Tai nạn từ ong tấn công người
Ngày 8/11, những người đang chơi thể thao trên bãi cỏ cách bìa rừng khoảng 15m thấy hai, ba con ong khoái đến bay quanh. Sợ ong đốt nên một người đập chết một con. Lát sau, đàn ong khoái đông nghịt bay đến tấn công. Mấy người bị ong bu đầy trên đầu, mặt, cổ, hai tay.
Có người phải chạy cả cây số mới thoát ong truy đuổi… Mười người vào viện tỉnh Hòa Bình, trong đó 4 người nhiễm độc nặng vì hơn 50 vết đốt ở đầu, mặt, cổ, phải nằm khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, 2 trong 4 người này sốc phản vệ, phải tiêm Adrenalin, truyền dịch, dùng thuốc vận mạch, chống sốc, giảm đau...
Hằng năm có rất nhiều người bị ong đốt
Ong khoái (Apis dorsata) là ong mật khổng lồ Đông Nam Á được cho là hàng có nọc độc nhất hiện nay. Trước nay bị ong (nói chung) đốt thường do vô ý động vào tổ hoặc lấy mật, nên cả đàn ong lớn bỗng nhiên tấn công người là chuyện khó hiểu…?
Mới đây, bé L.Q.T, 13 tuổi, người Dao, ở xóm Nách, Tân Mai, Mai Châu, Hòa Bình, bị ong vò vẽ đốt 115 nốt. Trưa ngày 2/11, Trang và các bạn bán trú trường Trung học cơ sở Tân Mai đi lấy củi, bị ong đốt. Ngay sau đó, Trang không nhìn thấy gì, rét run, khó thở, nước tiểu màu đỏ… Bệnh viện Mai Châu chuyển gấp đến Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội ngày 4/11 trong tình trạng nguy kịch… Hơn một tuần đầu tháng 8.2022, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện tỉnh Hòa Bình cấp cứu 3 người bị ong đốt, sốc phản vệ. Riêng ngày 8/8, khoa nhận cùng lúc 2 người bị ong đất và ong vò vẽ đốt. Từ đầu hè đến nay, khoa này nhận hơn 20 người bị ong đốt… Ngày 4/11, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ thông tin: bé N.T.C, 12 tuổi, ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ, vào viện sau khi bị ong vò vẽ đốt một nốt ở đầu. Chỉ sau khoảng 3 phút, bé khó thở, mẩn đỏ toàn thân, mất ý thức. Tới viện, bé tím tái toàn thân, nồng độ oxy máu (SpO2) còn 80 - 85% (bình thường 94 - 96%, 90 - 93 đã là thấp); thông khí phổi kém, mạch quay yếu, huyết áp không đo được, li bì. Chẩn đoán phản vệ độ 3! Sau 3 ngày điều trị tích cực bé mới hết khó thở...
Cùng nhập viện là bé gái 5 tuổi, ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ, chuyển từ bệnh viện huyện đến với tình trạng rất nặng, đầu, mặt cổ có 25 vết đốt hoại tử da. Bé chơi trong sân, bị tổ ong vò vẽ nhà nuôi rơi trúng đầu... Đến viện đã khó thở nhẹ; tiểu ít, nước tiểu đỏ. Chẩn đoán suy gan, thận cấp, tiêu cơ vân. Phải đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm; bù dịch, điện giải, bài niệu cưỡng bức. Mất 5 ngày điều trị tích cực, mới hết tiêu cơ; chức năng gan, thận tạm ổn định
Từ đầu năm đến nay, rất nhiều người bị ong tấn công. Tháng 2, ông N.V.Đ, 54 tuổi, ở thành phố Cần Thơ đi thăm vườn, bị ong đốt. Đến bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã khó thở, mạch nhanh, sốc phản vệ…; đầu, mặt, cổ, gáy, 2 tay, lưng còn ghim cả trăm vòi ong.
Tháng 5, chị T.T.B, ở Tây Ninh, khi hái mít, bị ong vò vẽ tấn công, chạy vào nhà làm 3 người khác bị đốt lây, phải cấp cứu. Chị B có nhiều nốt hoại tử da; sốc, trụy mạch; suy gan, thận, tiểu ra máu. Anh N.N.H, cùng tỉnh, dọn kho chứa gỗ, bị ong vò vẽ đốt hơn 100 nốt, sưng nề. Lơ mơ, khó thở, các vết đốt sưng to, rất đau đớn. Phải lọc máu, truyền dịch thải độc, chống nhiễm trùng… Ông N.V.C, 68 tuổi, ở ấp 3, Tân Bình, Tân Trụ, Long An, bị ong mặt quỷ chích hơn 20 nốt, phải cấp cứu. Nọc ong mặt quỷ độc ngang nọc rắn!
Tháng 6, đang làm cỏ vườn, một bà 47 tuổi ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, bị ong khoái tấn công, đau ngực, khó thở…, tiên lượng xấu!
Tháng 7, một phụ nữ Phú Thọ, 58 tuổi, bị ong đốt, đã đột quỵ do nhồi máu não. Bệnh nhân liệt, co giật nửa người trái. Chụp cộng hương từ (MRI) thấy cầu não (ở mặt đáy não) nhồi máu. Do hệ miễn dịch phản ứng với độc tố nọc ong gây co mạch, tạo ra khối máu đông và thiếu máu não cục bộ, gây đột quỵ - một biến chứng do ong đốt hiếm gặp! Bé L.G.B. 5 tuổi, ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, bị ong vò vẽ làm tổ trong vườn nhà đốt 15 vết. Tám giờ sau tới viện, môi tái, tay chân lạnh, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, vàng da vàng mắt, oxy máu thấp; suy đa tạng tiến triển nhanh: suy gan, thận, tim; rối loạn đông máu; tổn thương phổi nặng, suy hô hấp nghiêm trọng. Phải đặt nội khí quản; thở máy (nhưng vẫn không kiểm soát được tốc độ thở); chạy máy tim phổi nhân tạo (EMCO); lọc máu liên tục; dùng kháng viêm, kháng dị ứng mạnh nhưng tác dụng khống chế độc tố kém. Hơn nửa tháng sau mới cai được máy tim phổi nhân tạo và rút nội khí quản và hơn một tháng sau suy đa tạng mới bắt đầu cải thiện.
Tháng 8, bệnh viện Nhi Đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu bé trai 5 tuổi, bị ong trong vườn nhà đốt 40 nốt, nhiễm độc nặng, suy đa tạng, sốc phản vệ. Anh L.V.L, 31 tuổi và mẹ ở Mộc Châu, Sơn La bị ong vò vẽ đốt. Mẹ anh tử vong, anh vào viện Mộc Châu cấp cứu với khoảng 20 vết đốt… Cùng huyện, anh Đ.T.M, 32 tuổi, cũng bị khoảng 20 vết đốt ở đầu; ông T.L, 70 tuổi, bị cả tổ ong mật đốt ở đầu, mặt. Anh L, M, ông L đều sẩn ngứa nặng; buồn nôn, nôn; rất mệt mỏi; riêng ông L sốc phản vệ độ 2. Bà B.T.T, 72 tuổi, ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh, ra vườn lấy củi, động tổ ong vò vẽ, bị đốt gần 50 vết ở mặt, cổ, tay, bụng. Bà sưng phù toàn thân; các vết đốt đau nhức, hóa mủ; suy gan, thận, tiểu rất ít, nước tiểu sậm màu… Bệnh viện huyện Minh Hóa, Quảng bình thông tin, gần 2 tháng trước đó đã nhập viện gần 30 người bị ong đốt phải cấp cứu, điều trị tích cực.
Tháng 9, bé trai 3 tuổi, bị ong vò vẽ đốt khoảng 50 nốt vào đầu, tay, chân, vào bệnh viện Anh Sơn đã tím tái, khó thở. Chuyển đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khi khó thở nặng, môi tái, chân tay lạnh, lơ mơ, tiểu ra máu, suy đa tạng… Chị P.X.M 28 tuổi, ở Tiên Yên, Quảng Ninh, bị ong vò vẽ đốt 70 nốt; khó thở; tức ngực; môi, chi tím tái; sốc phản vệ nặng: lơ mơ, phản ứng chậm, da toàn thân mẩn đỏ, vã mồ hôi lạnh, huyết áp tụt… Phòng khám Sơn Dương, Tuyên Quang của bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ, cấp cứu thành công nam bệnh nhân 50 tuổi, ngừng tuần hoàn do phản vệ nguy kịch sau khi bị ong đốt 15 phút. Bệnh nhân vào viện đã ngừng tim, phải tiêm Adrenalin và tim, ép tim, dùng thuốc vận mạch… Một ông 64 tuổi, ở xã Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội bị ong vò vẽ đốt hơn 50 vết, hoại tử; tiêu cơ vân, suy thận cấp, vô niệu. Tháng 8 và 9 bệnh viện Mê Linh nhận gần 20 người bị ong đốt, hầu hết đều nặng.
Tháng 10, trên đường đi học về, bé G.Đ.T.M, 12 tuổi, ở Tân Hà, Tuyên Quang, bị ong mặt quỷ đốt nhiều nốt ở đầu, cổ, khó thở, tức ngực, vã nhiều mồ hôi lạnh, nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ; gọi hỏi đáp ứng chậm, da toàn thân mẩn đỏ, môi tím tái… Nọc ong mặt quỷ độc ngang nọc rắn. Ngày 6/10, bệnh viện Thạch Thất cấp cứu 5 học sinh, sinh viên sốc phản vệ do ong đốt khi chọc tổ ong.
Những ca tử vong do ong đến đầu tháng 11 này ngoài mẹ anh L.V.L ở Mộc Châu, còn có ông T.V.V, 53 tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh; ông T.C.T, 45 tuổi, ở Nam Đông, Thừa Thiên Huế; ông D.Đ.B, 40 tuổi, ở Nam Đàn, Nghệ An (tháng 7); anh S, ở Chợ Mới, Bắc Kạn (tháng 8); một ông 53 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội (tháng 10).
Nọc độc ong rất nguy hiểm
Ở những loài ong có nọc độc (ong bắp cày Nhật Bản, ong bắp cày giấy, ong bắp cày vàng, ong bắp cày ký sinh (đẻ trứng trên nhện Tarantula (họ Theraphoside, gồm 800 loài ở mọi lục địa, trừ Bắc cực.
Таrаntula là loài lớn nhất họ, trong đó có loài Theraphosa blondi - "tên khổng lồ ăn thịt chim", nặng tới 120 gam, chân dài 30 cm, sống trong các khu rừng ẩm ướt Nam Mỹ. Người bị Tarantula cắn rất đau đớn, liên tục nhảy nhót để giảm đau, trông tựa như điệu nhảy Tarantela của người Italia.
Tên Tarantula được đặt theo điệu nhảy này), ong cày hói, vò vẽ, ong Hoa Kỳ (ong mồ hôi), ong đất, ong bầu, ong mật đều chứa ít nhiều các chất độc sau: Melittin là một peptid (có liên kết cacboxyl - amin (-CO-NH-) gồm 70 axit amin, phá vỡ hồng cầu người, làm biến đổi điện thế màng ở "cơ quan" thụ cảm đau - tức là kích hoạt thụ thể đau, nên người bị ong đốt thấy đau với những kích thích rất nhỏ.
Apamin là một peptid độc thần kinh gồm 18 axit amin, làm bất hoạt bơm can-xi ở màng tế bào, gây tê liệt hoạt động thần kinh và cơ, nồng độ cao làm liệt cơ hô hấp, liệt thần kinh, tử vong. Men Phospholipase thủy phân Phospholipid, thành phần quan trọng của màng tế bào thành các axit béo, Monoglycerid, Glyerol - phá vỡ màng tế bào. Hyaluronic acid là thành phần quan trọng của mọi tế bào và có nồng độ cao ở các mô xương, sụn, dịch khớp, gân, dây chằng, mô liên kết, da và nang tóc, môi, mắt. Vì thế men Hyaluronidase trong nọc ong phân giải Hyaluronic acid sẽ rất nguy hiểm.
Histamin gây đỏ da, phát ban (mày đay), ngứa, sưng phù; viêm, sưng đỏ kết mạc mắt; sổ mũi, viêm phù nề và co thắt khí quản, gây hen suyễn; tăng bài tiết nước mắt, dịch mũi, nước bọt, dịch tụy; co thắt, tăng nhu động ruột và bài tiết dịch gây tiêu chảy; tăng co bóp nhĩ và thất, co thắt tim; chậm dẫn truyền nhĩ - thất do chậm khử cực nút xoang (Keith Flack - "nhạc trưởng" trong hệ thần kinh tự động của tim), hạ huyết áp, giãn mạch; tăng co bóp cơ trơn tử cung.
Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, nhưng nồng độ cao gây rùng mình, tiêu chảy, cứng cơ, sốt cao, co giật, có thể gây tử vong nếu nồng độ máu không được giảm. Acetylcholin cũng là chất chất dẫn truyền thần kinh, nhưng nồng độ cao gây co thắt cơ, liệt, thậm chí tử vong.
Acid Phosphatase là men giải phóng các nhóm Phosphoryl, một công đoạn trong quá trình tổng hợp năng lượng (Adenosin triphosphat - ATP) ở ty thể của tế bào, thừa acid Phosphatase sẽ làm rối loạn tổng hợp năng lượng - yếu tố sống còn cho tế bào.
Trong số này, Melittin và Apamin độc nhất! Ngoài ra còn có các peptid phá hủy dưỡng bào (mastocyte), Kinin (gây viêm) và một số chất khác…
Khó khăn nhất khi cấp cứu người bị ong đốt là không thể hạn chế phát tán chất độc bằng garo. Trước hết phải uống đủ nước, gắp hoặc khều nhẹ vòi cắm trên da, rửa bằng xà phòng, nước ấm, tuyệt đối không nặn vì làm chất độc nhanh phát tán và đến ngay bệnh viện, không bôi bất cứ thứ gì. Tháng 8, bé 3 tuổi ở Phú Thọ bị ong vò vẽ đốt, gia đình bôi kem đánh răng, làm cánh tay nhiễm trùng nặng, sưng đẫn!
Nước ta có 4 loại ong độc nhất là ong mặt quỷ, ong vò vẽ, ong bắp cày (còn gọi là ong đất) và ong bầu.
Mức nguy hiểm nặng do ong đốt tùy thuộc vào loại ong và số vết đốt. Với người lớn, hơn 30 nốt và trẻ em khoảng 10 vết sẽ sốc phản vệ, tổn thương gan thận… Người có cơ địa dị ứng với nọc ong chỉ 1, 2 nốt cũng đặc biệt nguy kịch.
Không trêu trọc và tránh xa tổ ong; cảnh giác những chỗ rậm rạp; đi dã ngoại không nên mặc sặc sỡ và dùng nước hoa, dầu gội, mỹ phẩm thơm ngọt bởi ong bị thu hút; tiếp xúc tổ ong phải có dụng cụ bảo hộ. Bị ong tấn công, che kín đầu, cổ (nếu có đồ); nếu có thể thì hất đất cát lên để xua; nếu biết bơi lặn thì lặn. Đốt thứ có nhiều khói (búi rơm, rẻ tẩm dầu…) để xua ong đi nơi khác nếu ong làm tổ trong nhà, nơi đông người, tuyệt đối không dùng quần áo, gậy xua vì ong bị "trêu trọc" sẽ bu đến tấn công. Phải cấm lấy nhộng và nuôi ong vò vẽ (như ở Hà Tĩnh) vì nguy hiểm rình rập.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ong-tan-cong-nguoi-179221113221032898.htm