du lịch trong kỳ nghỉ trọn gói của TUI, điều này có nghĩa là toàn bộ kỳ nghỉ của bạn bị ảnh hưởng và do đó cả kỳ nghỉ trọn gói này sẽ bị hủy bỏ".
Yêu cầu bồi thường ra sao khi bị bỏ lỡ chuyến bay?
Quyền được bồi thường của khách đi máy bay phụ thuộc vào việc sân bay hay là hãng hàng không có trách nhiệm đối với việc khách bỏ lỡ chuyến bay.
Nếu sân bay chịu trách nhiệm, ví dụ, khách bỏ lỡ chuyến bay của mình do phải xếp hàng qua cửa an ninh, sẽ khó có thể hoàn lại tiền. Không một sân bay lớn nào của châu Âu có chính sách hoàn tiền cho những hành khách bị lỡ chuyến bay do phải xếp hàng đợi lâu.
"Về mặt luật pháp, hành khách có thể đòi bồi thường và cho rằng sân bay có lỗi khi họ bỏ lỡ chuyến bay, nhưng khách sẽ phải đưa sự vụ này ra tòa.
Nếu chuyến bay bị hãng hàng không hoãn hoặc hủy, khách có quyền được bồi thường. Hành khách trên một chuyến bay bị hủy được đền bù một chỗ còn trống trên chuyến bay tiếp theo đến điểm đến của khách.
Khách cũng được cung cấp chỗ ở, đồ ăn và thức uống nếu bị mắc kẹt trong một thời gian dài. Các hãng hàng không có thể yêu cầu khách đặt chỗ ở riêng và giữ lại biên lai.
Nếu chuyến bay của khách bị hoãn, khách cũng có thể được bồi thường. Chẳng hạn, nếu đặt chuyến bay khởi hành từ Vương quốc Anh hoặc châu Âu hoặc sử dụng dịch vụ của hãng hàng không của Vương quốc Anh hoặc châu Âu, khách sẽ được Denied boarding regulation (tạm dịch: quy định khi bị từ chối lên máy bay) bảo vệ, hoặc Quy định 261/2004 của EU, nếu chuyến bay bị hoãn. Đối với những trường hợp bị trễ hơn ba giờ trên các chuyến bay ngắn, khách được đền bù tối đa 250 €.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/qua-tai-huy-hoan-chuyen-bay-tai-nhieu-san-bay-chau-au-179220605001832103.htm