PGS.TS Nguyễn Văn Nam chia sẻ giải pháp cho tăng trưởng kinh tế năm 2024

16:12 - 06/04/2024

PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ cũng như lý giải, tìm những giải pháp, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm đạt được từ 6% đến 6,5%, theo hai kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra.

Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương và phiên họp thường kỳ với các con số được công bố: GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2-5,6%), đây là mức tăng cao nhất trong quý 1 kể từ năm 2020 đến nay.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam chia sẻ giải pháp cho tăng trưởng kinh tế năm 2024- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Việc nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Ảnh: Ngô Hiển

- Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Nam, ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I vừa qua.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Đến tháng 3/2024, các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024, Liên hợp quốc (UN) nhận định trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài, tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ chậm lại từ mức 2,7% năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024; Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,4%, giảm so với mức 2,6% trong năm 2023… 

Tăng trưởng kinh tế quý I Việt Nam đạt được 5,66% là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn cần Chính phủ và các bộ ngành tháo gỡ để tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo trong năm.

- Để tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo, theo ông cần động lực, giải pháp nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Theo tôi cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất là yếu tố động lực thể chế, tập trung hai vấn đề quan trọng nhất là chính sách mới và con người.

Trong chính sách mới cần cởi mở, tạo động lực đổi mới, cởi mở trong hội nhập nhằm thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Bên cạnh đó phải rà soát cách văn bản, chính sách gây rào cản về đầu tư thì chỉnh sửa và thay đổi. Đối với xuất nhập khẩu thì nâng cấp đầu tư về sản xuất chế biến trong nước. Nếu chúng ta vẫn sản xuất chế biến theo công nghệ cũ, xuất khẩu thô sẽ khó tạo đột phá.

Ví dụ trong xuất khẩu gạo: Dù Việt Nam luôn đứng Top đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ gạo như bánh, bột…

Thứ hai là cần tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường một cách đầy đủ, biến thị trường Việt Nam thành môi trường cạnh tranh thực sự, đúng nghĩa, cạnh tranh từ chất lượng đến giá cả. Hiện nay nhiều mặt hàng vẫn độc quyền, nhất là năng lượng.

Thứ ba là cách quản lý doanh nghiệp: Thay đổi cung cách quản lý, học kinh nghiệm quản lý ở các nước phát triển. Đưa ra các chương trình, biện pháp hỗ trợ đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới với mục tiêu, kết quả rõ ràng.

Thứ tư là hoàn thiệp pháp luật, tạo một môi trường cạnh tranh, khuôn khổ cho doanh nghiệp hoạt động. Từ đó quản lý các doanh nghiệp theo pháp luật, nếu doanh nghiệp nào vượt ngoài khuôn khổ phải tuýt còi.

Thứ năm là vấn đề nhân lực: Việt Nam đang trên con đường hội nhập quốc tế mạnh mẽ sâu rộng, do đó yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Một nền kinh tế hiện đại phải có khoa học công nghệ hiện đại, phải có đào tạo công nghệ số. Tuy nhiên, không nặng về lý thuyết mà phải kết hợp thực hành, tránh nặng bằng cấp. Trở lại câu nói của Lênin: "Thực tiễn là thước đo của chân lý". Người sản xuất bao giờ cũng là người sáng tạo nhất, đó là điều lý giải tại sao người nông dân không bằng cấp vẫn sáng tạo.

- Quý I/2024 có gần 74.000 doanh nghiệp rời thị trường, trong đó có 53.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 15.500 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, 5.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Điều này có ảnh hưởng như thế nào với tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thưa PGS.TS Nguyễn Văn Nam?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Việc gần 74.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong quý I năm 2024 là một thách thức nhưng với một nền kinh tế thị trường thì phải chấp nhận. Có một điều đáng chú ý là dù số doanh nghiệp mới tham gia thị trường là 59.848, nhưng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 332.175 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đây cũng là động lực cho việc phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nếu vài chục nghìn doanh nghiệp làm ăn hiệu quả sẽ giúp ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc đánh giá tăng trưởng kinh tế cần căn cứ các chỉ tiêu:

- Tăng trưởng xuất khẩu có cao không, theo tôi nhận thấy, từ cuối năm 2023 đến nay là tăng mạnh.

- Tiêu dùng nội địa có tăng không; kết quả cho thấy cũng tăng.

- Lạm phát giữ được không: theo báo cáo trong cuộc họp Chính phủ vừa qua là giữ ở mức lạm phát là 3,77%, đây là mức ổn nhưng phải đề phòng trong tình cảnh xăng dầu, điện, vàng đều tăng. Yếu tố này phụ thuộc vào 1 phần tác động của kinh tế thế giới.

Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Nam về những chia sẻ này!
Trên cơ sở kết quả quý 1, dự báo tình hình quý 2 và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng:

Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó, tăng trưởng quý 2 là 5,85%, quý 3 và 4 lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó, tăng trưởng quý 2 là 6,32%, quý 3 và quý 4 lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/pgsts-nguyen-van-nam-chia-se-giai-phap-cho-tang-truong-kinh-te-nam-2024-179240406161225547.htm