Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh: Từ thầy giáo vùng cao trở thành nhà khoa học

10:55 - 11/07/2023

Hơn 60 năm tuổi Đảng, 87 năm tuổi đời, Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh đã có những năm tháng không thể nào quên về cuộc đời từ thầy giáo đến con đường trở thành nhà khoa học hàng đầu ngành Xây dựng Đảng.

Năm 1959, Theo tiếng gọi Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào miền núi, hơn 860 giáo viên đã tình nguyện viết đơn lên đường đi giảng dạy, công tác tại các tỉnh Tây Bắc của Tổ quốc, trong đó có thầy giáo Trần Đình Huỳnh khi mới 23 tuổi.

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh: Từ thầy giáo vùng cao trở thành nhà khoa học - Ảnh 1.

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh. Ảnh: NVCC

Trò nào cũng giỏi, phải khuyến khích mới là kỹ năng sư phạm

Tại Lào Cai, ông được bổ nhiệm là Hiệu trưởng trường Bổ túc văn hóa cán bộ kiêm Hiệu trưởng trường Sư phạm cấp 1 Lào Cai. Ngày mới về trường thiếu thốn cả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, áp lực đè nặng lên vai người hiệu trưởng trẻ tuổi. Ông vừa tổ chức bồi dưỡng cán bộ giáo viên địa phương, vừa tuyển dụng các giáo viên miền xuôi lên tăng cường. Mấy tháng sau, trường có hơn 30 cán bộ miền xuôi lên như: Trịnh Văn Mầu, Nguyễn Thanh Tịch, Vũ Thanh Châu, Bùi Đình Đông…

Đầu năm 1962, trường cấp 2 thị xã Lào Cai do ông Ma Văn Kháng làm Hiệu trưởng thiếu giáo viên toán nên mời thầy Trần Đình Huỳnh sang dạy. Ông vào dạy lớp 7 khi các học sinh đã học hết kỳ I và chuẩn bị vào học kỳ II, rồi thi tốt nghiệp cấp II (theo chương trình giáo dục 10 năm thời điểm đó). 

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh kể lại: "Tôi áp lực và lo lắng bởi vì nếu dạy không đạt sẽ dẫn đến mất uy tín cho nhà trường, danh dự bản thân, đặc biệt là lo lắng thế hệ trẻ không thành tài".

Trong những năm tháng nhọc nhằn nhưng đầy nhớ thương ở mảnh đất Lào Cai, ông vẫn nhớ đến những kỷ niệm đẹp với các người học trò của mình như: Lê Tuyết, Khánh Vân…

Có một lần ông sang dạy Toán ở trường cấp 2 thị xã Lào Cai do ông Ma Văn Kháng làm Hiệu trưởng. Đang giảng bài trên lớp thì ông nghe thấy tiếng rì rầm cười đùa của học sinh phía cuối lớp. Ông đi xuống dưới và phát hiện một số bức tranh cô tiên vẽ khá đẹp, sau một hồi tìm hiểu, những bức tranh đó là của trò Lê Tuyết. Đáng ra phải quát, nhưng ông lại cười và nói: "Lê Tuyết, tranh vẽ đẹp đấy, nhưng muốn tốt nghiệp hay muốn trượt đây?".

Từ đó, trò Lê Tuyết chăm chỉ học tập hơn. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, Lê Tuyết theo con đường hội họa và trở thành họa sĩ. Ông tâm sự: "Đừng nghĩ học trò học kém mà đời nó hỏng. Học trò chỉ giỏi môn này thì không thể mong thành tài môn khác được. Người thầy phải biết khuyến khích và động viên học trò, đó cũng là kỹ năng sư phạm".

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh: Từ thầy giáo vùng cao trở thành nhà khoa học - Ảnh 2.

Trường cấp 3 thị xã Cam Đường những năm 70. Ảnh: Tư liệu

Năm 1966, khi Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh trở thành Hiệu trưởng trường cấp 2-3 thị xã Cam Đường, Lào Cai mới thành lập và là trường cấp 3 đầu tiên của tỉnh. Ông đã cưu mang cậu học trò Vũ Hữu Điềm, quê ở tỉnh Thái Bình, vì hoàn cảnh gia đình mà phiêu dạt nên Lào Cai. 

Sau này, Vũ Hữu Điềm thi đỗ trường Đại học Thái Nguyên và trở thành cán bộ Ty Giáo dục Lào Cai. 

Rồi cô học trò Nguyễn Khánh Vân xinh xắn và học giỏi, xuất thân từ gia đình là công nhân mỏ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mẹ cô tham gia biệt động, vận động lính Pháp ra hàng, bà đã vận động được người lính tên Caraso về phía cách mạng, rồi hai người kết hôn. Ông Caraso không về nước mà ở lại rồi trở thành công nhân Mỏ Apatit Lào Cai. Trò Khánh Vân học rất giỏi và thi đỗ giải Nhì văn toàn miền Bắc năm 1969. Sau này, cô đi học Sư phạm trung cấp của tỉnh rồi trở thành giáo viên…

Như Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh tâm sự: "Đây là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời tôi, dù đó là những năm tháng nhọc nhằn nhưng cũng đầy nhớ thương trên đất Tây Bắc".

Tự tin với con đường khoa học khó khăn

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh: Từ thầy giáo vùng cao trở thành nhà khoa học - Ảnh 3.

Trần Đình Huỳnh (thứ 3 từ phải) cùng cán bộ nhà trường ở nơi sơ tán tại xã Mỏ Sinh, thị xã Cam Đường, khoảng năm 1966-1968. Ảnh: NVCC

Đang say sưa với sự nghiệp trồng người, năm 1976, Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh chuyển về làm Trưởng khoa Triết học, trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Hà Bắc. 

Đây chính là bước chuyển trên con đường đến với khoa học sau này. Sau một thời gian công tác ở đây, Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh xin cơ quan cho đi làm nghiên cứu sinh ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) dù đã 40 tuổi. 

Sau 4 năm miệt mài học tập, ông được điều về làm thư ký cho ông Hoàng Trường Minh - Trưởng ban Dân tộc Quốc hội, nay là Ủy ban Dân tộc Quốc hội), trụ sở số 80 Phan Đình Phùng.

Với khao khát được cống hiến cho sự nghiệp khoa học, sau một thời gian công tác ở Ban Dân tộc, ông xin về công tác ở Viện Xây dựng Đảng, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.  

Năm 1991, tại Đại hội VII của Đảng, lần đầu tiên Tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội: "Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động... tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội".

Lúc đó, các chương trình khoa học cấp nhà nước phục vụ vấn đề xã hội trong tình hình mới được đưa ra, gồm: Chương trình KX.01 Về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phụ trách; Chương trình KX.02 về Tư tưởng Hồ Chí Minh do Viện Mác – Lênin phụ trách; Chương trình KX.03 về Xây dựng Đảng do trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc phụ trách...

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh được phân làm Chủ nhiệm đề tài KX 02.06: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Xây dựng Đảng thuộc Chương trình cấp nhà nước KX 02: Tư tưởng Hồ Chí Minh với thời gian 3 năm. Đây là lần đầu tiên ông làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về chuyên ngành Xây dựng Đảng và tạo cơ sở để ra đời các công trình nghiên cứu sau này. Công trình của ông còn giá trị nghiên cứu và tham khảo cho rất nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh sau này. 

Năm 1999, Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh nghỉ hưu ở tuổi 63. Tuy nhiên, ông vẫn tích cực tham gia đào tạo nghiên cứu sinh và viết sách xoay quanh các vấn đề: Đảng cầm quyền, Đảng trong thời kỳ đổi mới, sự lãnh đạo, xây dựng tổ chức của Đảng, Hồ Chí Minh với nền hành chính… 

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh và những đóng góp cho khoa học lý luận

Gần 40 năm giảng dạy và nghiên cứu về Xây dựng Đảng, Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh đã có hàng trăm công trình nghiên cứu gồm: sách, báo, tạp chí như: Xây dựng Đảng những bài chính luận, Hồ Chí Minh - người xây dựng Đảng Cộng sản và chính quyền nhà nước kiểu mới Việt Nam...

Đối với khoa học, ông luôn cẩn trọng và tìm tòi, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào giải quyết các vấn đề nổi cộm của xã hội. Đặc biệt trong tình hình hiện nay với sự phát triển nền kinh tế thị trường, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần thiết hơn lúc nào hết.

Năm 2020, Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh được vinh danh tại Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V với giải B cho tác phẩm "Hướng tới Đại hội XIII của Đảng: Cách mạng muốn tiến lên cần một triết lý hành động, một lý luận chân chính chỉ đường".

Năm 2022, tác phẩm "Bảo vệ những tư tưởng cơ bản về xây dựng Đảng" của ông đạt giải Nhất trong cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ nhất (năm 2021-2022). Qua tác phẩm này, Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh đã truyền tải bốn vấn đề quan trọng gồm: Bảo vệ đầu não và trái tim của Đảng; Chống chủ nghĩa cơ hội tả khuynh và hữu khuynh; Chỉnh đốn Đảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chống chủ nghĩa cá nhân trong đó đặc biệt là chống bệnh quan liêu. 

Ông nhấn mạnh rằng có như thế mới làm sáng tỏ giá trị cách mạng, giá trị khoa học, giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ những giá trị đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ở tuổi gần 90, trí nhớ đã giảm sút, nhưng Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh vẫn dành thời gian để viết và tập hợp lại những kinh nghiệm về nghề sư phạm, sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh: Từ thầy giáo vùng cao trở thành nhà khoa học - Ảnh 5.

Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh sinh năm 1936 tại tỉnh Bắc Ninh; nguyên là Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Viện Mác - Lênin (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu gồm: sách, báo, tạp chí như Xây dựng Đảng những bài chính luận, Hồ Chí Minh - người xây dựng Đảng Cộng sản và chính quyền nhà nước kiểu mới Việt Nam...

Năm 2022, tác phẩm "Bảo vệ những tư tưởng cơ bản về xây dựng Đảng" của ông đạt giải Nhất trong cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ nhất (năm 2021 – 2022).

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/pho-giao-su-tran-dinh-huynh-tu-thay-giao-vung-cao-tro-thanh-nha-khoa-hoc-179230711103829882.htm