Nuôi dưỡng trẻ tại trường mầm non thế nào để giảm tỉ lệ thừa cân béo phì?
Chăm sóc phòng ngừa suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì là mục tiêu quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ toàn diện trong trường học.
Ở nước ta hiện nay, tình hình bệnh tật học đường ngày càng gia tăng, suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì trong trường học đang ở mức báo động.
Đây là vấn đề bức xúc gây nhiều khó khăn cho ngành giáo dục và là vấn đề nóng mà xã hội rất quan tâm. Bản thân tôi được phân công phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe trẻ tại trường, trước tình hình sức khỏe của các con bị suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì đối mặt với nhiều nguy cơ, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ để có hướng đi mới, có biện pháp tốt nhất cho công tác quản lý sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho trẻ có hiệu quả.
Đồng thời, tôi muốn các con có sức khỏe tốt nhất tham gia học tập từ đó rút ra một số kinh nghiệm để đổi mới hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ ở trường mầm non.
Các biện pháp nuôi dưỡng chăm sóc trẻ giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì
Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người - không thể có một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể gầy còm ốm yếu. Sức khỏe tốt là một mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện trẻ. Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục sức khỏe cho thế hệ trẻ ở các trường học không chỉ là mối quan tâm của Đảng, nhà nước mà còn là mối quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội.
Đầu năm học, tôi tiến hành khảo sát khoảng 50 phụ huynh ở trường thì thu được kết quả sau:
- Hiểu biết về cách phòng ngừa suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì: 21/50, tỉ lệ 42%.
- Nhận thức về mối nguy cơ của bệnh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì: 25/50, tỉ lệ 50%.
- Có ý thức về phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ: 22/50, tỉ lệ 44%.
Từ thực trạng trên, tôi đã vận dụng các giải pháp sau để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong trường cũng như nâng cao nhận thức của công đồng về chăm sóc sức khỏe cho trẻ ở gia đình với các biện pháp như sau:
- Xác định vai trò trách nhiệm và thực hiện tốt công tác tham mưu với lãnh đạo về công tác chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sức khỏe trẻ trong nhà trường.
- Lập các loại hồ sơ sổ sách cần thiết phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sức khỏe trẻ.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho trẻ.
- Làm tốt công tác phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì trong trường học:
- Thực hiện chế độ cân đo định kỳ để biết được tháng này các em có nằm trong khung bình thường hay không, nếu không thì cần điều chỉnh ngay, không để kéo dài vì như vậy sẽ muộn để phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì.
- Thực hiện tốt công tác tham mưu cấp trên, công tác phối kết hợp giữa các cô giáo và nhân viên phục vụ bán trú, giữa nhà trường và gia đình.
Thực hành chống thừa cân, béo phì cho trẻ
1. Xác định vai trò trách nhiệm và thực hiện tốt công tác tham mưu với lãnh đạo về công tác quản lý sức khỏe và chăm sóc sức khỏe học sinh trong nhà trường.
Đây là một việc rất quan trọng vì có xác định được vai trò trách nhiệm của mình, xác định được nhiệm vụ trọng tâm trong công việc thì mới thực hiện tốt và có hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu công tác. Sau khi xác định được rồi mới biết việc để làm, từ công việc người phụ trách y tế phải suy nghĩ trăn trở làm thế nào tham mưu cho lãnh đạo những nội dung, những biện pháp, những điều kiện để đáp ứng chuyên môn công tác y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ để có kết quả tốt nhất.
Sau khi nghiên cứu các văn bản chỉ đạo về công tác y tế học đường, được lãnh đạo quán triệt trách nhiệm trong quy chế làm việc của cơ quan, tôi xác định rõ vai trò, trách nhiệm của của tôi khi làm công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe là một nhiệm vụ rất quan trọng đầy trách nhiệm và cũng rất vinh dự. Bởi vì đối với các em, nhà trường là một gia đình lớn, ở đây đội ngũ cán bộ giáo viên, công nhân viên phục vụ là những người cha, người mẹ, người thân của các em, trong đó có bản thân tôi làm công tác chăm sóc giáo dục sức khỏe trẻ.
Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ, hướng dẫn giáo dục nền nếp vệ sinh, ăn ở hàng ngày, hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe, giữ gìn vệ sinh, rèn kỹ năng sống, chăm lo khám chữa bệnh khi ốm đau bệnh tật, những công việc này là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, giáo dục và rèn luyện trẻ ở trường ..
Để làm tốt vai trò trách nhiệm của mình, để thuận lợi cho công tác, tôi đã tham mưu cho lãnh đạo những nội dung sau:
- Thực hiện tham gia đầy đủ các chế độ cho trẻ như bảo hiểm thân thể, dự trù kinh phí mua thuốc thiết yếu, dụng cụ y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 1 năm học/ 3 lần( đầu tháng 9 và đầu tháng 1 và đầu tháng 4).
- Đối với cơ sở vật chất của nhà trường tôi thường xuyên kiểm tra nếu có hư hỏng thì kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo về công tác sửa chữa nhất là điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, bếp ăn tập thể theo quy trình một chiều, mua sắm trang thiết bị, tranh ảnh tuyên truyền...
Nhờ làm tốt công tác này mà trong những năm học vừa qua, tôi luôn chủ động trước công tác tuyên truyền và phòng chống trẻ bị suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho công tác y tế trong nhà trường luôn đầy đủ, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe học sinh một cách tốt nhất.
2. Lập các loại hồ sơ sổ sách cần thiết phục vụ công tác quản lý sức khỏe và chăm sóc sức khỏe.
Mục đích lập sổ sách này để tiện quản lý theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe trẻ, theo dõi sức khỏe và diễn biến bệnh của từng em trong từng năm học và suốt khóa học của bé ở trường từ Nhà trẻ đến lớp Lá.
Trong năm học tôi đã tự lập các loại sổ sách sau:
- Lập phiếu theo dõi sức khỏe trẻ từ lớp mầm đến lớp lá bao gồm các nội dung: cân nặng, chiều cao, thị lực, huyết áp, tiền sử bệnh (bản thân trẻ và gia đình có ai mắc các bệnh mãn tính) của từng năm học để tiện theo dõi và so sánh.
- Sổ khám và điều trị bệnh tại trường: ghi kết quả chẩn đoán bệnh cấp thuốc và theo dõi điều trị trẻ bệnh hàng ngày.
- Sổ theo dõi khám, điều trị Bảo hiểm y tế, nằm viện;
- Bảng tổng hợp nhập, cấp phát thuốc từng tháng;
- Sổ kiểm tra vệ sinh,
- Bảng tổng hợp trẻ bệnh từng tháng theo đơn vị lớp.
Trên cơ sở những sổ sách này tôi có thể báo cáo tình hình cụ thể cho lãnh đạo khi cần và cũng cần thiết để cho tôi tiện theo dõi, đồng thời đây là cơ sở có sức thuyết phục trong công tác tham mưu có hiệu quả, thuận tiện cho công việc của mình.
3. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho trẻ.
Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe là mấu chốt quan trọng trong công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe trẻ. Vì vậy tôi luôn cố gắng tìm tài liệu, cung cấp đầy đủ các thông tin khoa học về sức khỏe, vệ sinh môi trường sao cho thuyết phục, ngắn gọn, dể hiểu, dễ nghe.
Muốn làm tốt điều này bản thân tôi phải học hỏi nhiều, nắm bắt thông tin kịp thời, đồng thời phải học các cô giáo một chút nghiệp vụ sư phạm để truyền tải thông tin có hiệu quả.
Đồng thời để từng ngày, từng giờ tác động trực tiếp đến phụ huynh và làm cho môi trường giáo dục ngày càng sinh động hơn, tôi đã tham mưu với hiệu trưởng nhà trường cho làm các tấm panô tuyên truyền cho phụ huynh biết cách phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, để phụ huynh phối hợp với nhà trường chặt chẽ hơn trong việc phòng bệnh cho trẻ.
Trong công tác tuyên truyền cho phụ huynh như vậy cũng như mưa dầm thấm lâu phụ huynh sẽ dễ nhớ cách phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phi đồng thời có ý thức phòng bệnh tốt hơn.
4. Làm tốt công tác phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì
Với phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", công tác phòng bệnh là công việc rất quan trọng, muốn làm tốt điều này phải tìm hiểu cách nuôi con khoa học từ những phương tiện truyền thông, sách báo, tờ rơi.... để ta có thể chủ động phòng chống bệnh một cách thuận lợi hơn, đồng thời kết hợp chặt chẽ với nhà trường để xây nên khẩu phần ăn cho trẻ theo tháp dinh dưỡng để trẻ không bị suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì.
Để làm tốt công tác phòng bệnh, đầu năm học tôi tiến hành cân đo cho các em để biết được các em có nằm trong tỉ lệ bình thường hay không và phân loại rõ các bệnh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì.
Qua việc làm đó tôi đã đưa ra được 2 phương án:
- Phương án thứ nhất là đối với trẻ thừa cân, béo phì:
+ Tăng cường vận đông thể dục, thể thao cho trẻ, cho trẻ chơi các loại trò chơi giúp tăng chiều cao
+ Thay đổi thực đơn của trẻ những thực phẩm làm giảm năng lượng vào khẩu phần ăn từng bước một
+ Cho trẻ uống sữa gầy (sữa tách béo), giảm bớt lượng cơm trong bữa ăn, cho trẻ ăn nhiều trái cây.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại:
+ Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/ năm
- Phương án thứ hai là đối với trẻ suy dinh dưỡng:
+ Cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi cho trẻ. Ăn thêm bữa, uống thêm sữa béo, ăn nhiều rau xanh, quả chín.
+ Tăng cường chất béo vào khẩu phần ăn của trẻ, ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa. Chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, đặc biệt các loại thức ăn có chứa nhiều kẽm như: thịt gà, thịt cóc...vì thiếu kẽm là 1 trong những nguyên nhân chậm phát triển chiều cao của trẻ.
+ Tăng cường kiểm tra giám sát bếp ăn, quản lý chất lượng bữa ăn của trẻ.
+ Sắp xếp cháu biếng ăn ngồi gần cháu ăn tốt.
+ Cô động viên trẻ ăn hết suất ăn, ăn chậm, cô quan tâm chăm sóc cháu nhiều hơn, để làm tốt công tác phòng chống suy dinh dưỡng cần thực hiện biện pháp này và tuyên truyền phối hợp phụ huynh cùng thực hiện
+ Cho trẻ chơi các trò chơi hoặc tập thể dục phát triển chiều cao của bé.
+ Khám sức khỏe định kỳ cho các cháu 2 lần/ năm.Kiểm tra sức khỏe, cân nặng, theo dõi sự phát triển của trẻ trên biểu đồ phát triển theo định kỳ hàng tháng, hàng quí ( tùy độ tuổi).
+ Kết hợp nhắc nhở phụ huynh cho trẻ uống thuốc tẩy giun theo định kỳ.
+ Tổ chức tuyên truyền với phụ huynh như trao đổi trực tiếp với phụ huynh có trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì.
+ Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học về nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ học sinh.
+ Đảm bảo đủ số lượng và chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ theo chương trình Foodkids và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.
Qua hai giải pháp này, tôi đã hạ thấp tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì đến thời điểm hiện tại thì trẻ đạt cân nặng bình thường trên 90%.
5. Thực hiện tốt công tác tham mưu cấp trên, công tác phối kết hợp giữa các cô giáo và nhân viên phục vụ bán trú
Một mình dù có giỏi đến đâu cũng không thể bao quát, làm tốt hết mọi việc được. Bản thân tôi đã ý thức được công tác quản lý và chăm sóc sức khoẻ, y tế học đường là công tác phức tạp đòi hỏi người làm công tác y tế sự kiên trì, nhẫn nại, tâm huyết và hết lòng vì trẻ thân yêu, đồng thời phải làm tốt công tác tham mưu, phải biết phối kết hợp giữa các bộ phận với giáo viên để cùng nhau làm tốt công tác giáo dục, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.
Phối hợp với tổ cấp dưỡng để thực hiện tốt chế độ nuôi dưỡng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì chế độ nuôi dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ.
Bản thân tôi ngoài trách nhiệm tuyên truyền hướng dẫn và giám sát chế độ ăn cho trẻ đảm bảo tuyệt đối vệ sinh và an toàn thực phẩm đồng thời đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển thể chất phòng tránh bệnh tật, tôi còn dành thời gian cùng họ tìm hiểu những biện pháp phát hiện thực phẩm nhiễm độc, nhiễm hóa chất có hại cho sức khỏe, cùng tham mưu với lãnh đạo xây dựng nội quy bếp ăn tập thể, xây dựng thực đơn phù hợp với lứa tuổi, phù hợp khẩu vị cho trẻ ăn ngon miệng.
Đối với giáo viên, đây là người mẹ thứ hai của trẻ, họ có thể giúp tôi nắm bắt tâm tư tình cảm, đồng thời giáo dục sâu sắc có hiệu quả nhất ở lớp về nội dung giáo dục sức khỏe lồng ghép trong các môn học.
Từ những việc làm này trong năm qua đã nâng cao hiệu quả nuôi dưỡng, không có tình trạng ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể, trẻ ăn ngon miệng, ăn hết phần cơm, hạ thấp tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì.
6. Thực hiện tốt công tác chuyên môn khám, điều trị và chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì
Đặc điểm của trẻ ở lứa tuổi mầm non chưa ý thức được điều gì gây nguy hiểm cho bản thân, nên thường trẻ cứ mãi mê ăn uống mà không cần luyện tập thể dục thể thao bên cạnh đó cũng có một số trẻ vì ham chơi nên cứ mãi mê chơi mà không cần ăn uống.
Đối với trẻ suy dinh dưỡng tôi không vội ép trẻ ăn cùng một lúc hết khẩu phần ăn mà khẩu phần ăn của trẻ sẽ được chia nhỏ, trẻ có thêm được một lần uống sữa so với các trẻ bỉnh thường khác
Đối với trẻ thừa cân béo phì tôi không cắt hẳn bữa ăn của trẻ hay không cho trẻ uống sữa mà tôi cho trẻ ăn nhiều rau, củ hơn thay vì trẻ ăn cơm và cho trẻ luyện tập thể dục 15 phút tại sân trường, liên tục cổ vũ trẻ để trẻ có động lực luyện tập tốt hơn.
Làm tốt công tác này giúp tôi tạo được cảm giác an toàn, tin tưởng của trẻ khi có vấn đề về sức khỏe.
Những kết quả đạt được sau khi áp dụng phương pháp chống thừa cân béo phì cho trẻ
Sau khi áp dụng những giải pháp trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe trẻ, đồng thời nghiêm túc thực hiện những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo, công tác y tế học đường trong nhà trường ngày một hoàn thiện hơn. Việc quản lý sức khỏe của trẻ được cải tiến, có hiệu quả cao, hàng ngày trẻ được theo dõi chặt chẽ về sức khỏe, được phụ huynh tin tưởng và an tâm. Phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho con em mình.
Qua khảo sát, tôi thu được kết quả sau:
- Hiểu biết về việc phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho con em mình.
- Nhận thức về mối nguy cơ của bệnh.
- Có ý thức về phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ.
- Số trẻ bị bệnh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì giảm hẳn so với đầu năm. Như vậy, những gì mà tôi áp dụng đã thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.
Những kinh nghiệm của bản thân tôi nêu trên thực hiện ở Trường mầm non Hoàng Châu trong năm qua có hiệu quả cao, giúp tôi tháo gỡ nhiều vấn đề trong tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe cho trẻ, những kinh nghiệm này theo tôi cũng rất dễ thực hiện, có thể áp dụng tất cả các trường học.
Điều quan trọng là phải được sự quan tâm của lãnh đạo, sự đồng thuận của hội đồng sư phạm nhà trường và người làm công tác y tế phải là người có tâm huyết với công việc, thực sự yêu thương trẻ thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho là đào tạo một thế hệ trẻ có đủ năng lực sức khỏe và trí tuệ sau này, là lực lượng lao động đủ về sức khỏe lẫn tài năng để xây dựng quê hương đất nước.
(Bài dự thi "Sức khoẻ học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nuoi-duong-tre-tai-truong-mam-non-the-nao-de-giam-ti-le-thua-can-beo-phi-179240901142643635.htm