Pháp chủ động ứng phó với nước biển dâng và xói mòn ven biển
Nắng nóng, băng tan, nước biển dâng đang đe doạ trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của người dân sống ven biển. Các cộng đồng ven biển cần chủ động làm gì để thích ứng với nguy cơ xói mòn và nước biển dâng?
Trung tâm Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, châu lục này vừa trải qua tháng 5 đặc biệt nóng.
Tại Pháp, trong tháng 5 vừa qua, nhiệt độ trung bình đã tăng hơn 3 độ C so với mức bình thường tại quốc gia này. Nắng nóng, băng tan là nguyên nhân dẫn đến nước biển dâng, làm xói mòn bờ biển, đe dọa cuộc sống của 1,5 triệu người dân tại các cộng đồng sống ven biển ở nước này.
Theo ông Gonéri Le Cozannet, nhà khoa học tại Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, với việc băng tan nhanh ở Nam Cực, Greenland và nhiều sông băng khác trên thế giới, tình trạng nước biển dâng cao chắc chắn sẽ tiếp diễn, gây xói mòn nhiều thị trấn ven biển ở Pháp.
Một nghiên cứu mới nhất của Alisée Chaigneau thuộc Tổ chức nghiên cứu Mercator Ocean về nguy cơ lũ lụt ven biển dọc theo bờ biển Pháp khi nước biển dâng đưa ra cảnh báo rằng, các thị trấn ven biển cần chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với những đợt triều cường liên tiếp xảy ra trong thời gian tới.
Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng 9 cm kể từ năm 1993 và hiện đang tăng hơn 4 mm mỗi năm. "Những sự kiện hiếm hoi như lũ lụt ven biển mà ngày nay có thể xảy ra cứ sau 100 năm mới xảy ra một lần, trong tương lai, sẽ xảy ra mỗi năm một lần". Băng tan và sự giãn nở nhiệt của các đại dương sẽ khiến mực nước biển dâng cao hơn.
Các kế hoạch cần được triển khai ngay từ bây giờ bởi quá trình thích ứng sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực, trong khi hiệu quả cũng sẽ cần nhiều thời gian, thậm chí là vài thập kỷ mới có thể thấy rõ.
Trong bối cảnh đó, mới đây, Chính phủ Pháp đã công bố danh sách 126 thị trấn ven biển, chủ yếu tại các khu vực Brittany, Normandy, New Aquitaine, có nguy cơ bị xói mòn do nước biển dâng nhanh, đồng thời yêu cầu các khu vực này phải khẩn trương lên kế hoạch tái cấu trúc đô thị và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp. Cụ thể, chính quyền mỗi địa phương sẽ phải đưa ra bản đồ dự đoán nguy cơ suy thoái vùng ven biển trong 30 năm, và 100 năm tới. Những bản đồ này sẽ là cơ sở cho các quy tắc mới về sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như lập sẵn các khoản ngân sách triển khai kế hoạch, bao gồm cả việc di dời người dân và nhà cửa tại các khu vực có nguy cơ cao.
Trước đó, trong khi chờ đợi kết quả khảo sát từ Chính phủ, một số thị trấn cũng đã thử nghiệm các biện pháp giữ đất tự nhiên. Ví dụ như tại ngôi làng Plougonvelin ở Brenton, nơi các vách đá đang bị xói mòn vài phân mỗi năm, chính quyền địa phương đã bắt đầu dựng hàng rào chắn, trồng các loại cây có tác dụng làm giảm mức độ gây xói mòn của dòng nước, từ đó ngăn chặn việc cát bị cuốn trôi ra biển. Đây tuy là cách đơn giản nhưng khá hiệu quả, cho phép cát từ từ tích tụ lại và giúp các loại cây phát triển ổn định trên những cồn cát đang trồi dần lên ven biển.
Thị trưởng Plougonvelin, ông Bertrand Audren cho biết: "Trước đó, tôi đã chủ động đề xuất đưa làng vào trong danh sách cần tái quy hoạch của Chính phủ, bởi tôi muốn tránh nguy cơ thiệt hại về người và tài sản do sự xói mòn khu vực ven biển trong tương lai 40-50 năm nữa. Mục tiêu đề ra là chủ động chuẩn bị, ứng phó và giải quyết những vấn đề và nguy cơ có thể xảy đến. Còn hiện nay thì chúng tôi cũng đang nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm tái tạo các cồn cát ven biển".
Nhiều nhà khoa học cũng nhận định, với tình trạng hiện nay, Pháp cần khẩn trương hành động trên hai phương diện, bao gồm góp phần hạn chế sự nóng lên toàn cầu để ổn định mực nước biển dâng ở mức khoảng 4 mm mỗi năm, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng bằng cách bảo vệ, di dời hoặc tránh xây dựng ở những vùng trũng thấp để hạn chế tác động của nước biển dâng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/phap-chu-dong-ung-pho-voi-nuoc-bien-dang-va-xoi-mon-ven-bien-179220628114749133.htm