Ông Vương Tấn Việt sử dụng bằng giả sẽ bị xử phạt thế nào theo luật?
Sử dụng bằng bổ túc giả sẽ bị xử phạt thế nào, văn bằng, chứng chỉ đã cấp có bị thu hồi, hủy bỏ không? Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng bằng giả mà có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc hình sự.
Trước đó, như Công dân và Khuyến học đã thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang) gửi Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ nội vụ.
Theo đó, sau khi xác minh xác định được kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959 như sau:
- Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.
- Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, với kết quả nêu trên đã thể hiện ông Vương Tấn Việt không có văn bằng tốt nghiệp cấp ba.
Giá trị của bằng Học bổ túc như thế nào?
Căn cứ Điều 12 Luật Giáo dục 2019 quy định về văn bằng, chứng chỉ như sau:
- Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
- Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
- Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.
- Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.
- Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Như vậy căn cứ theo quy định trên thì hệ giáo dục bổ túc hay chính quy đều nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông từ cả hai hệ đều có giá trị tương đương.
Người sử dụng bằng bổ túc cấp 3 giả để tuyển sinh đại học thì bằng tốt nghiệp đại học có giá trị không?
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành những thông tư riêng để quy định về quy chế đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về xử lý vi phạm như sau:
Xử lý vi phạm đối với sinh viên
1. Sinh viên có gian lận trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập sẽ bị xử lý kỷ luật đối với từng học phần đã vi phạm theo các quy định của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Sinh viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập 01 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.
3. Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.
Khoản 1, Điều 5 Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nêu rõ điều kiện dự tuyển khi tuyển sinh đại học bắt buộc đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam hoặc người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp trung học phổ thông.
Tương tự đối với quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, điểm a khoản 3 Điều 16 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 23/2021 quy định: “Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ.
Trường hợp học tiến sĩ, điểm b khoản 5 Điều 21 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 18/2021 cũng nêu rõ nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện trong những trường hợp: Hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo.
Trách nhiệm của Trường đại học Hà Nội và Trường đại học Luật Hà Nội đến đâu?
Như vậy, ông Vương Tấn Việt bắt buộc phải tốt nghiệp trung học phổ thông mới đủ điều kiện dự tuyển học đại học, phải có văn bằng tốt nghiệp đại học mới đủ điều kiện học thạc sĩ và phải có văn bằng tốt nghiệp thạc sĩ mới đủ điều kiện tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ.
Trong trường hợp, nếu ông Vương Tấn Việt cố tình sử dụng văn bằng chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ. Đồng nghĩa, bằng đại học của ông Việt sẽ không có giá trị. Điều này kéo theo văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ sau đó cũng sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.
Tuy nhiên, ở bậc tiến sĩ dùng bằng thạc sĩ để tuyển sinh, bậc thạc sĩ dùng bằng đại học để tuyển sinh chứ không dùng bằng tốt nghiệp cấp 3. Nếu các cơ sở đào tạo không cùng đào tạo hệ đại học thì không có lỗi. Lỗi ở đây là nơi tuyển sinh và cấp bằng đại học vì thời điểm này hệ đại học dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh đầu vào phải có trách nhiệm kiểm tra kỹ. Lỗi sai bắt nguồn từ Trường đại học Ngoại Ngữ (nay là Trường đại học Hà Nội), tiếp theo đó là Trường đại học Luật Hà Nội đã không tiến hành kiểm tra, lơ là, chủ quan trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng kí dự tuyển học đại học của ông Vương Tấn Việt theo quy định. Nếu có dấu hiệu sai phạm cơ sở đào tạo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 04/2021.
Người sử dụng bằng bổ túc cấp 3 giả có bị thu hồi bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhận được sau đó không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT như sau:
Xử lý vi phạm đối với học viên
3. Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ;
Như vậy, bằng bổ túc cấp 3 giả của ông Vương Tấn Việt sử dụng để làm điều kiện dự tuyển thì bằng đại học sẽ không có giá trị. Và đây được xem là hành vi gian lận trong tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ.
Đồng thời, theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 21 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT như sau:
Xử lý kết quả kiểm tra, thẩm định
5. Trường hợp quá trình đào tạo và chất lượng luận án sau khi thực hiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này vẫn không đạt yêu cầu, cơ sở đào tạo xem xét, quyết định thực hiện theo các phương án sau:
b) Nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp: hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo; sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định của Quy chế này; luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này.
Nếu ông Vương Tấn Việt sử dụng bằng bổ túc giả (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả) để học các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (dù ở các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ toàn bộ quá trình là học thật, thi thật, bằng thật) thì các bằng cấp này vẫn sẽ bị thu hồi. Bởi lẽ điều kiện tuyển sinh đại học là phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông xem như không đáp ứng điều kiện học đại học nên bắt buộc phải thu hồi bằng đại học; tương tự, đã thu hồi bằng đại học thì phải thu hồi bằng thạc sĩ, tiến sĩ vì điều kiện học thạc sĩ, tiến sĩ là phải có bằng đại học.
Người sử dụng bằng giả bị xử phạt như thế nào?
1. Xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định 04/2021/NĐ-CP không có quy định xử phạt cụ thể về hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Nghị định 04/2021 quy định xử phạt hành chính đối với một số vi phạm về sử dụng văn bằng, chứng chỉ như sau:
Căn cứ tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về cấp và quản lý văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định của pháp luật hiện hành, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hủy bỏ văn bản có nội dung trái pháp luật; hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ được cấp lại không đúng quy định của pháp luật hiện hành về nội dung hoặc thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Buộc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, nếu cá nhân gian lận để được cấp bằng bổ túc cấp 3 thì có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Nếu tổ chức vi phạm thì phạt gấp đôi.
Ngoài ra, còn bị buộc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ trên.
2. Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ vào Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, người nào có hành vi sử dụng bằng bổ túc cấp 3 giả để thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Thời gian và hình thức đào tạo đối với trình độ tiến sĩ hiện nay được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT có quy định về thời gian và hình thức đào tạo đối với trình độ tiến sĩ như sau:
- Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này;
Mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh.
- Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.
- Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời gian học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.
Ông Vương Tấn Việt tốt nghiệp cử nhân luật hệ tại chức năm 2019, thế nhưng, đến năm 2021 ông Vương Tấn Việt đã nhận bằng tiến sĩ luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Như vậy, ông Vương Tấn Việt hoàn thành chương trình và nhận bằng tiến sĩ chỉ trong khoảng thời gian 2 năm. Đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên liệu có thể xem quá trình đào tạo tiến sĩ của ông Việt là "thần tốc".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ong-vuong-tan-viet-su-dung-bang-gia-se-bi-xu-phat-the-nao-theo-luat-179240814004719082.htm