PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ cách sử dụng câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ văn
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, câu hỏi trong sách giáo khoa phải là nòng cốt cho câu hỏi trên lớp. Thế nhưng, trong thực tế, rất nhiều giáo viên thoát li hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa mà thêm vào khá nhiều câu hỏi.
Bởi lẽ, giáo viên muốn khai thác văn bản theo cách của mình và theo các giáo viên, dường như phải làm như thế thì mới sáng tạo. Hệ quả là ở nhà học sinh soạn bài theo câu hỏi trong sách giáo khoa nhưng khi lên lớp giáo viên lại triển khai theo một hệ thống câu hỏi khác khiến học sinh không thể phát biểu ý kiến xây dựng bài.
Một trong những nguyên nhân là nhiều giáo viên vẫn đang quen với cách dạy giảng văn. Dạy theo lối giảng văn, giáo viên thường triển khai bài dạy theo hướng phân tích, bình giảng một tác phẩm văn học. Theo cách này, khi hướng dẫn học sinh học 1 truyện ngắn hoặc bài thơ thì thường chia tác phẩm theo nội dung (bổ dọc hoặc bổ ngang) để ghi bảng thành các đề mục.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nêu ví dụ về vấn đề này: Khi phân tích truyện ngắn "Tôi đi học" (Thanh Tịnh), giáo viên thường quen phân tích theo bố cục, gồm: 1. Tâm trạng của tôi trên đường đến trường; 2. Tâm trạng của tôi khi ở sân trường; 3. Tâm trạng của tôi khi trong lớp học.
Trong khi với Chương trình giáo dục phổ thông mới, với môn Ngữ văn, việc hướng dẫn học sinh đọc hiểu có khác với cách dạy giảng văn, phân tích tác phẩm. Phân tích một tác phẩm là yêu cầu của phần viết (làm văn), còn dạy đọc hiểu là hướng dẫn để học sinh biết cách đọc, tự khám phá, tự hiểu một văn bản.
Dạy đọc hiểu cần giúp học sinh trả lời câu hỏi: Làm thế nào để hiểu được, hiểu đúng, hiểu sâu một văn bản? Tức là chú trọng cách đọc, cách khai thác một văn bản; còn nội dung văn bản đó như thế nào thì để học sinh tự khám phá ra, tự hiểu.
Tự hiểu không có nghĩa là thích hiểu thế nào cũng được mà hiểu phải có cơ sở, có lí. Hiểu một văn bản là: a) Hiểu các thông tin/ thông điệp bề nổi và bề chìm khuất về nội dung, hình thức của văn bản; b) Hiểu chính mình, là chú ý đến mối quan hệ giữa người đọc và văn bản.
Xuất phát từ quan niệm hiểu văn bản nêu trên, sách Ngữ văn bộ Cánh Diều đã hiện thực hóa các yêu cầu ấy thành 6-7 câu hỏi đọc hiểu trong sách giáo khoa theo mô hình sau: 2 câu đầu thường yêu cầu tìm hiểu thông tin bề nổi.
Ví dụ với truyện "Tôi đi học"
1. Theo em, cốt truyện "Tôi đi học" thuộc dạng nào dưới đây (cho 4 phương án chọn 1).
2. Cảnh vật trong truyện được nhìn qua con mắt của ai và được nhớ lại theo trình tự nào? (nêu một số chi tiết nổi bật của cảnh vật trong phần 1). 2 câu tiếp theo nêu yêu cầu phân tích thông tin bề sâu về nội dung và nghệ thuật:
3. Phân tích sự thay đổi tâm trạng của nhân vật "tôi" trong ngày đầu tiên tới lớp. Chỉ ra tác dụng của một số câu văn miêu tả và hình ảnh so sánh trong việc khắc hoạ tâm trạng nhân vật.
4. Truyện ngắn "Tôi đi học" là một truyện ngắn giàu chất trữ tình. Theo em, điều gì tạo nên đặc điểm ấy (về nội dung, hình thức, ngôn ngữ). 2 câu cuối thường yêu cầu liên hệ, kết nối giữa văn bản và người đọc:
5. Văn bản "Tôi đi học" đã nói hộ được những suy nghĩ và tình cảm gì của rất nhiều người đọc? Điều đó còn có ý nghĩa với cuộc sống hôm nay như thế nào?
6. Bằng sự trải nghiệm của bản thân, hãy tưởng tượng mình là "người bạn tí hon" ngồi cạnh nhân vật "tôi" trong truyện, hôm ấy, em sẽ nói với "tôi" điều gì?
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, mô hình câu hỏi trên giúp học sinh cách tìm hiểu khám phá một văn bản truyện ngắn trữ tình. Các em tìm hiểu bài học ở nhà là theo hệ thống câu hỏi này. Và như vậy khi dạy trên lớp, giáo viên cần tuân thủ hệ thống câu hỏi ấy, tổ chức cho học sinh làm việc, nêu ý kiến, trao đổi, thảo luận theo các câu hỏi sách giáo khoa đã nêu.
Không nên thêm hoặc bỏ qua, thoát li hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa để thay bằng một số câu khác của giáo viên. Làm như thế sẽ vỡ mô hình câu hỏi đọc hiểu, khó hình thành cho học sinh cách đọc, cách tìm hiểu khám phá 1 văn bản; không kết hợp và huy động được ý kiến đã chuẩn bị bài ở nhà của học sinh;...
Sáng tạo của người thầy là từ các câu hỏi của sách giáo khoa nghĩ ra được cách thức tổ chức các hoạt động cho học sinh; học sinh được nêu và trình bày ý kiến của mình. Giáo viên có thể nêu ra ý kiến, lời bình sâu sắc của mình nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận của học sinh, tạo thêm chất văn cho giờ học.
"Giáo viên cũng có thể thêm vào những yêu cầu hoặc thay, bổ sung câu hỏi cụ thể nhưng chỉ nhằm giúp học sinh dễ khai thác các câu hỏi trong sách giáo khoa hơn, không gây quá tải và đáp ứng đúng mục tiêu, yêu cầu của giờ đọc hiểu.
Như thế từ hệ thống câu hỏi đọc hiểu trong sách giáo khoa, trên lớp giáo viên chỉ cần tổ chức các hoạt động để học sinh tìm hiểu theo các yêu cầu ấy; không phải chia ngang hay bổ dọc và cũng không cần phải có các tiêu đề nội dung cho mỗi phần.
Thậm chí, nếu không nghĩ được các hoạt động (trò chơi, phiếu học tập,...) thì giáo viên cứ tổ chức cho học sinh lần lượt làm các câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa, sau đó cho trình bày, trao đổi, thảo luận về câu hỏi ấy", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống gợi ý thêm về cách thiết kế câu hỏi.
PGS Thống cũng cho biết, làm rõ các câu hỏi trong sách giáo khoa tức là đã hiểu nội dung văn bản và cũng nắm được cách thức đọc văn bản ấy. Giống như trong giáo án, nhìn trên bảng chỉ thấy các hoạt động: khởi động; tìm hiểu chung; đọc hiểu văn bản; tổng kết... học sinh cũng ghi vào vở học của mình tiến trình ấy kèm các nội dung thông tin của từng bước, từng hoạt động gắn với các câu hỏi trong sách giáo khoa...
Với cách đánh giá mới, việc học sinh chép bài được nhiều hay ít không quan trọng, vì cuối cùng học sinh phải biết vận dụng cái đã học vào ngữ liệu mới trong đọc hiểu và làm văn.
Trong chương trình mới, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, nhưng sử dụng sao cho đạt kết quả giáo dục tốt nhất vẫn là mong muốn của thầy và trò - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết thêm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/pgsts-do-ngoc-thong-chia-se-cach-su-dung-cau-hoi-trong-sach-giao-khoa-ngu-van-179230924083050351.htm