PGS.TS Nguyễn Thị Hòe: Làm khoa học thì không nói suông

06:00 - 04/12/2022

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - nhà khoa học nữ được biết đến với phương châm "làm khoa học thì không nói suông" và triết lý sống vì cộng đồng: nhà khoa học mà chưa làm giàu cho đất nước là có lỗi.

img

Giải thưởng và học bổng KOVA do nhà khoa học – nữ doanh nhân, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe sáng lập và duy trì suốt 20 năm qua vừa được trao lần thứ 20 tại ngôi trường đại học do chính bà đã theo học khi còn là nữ sinh: Đại học Bách khoa Hà Nội. Bà được biết đến với phương châm làm khoa học thì không nói suông, với triết lý sống vì cộng đồng: nhà khoa học mà chưa làm giàu cho đất nước là có lỗi.

Từ giải thưởng của bản thân đến giải thưởng cho cộng đồng nghiên cứu khoa học 

Tên gọi giải thưởng KOVA là từ viết tắt của giải thưởng Kovalevskaya mà PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe được nhận năm 1993 khi bà là nhà khoa học nữ xuất sắc nghiên cứu sáng chế sản phẩm sơn nhiệt đới. Bà hiện là Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova với sản phẩm sơn chống cháy, chống thấm, chống bào mòn và thân thiện với môi trường đã thành công trên thị trường thế giới. 

Có thể nói, giải thưởng Kovalevskaya đã làm thay đổi bước ngoặt cuộc đời của PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe. Sau khi nhận giải thưởng, cuộc sống của bà bước sang một trang mới. Từ một phụ nữ nghèo, ưu tư với cuộc sống kham khổ, gian khó trở thành một nhà khoa học nữ tự tin, sáng tạo và dồi dào trí lực để bước ra thị trường hàng hóa phục vụ công trình xây dựng cao cấp quốc tế.  

Trước đó là cả một thời tuổi trẻ, bà theo đuổi miệt mài con đường nghiên cứu khoa học trong hoàn cảnh thiếu thốn, đói nghèo và chật vật kiếm sống, nuôi 3 con nhỏ và vừa học vừa làm. Chính vì vậy, bà có ý tưởng sáng lập ra giải thưởng KOVA nhằm để trợ giúp những sinh viên nghèo hiếu học.

Bà nói: "Tôi đã đứng vững bằng nghị lực của mình trước khoa học. Tôi muốn giúp đỡ những ai say mê nghiên cứu tiếp tục nuôi dưỡng say mê đó mà không phải bỏ dở nửa chừng chỉ vì thiếu tiền".

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe: Làm khoa học thì không nói suông - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe, GS.TS. Nguyễn Thi Doan và 2 nhà khoa học nữ đạt giải Kiến tạo - hạng mục uy tín của giải thưởng KOVA lần thứ 20. Ảnh: TTH

Từ bục phát biểu trao giải thưởng KOVA lần thứ 20, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe đã rơi nước mắt khi nhắc đến công lao của các nhà khoa học có công nghiên cứu nhiều công trình khoa học có ích cho cộng đồng. Họ vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học khi đã cao tuổi. Có người đã từ giã cõi đời sau rất nhiều cống hiến trong việc giải trừ dịch SARS, COVID-19... 

PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe nghẹn ngào nói: "Tôi mong muốn rằng sau này dù tôi không còn nữa, nhưng giải thưởng KOVA sẽ mãi còn đồng hành với hành trình nghiên cứu khoa học, vẫn sẽ trao hằng năm và việc xét trao giải sẽ ngày càng hợp lý, uy tín hơn". 

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe: Làm khoa học thì không nói suông - Ảnh 2.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hòe từng là sinh viên K11 và là cựu giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với 30 năm gắn bó. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà được giữ lại làm giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học với 2 nhiệm vụ vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. 

Năm 1979, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe chuyển vào phía Nam làm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hóa màu và Vật liệu cao cấp. Bà cũng là giảng viên Đại học Cần Thơ, trước khi trở thành giảng viên chính thức Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục con đường nghiên cứu.

Sau khi được nhận giải thưởng Kovalevskaya tại Mỹ, bà nhận ra rằng nghiên cứu khoa học phải dời phòng Lab ra phục vụ đời sống. "Tôi không bao giờ nghiên cứu xong rồi công trình nằm yên trong ngăn kéo" - bà nói với các sinh viên. 

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe: Làm khoa học thì không nói suông - Ảnh 3.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe
dành nhiều thời gian hướng dẫn sinh viên Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh làm khoa học. Ảnh: ĐHBK Thành phố Hồ Chí Minh

Đó cũng chính là quan điểm của người làm khoa học vì cộng đồng. Bà tập trung vào những điều xã hội cần, đau đáu với ý nghĩ rằng, nhà khoa học là phải làm giàu cho đất nước, chưa làm rạng ranh 2 chữ Việt Nam là có tội. 

Ngay tại buổi lễ trao giải KOVA lần thứ 20, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe vui mừng thông báo, công trình nghiên cứu sản xuất sơn nano từ vỏ trấu của Tập đoàn Sơn KOVA đã được công nhận trên toàn thế giới. 

Hội đồng nano thế giới mới đây đã đến nhà máy sơn KOVA tại Malaysia lấy mẫu tiêu chuẩn, cấp bằng sáng chế và giấy phép cho sơn nano lưu hành trên khắp thế giới. Vỏ trấu ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam rất nhiều. Chúng tôi đã nghiên cứu vỏ trấu làm nguyên liệu chính để sản xuất sơn và đã thành công. Tôi cũng hy vọng đây cũng sẽ là một tiếng vang nữa cho nghiên cứu khoa học mang tên Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe tự hào chia sẻ.  

Muốn phát triển thương hiệu, phải đưa sản phẩm ra nước ngoài để sản phẩm được đánh giá và sử dụng bởi nhiều đối tượng. Mỗi công trình nghiên cứu cần được thương mại hóa và sản xuất số lượng lớn - PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe khẳng định. 

Khoa học là vô giá - không có giá lên, giá xuống như tài sản thương mại 

PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe đã gần 80 tuổi vẫn miệt mài nghiên cứu để tìm ra những sản phẩm chất lượng. Mỗi ngày bà làm việc 14 tiếng, chủ yếu trong phòng thí nghiệm. Bà tự nhận mình là người phụ nữ không giỏi buôn bán. Bà bày tỏ việc mình thích nhất bây giờ vẫn là hướng dẫn, truyền động lực cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Rất nhiều sinh viên giỏi ra trường ở lại làm việc trong doanh nghiệp của tôi. Tôi hướng dẫn để họ tiếp tục nghiên cứu khoa học, vừa làm việc vừa say mê sáng tạo. Doanh nghiệp của tôi như bến đỗ của các nhà khoa học vậy!

PGS Hòe đi khắp thế giới cũng vì công việc mà bà đang theo đuổi. Trong căn nhà của bà ở Singapore - đất nước mà sơn Kova rất có uy tín trên thị trường - vẫn có phòng thí nghiệm. "Đến nằm mơ tôi cũng nghĩ về nghiên cứu, đang mơ nghĩ ra thí nghiệm, tôi bật dậy làm tiếp" - PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe nói. "Làm khoa học đừng nghĩ đến tiền, hãy nghĩ đến kết quả có được sau những nỗ lực. Khoa học là vô giá, không lên giá rồi xuống giá như làm thương mại". 

Sơn Kova thành công bởi ý tưởng công nghệ nhiệt đới hóa. Và bây giờ, các nhà máy sản xuất sơn Kova đang trên tiến trình tự động hóa, cơ giới hóa rất mạnh mẽ. Bởi vậy, sản phẩm của PGS Hòe rất được ưa chuộng ở các nước nhiệt đới vì hiệu quả chống thấm, chống nấm mốc, thân thiện với môi trường và bảo vệ công trình trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt. PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe tiết lộ, cuối năm 2022 này, một nhà máy sơn Kova nữa với tỉ lệ tự động hoá cao sẽ ra đời tại Tây Ninh. 

Giải thưởng KOVA lần thứ 20 đã lần đầu tiên xét đến các gương mặt trẻ khởi nghiệp - đây là nét mới và sẽ trở thành hạng mục tiêu biểu của các kỳ trao giải KOVA tiếp theo. PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe trân trọng tinh thần khởi nghiệp của người trẻ. Nhất là các cá nhân hiếu học, có ý chí ở trong các môi trường sống còn thiếu thốn, thiết chế xã hội chưa đủ mạnh, nguồn lực con người và vật chất chưa được dồi dào.

Bà chia sẻ rằng, giải thưởng KOVA tự hào vì đã từng trao hạng mục Sống đẹp cho một người trẻ tại cộng đồng người Jarai ở Tây Nguyên. Tại đó, trước đây vẫn còn duy trì hủ tục con chôn theo mẹ khi người mẹ chẳng may qua đời. Chúng tôi đã tìm được một nhân vật tại cộng đồng đó đưa về Hà Nội để trao giải KOVA. Nhân vật này đã mang đứa bé đáng lẽ phải chôn theo mẹ về nuôi, sau đó thay đổi cả nhận thức của cộng đồng đó. Giờ đây ở đó, hủ tục đã bị loại bỏ. Giải thưởng KOVA còn được nhắc tên mãi ở đó vì ý tưởng nhân văn. 

Tôi vui nhất khi nhận được thư của các nhà khoa học trẻ đang theo học tiến sĩ cấp cao ở nước ngoài. Họ nói rằng họ những tưởng phải bỏ học khi không có tiền theo học đại học trước đây, nếu không có giải KOVA. Giải thưởng KOVA thay đổi đời họ như cách mà giải thưởng Kovalevskaya thay đổi đời tôi. Mỗi lần như vậy, tôi lại khao khát muốn trao được nhiều giải thưởng hơn. Bây giờ, tôi còn muốn soán các ngôi như: doanh nghiệp nộp thuế sớm nhất, nộp bảo hiểm cho người lao động sớm nhất, đủ nhất... 

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe: Làm khoa học thì không nói suông - Ảnh 4.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe và niềm yêu thích truyền động lực cho người trẻ khởi nghiệp. Ảnh: ĐHBK Thành phố Hồ Chí Minh

Người làm khoa học hãy tự bớt đi những sáo rỗng, chạy theo thành tích

GS.TS. Nguyễn Thị Doan, người giữ vị trí Chủ tịch Giải thưởng KOVA đã 10 năm qua xúc động chia sẻ: "Giải thưởng KOVA là tâm huyết của PGS Hòe. Bà luôn muốn chia đi, san sẻ cho người khác những điều mình có, kể cả tri thức và tiền bạc. Vì vậy, tôi cũng hết lòng trách nhiệm xây dựng giải thưởng KOVA. Các thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh hãy noi gương chính người sáng lập ra giải thưởng KOVA về ý chí, nghị lực và sức sáng tạo". 

Năm 2021, giải thưởng KOVA không thể tổ chức được vì dịch COVID-19, toàn bộ số tiền quỹ dành cho giải thưởng đã được trao cho đội ngũ thanh niên, sinh viên tham gia chống dịch vì cộng đồng. Hội Khuyến học Việt Nam lúc đó cũng đã đóng góp thêm 300 triệu đồng vào quỹ này để trao cho các sinh viên ngành y dược. Bằng cách nào đó, những hỗ trợ dành cho cống hiến của người trẻ cho cộng đồng vẫn được trao đi bởi những người say mê vì khuyến học, khuyến tài, không chỉ vì mục đích thương mại hay khuếch trương sản phẩm. 

Nhận về nhiều sự biết ơn và cảm phục của cộng đồng làm khoa học, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe nhắn nhủ tới những người đã nhận giải thưởng KOVA: Hãy đi sâu nghiên cứu những điều có ích cho xã hội. Bớt đi sáo rỗng không cần thiết. Nhà khoa học phải biết đau khi đất nước nghèo. 

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe: Làm khoa học thì không nói suông - Ảnh 4.

GS.TS. Nguyễn Thị Doan, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe (đứng giữa) trong vòng tay của các nhà khoa học tại buổi lễ trao giải thưởng KOVA lần thứ 20. Ảnh: TTH

Thực hiện: Trương Thúy Hằng

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/pgsts-nguyen-thi-hoe-lam-khoa-hoc-thi-khong-noi-suong-179221202171726107.htm