Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Không vì phát triển kinh tế đơn thuần trước mắt mà hy sinh môi trường”
Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức.
Sáng ngày 4/8/2022, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc - UNDP tại Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể ở Trung ương, lãnh đạo ủy ban nhân dân, Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kể từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Chất lượng môi trường cải thiện
Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức tăng trưởng cao, đồng nghĩa với việc phát sinh ra môi trường khối lượng lớn chất thải.
Bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường được xác định là nền tảng và mục tiêu hình thành và duy trì các hoạt động kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Công tác quản lý chất lượng các thành phần môi trường đã được chú trọng, chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm.
Đến nay, các thành phần môi trường nước mặt lục địa tại các lưu vực sông vẫn duy trì chất lượng tốt, khá tốt ở phần trung lưu, thượng lưu; chỉ còn một số đoạn sông chảy qua nội đô, nội thị hoặc các khu vực tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề còn cục bộ ô nhiễm. Môi trường nước dưới đất có chất lượng tương đối tốt, tuy nhiên, cũng đang phải đối mặt một số vấn đề như cạn kiệt, xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước nhạt ở một số khu vực…
Môi trường nước biển và hải đảo có chất lượng khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm mặc dù phải chịu tác động mạnh của các hoạt động phát triển cảng biển, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản hay hoạt động phát triển du lịch biển.
Chất lượng môi trường không khí có xu hướng cải thiện trong giai đoạn 2016 - 2018; năm 2019, xuất hiện một số đợt có chất lượng kém tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; năm 2020 chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; trong thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, chất lượng không khí tại các đô thị lớn có xu hướng tốt hơn.
Thành công trong bảo tồn loài, phục hồi, mở rộng hệ sinh thái
Giai đoạn 2016 - 2022, các chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (voi, hổ, linh trưởng, rùa) và các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý và các tổ chức bảo tồn triển khai các hoạt động bảo vệ và bảo tồn loài.
Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và phê duyệt các chương trình/kế hoạch bảo tồn loài trên địa bàn tỉnh dưới sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ hoặc các đề tài/dự án có các hoạt động bảo tồn tại chỗ mà số lượng cá thể một số loài linh trưởng tăng lên, quần thể voọc mông trắng ngày càng tăng về số lượng.
Việc sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, có giá trị kinh tế cao đã tạo cơ hội cho phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, góp phần bảo tồn nguồn gen, làm giảm sức ép lên việc khai thác động vật hoang dã trong tự nhiên.
Bên cạnh đó, hệ thống khu vực ưu tiên bảo tồn được củng cố và mở rộng. Toàn quốc được quy hoạch 219 khu bảo tồn, 38 cơ sở bảo tồn, 21 hành lang đa dạng sinh học đến năm 2030 trên 8 vùng trong phạm vi cả nước theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Số lượng khu bảo tồn, các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế tiếp tục gia tăng.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm rất cao từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác bảo vệ môi trường tại nước ta nói chung và quản lý chất thải nói riêng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành một lần nữa khẳng định phương châm điều hành của Chính phủ là “không vì phát triển kinh tế đơn thuần, trước mắt mà hy sinh môi trường”. Cơ cấu kinh tế sẽ tiếp tục được chuyển dịch, mô hình kinh tế sẽ được đổi mới từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác tận dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
“Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch ở các địa phương rất quan trọng”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhắc nhở. Trong đó, các địa phương triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh cần dành nhiều quỹ đất cây xanh trong đô thị, phấn đấu đạt mục tiêu diện tích cây xanh trong đô thị khoảng 10m2/người.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề nghị rà soát lại tất cả các dự án, các nhà máy đã xây trong các khu đô thị, các khu công nghiệp để từng bước di chuyển các nhà máy ảnh hưởng đến môi trường ra khỏi đô thị. Đặc biệt quan tâm chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực môi trường. Các cấp từ Trung ương đến địa phương chú trọng dành nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực môi trường.