Nỗi "cô đơn" đáng giá của người tự học

16:24 - 22/04/2024

Hành trình tri thức của người tự học được hình thành tự thân. Không có con người xuất chúng nào an nhàn cả. Buông bỏ học tập, ta sẽ ở lại với 80% người đang sống an toàn và bằng lòng với một đời sống nhàm chán, dậm chân tại chỗ.

Nỗi "cô đơn" đáng giá của người tự học

Tự học, trước hết là tự thân phát triển hành trình tri thức của chính mình. Minh hoạ: unsplash

Khái niệm về "Người tự học" và việc "học tập một mình"

Thuật ngữ "Người tự học" mà ngày nay được nhiều người nhắc đến đã có lịch sử lâu đời của nó. Trong những văn bản của Hy Lạp cổ đại có thuật ngữ "Autos didaktikos", trong đó, Autos có nghĩa là tự mình (self) và didaktikos là "dạy". Thuật ngữ này liên quan mật thiết với "didacticism" (chủ nghĩa giáo huấn), được hiểu như là một triết lý nghệ thuật của giáo dục (An artistic philosophy of education).

Sau này xuất hiện khái niệm Autodidacticism, với nghĩa là một lối học (một cách học) không có sự dạy dỗ chính thống, khi có nhu cầu về kiến thức mới, người ta tìm đến một hay nhiều chủ đề để tiếp cận và khai thác điều mình muốn hiểu biết mà không có người hướng dẫn, giảng giải hoặc huấn luyện.

Thuật ngữ Autodidacticism còn được viết là Autodidactism, mà người học theo lối này được gọi là Autodidact (dịch sang tiếng Việt là Người tự học).

Nói đến Autodidactism, người ta hiểu theo 3 khía cạnh: Self – learning (tự học tập), Autodidactism, Self – education (tự giáo dục), Self – teaching (tự dạy mình).

Hiện nay, trong các văn bản về xã hội học tập, chúng ta thường gặp thuật ngữ Self – learn (người tự học) để nói đến những người học tập suốt đời (Lifelong learner).

Người tự học là người tiến hành việc học tập một mình, không có sự đồng hành của người khác, không có người nào đó chỉ bảo, hỗ trợ hoặc giúp đỡ trong việc học. Ngay cả khi học hỏi một vấn đề mang tính chuyên nghiệp, họ cũng tiến hành một mình.

Việc tự học thường có nhiều nội dung khác nhau, với những mục đích khác nhau. Có khi người ta tự học một việc cụ thể như đánh máy (self-taught typing) hay học chơi cờ tướng (self-taught Chinese chess); có khi người ta tự học một tài liệu theo một chủ đề nào đó tại nhà, không đến trường học (self-learning) không có giáo viên (Teacher) giảng bài hoặc không có người hướng dẫn (instructor) giúp đỡ, chỉ bảo. Trong nhiều trường hợp, người tự học tiến hành nghiên cứu, khảo sát, làm thí nghiệm một mình (self-study), không có người giám sát trực tiếp, không tới một lớp học nào đó.

Nhìn chung, người tự học lâu dài, bền bỉ là người mang trong họ lòng hiếu học, say mê theo đuổi mục đích học tập đã định, dù gặp khó khăn thế nào họ cũng không bỏ cuộc. Những người này thường tập trung việc học hành, nghiên cứu khoa học từ lúc còn trẻ, và họ thành đạt có thể sớm hay muộn, nhưng dù trong trường hợp nào thì khi thành đạt, họ vẫn tiếp tục sự nghiệp học tập. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết việc học tập này bằng một mệnh đề ngắn gọn, như một triết lý về sự học: "Học không bao giờ cùng".

Tự học là một hành trình tri thức với đầy đủ ý nghĩa của sự học tập suốt đời. Đây là hành trình tri thức đi dọc cuộc sống của con người. Có thể khẳng định rằng, không tự học thì không bao giờ hoàn thành một chương trình học liên tục, bền bỉ, kiên nhẫn và gian khổ.

Trong Tâm lý học, nhiều tác giả cho rằng, tự học là hành trình đi từ vùng an toàn về tâm lý đến vùng phát triển. Nếu không thoát ra khỏi vùng an toàn thì cuộc sống bình lặng, chẳng có gì thay đổi, chẳng bao giờ đạt được sự phát triển của bản thân.

Từ vùng an toàn đến vùng phát triển phải qua 2 vùng trung gian là vùng sợ hãi vùng học hỏi. Dưới đây là hình vẽ hành trình qua các vùng nói trên:

Nỗi "cô đơn" đáng giá của người tự học- Ảnh 4.

Hành trình tự học từ vùng an toàn đến vùng phát triển. Đồ hoạ: CDKH

Vùng an toàn (Comfort Zone)

Vùng an toàn được hiểu là trạng thái tâm lý thỏa mãn về mặt cảm xúc, nhờ đó con người thấy thoải mái, yên tâm với môi trường hiện tại, không muốn rời bỏ môi trường đó. Rất nhiều người bằng lòng với công việc mình đang làm, không cần học thêm, không cần tham gia những hoạt động nào khác nữa, lương tháng lĩnh đều, tăng lương theo cơ chế "đến hẹn lại lên". 

Họ có bạn là một ông chủ tịch tỉnh, một bà làm giám đốc một công ty lớn, một là giáo sư tại trường đại học danh tiếng. Lúc ngồi vui với người khác, khi nói tới ông chủ tịch tỉnh, bà giám đốc, vị giáo sư nọ, họ tự hào nói: trước đây, các cậu ấy cùng học với mình tại trường trung học cơ sở. Các cậu ấy "may" hơn mình mà làm to thôi.

Họ không thấy rằng, cứ giữ cái trạng thái tâm lý muốn an nhàn, muốn yên thân thì không bao giờ có cái may ấy. Những người may mắn kia đã dám bước ra khỏi vùng an toàn và vượt qua được vùng sợ hãi nhờ họ làm được mấy việc sau đây:

- Khắc phục được nỗi sợ về những điều chưa biết nhờ học tập thêm.

- Gặp thất bại họ không dừng bước mà tìm cách vượt qua.

- Thích ứng dần với môi trường mới và cảm thấy môi trường mới trở nên quen thuộc hơn cái môi trường an toàn trước đây.

- Tự tin mình có thể ra khỏi vùng an toàn nên vững bước theo con đường đã chọn.

- Vượt qua được những áp lực xã hội, bị đánh giá thấp thì cố gắng để làm tốt hơn, bị chê trách thì tìm cách vượt lên, không xấu hổ và không giấu dốt, chịu khó học hỏi chính người chê trách mình.

Vùng sợ hãi (Fear Zone)

Đây là một đường biên giữa tâm trạng muốn an toàn nhưng nhàm chán, không tiến thủ được và ý nguyện muốn vươn lên để đạt được những thay đổi.

Vùng sợ hãi có những việc con người bước vào đó phải giải quyết không chỉ bằng kinh nghiệm đã có trong vùng an toàn, mà còn phải có tri thức mới nhờ học tập. Nếu không dám bước đi những bước đầu tiên trong vùng sợ hãi, ta lại bị vùng an toàn lôi kéo. Phải quyết tâm với ý nghĩ "muốn đi xa hơn thì phải chấp nhận những khó khăn, những rào cản", nhưng "không có những khó khăn nào mà ta không vượt qua nổi, không có rào cản nào làm con người bó tay", mà là ta chưa tìm được giải pháp nào để khắc phục mà thôi.

Người không vượt qua nổi vùng sợ hãi là người không tin vào chính mình, gặp khó không tìm cách tháo gỡ mà chỉ tìm lời bào chữa, luôn chịu sự tác động của người khác, không có tính độc lập và tự chủ.

Vùng học tập (Learning Zone)

Khi vượt qua vùng sợ hãi (vùng bất an), con người đi vào vùng học tập. Tại vùng này, người ta hấp thụ những tư tưởng mới, những kiến thức mới, rèn luyện những kỹ năng mới, học hỏi các cách xử lý những vấn đề đặt ra phía trước, khắc phục những khó khăn và ngày càng có bản lĩnh đối đầu với những thách thức. Những việc mang tính học hỏi đó sẽ mở rộng vùng an toàn, tạo nên một môi trường an toàn trước những biến đổi trong xã hội.

Từ vùng an toàn ban đầu, để tới vùng học tập phải vượt qua một làn ranh "vùng sợ hãi". Hành trình này đòi hỏi con người có sự chuẩn bị cho mình thật cẩn thận bằng cách học hỏi những kiến thức mới, tạo cho mình những kỹ năng cần thiết, xây dựng cho bản thân thái độ tích cực như sự ham muốn tiến bộ, ý thức bước ra khỏi vùng an toàn, lòng tự tin. Sự vội vã bước nhanh ra khỏi vùng an toàn sẽ hay vấp phải những khó khăn và dễ thất bại, từ đó có thể bị những sang chấn tâm lý rất đáng tiếc.

Nỗi "cô đơn" đáng giá của người tự học

Vượt qua vùng sợ hãi đến bờ bên kia là cả một sự thay đổi trong tư duy và hành động mỗi người. Minh hoạ: Unsplash

Ví dụ, vùng an toàn là tả ngạn con sông, bờ bên kia là hữu ngạn có những điều hứa hẹn tốt đẹp nếu ta sang tới bên đó. Dòng sông là vùng sợ hãi. Từ tả ngạn sang hữu ngạn con sông, ta phải có sự chuẩn bị. Cần phải tập bơi, biết giữ cho cơ thể nổi trên mặt nước rồi vẫn chưa đủ sức qua sông. Còn phải nắm được các kiểu bơi thích ứng với những thay đổi của dòng nước trên sông. Phải biết nhiều kiểu bơi như bơi ếch, bơi sải, bơi bướm, bơi ngửa… Với dòng sông nước chảy nhanh, bơi sải thích ứng tốt nhất. Bơi ếch nên áp dụng với nước trôi êm đềm. Với sóng lớn mà bơi ngửa là không ổn, nước sẽ liên tục táp vào mặt. Còn bơi bướm mà dùng để bơi đường dài là không nên nên, bởi kiểu bơi này rất tốn sức.

Chưa thành thạo các kiểu bơi, mới biết đập chân tay để nhích từng tí một trên mặt nước, mà ở thôn quê gọi là "bơi chó", thì lao vào dòng sông đang chảy nhanh để sang ngay bờ bên kia của con sông sẽ rất dễ bị đuối. Khi đuối nước, con người thường bị sang chấn tinh thần, trở nên sợ nước và từ bỏ việc sang bờ bên kia, ở lại vùng an toàn. Như thế là thất bại.

Vùng phát triển (Growth Zone)

Qua vùng học tập, con người tiến vào vùng phát triển (Vùng tăng trưởng). Theo nhiều công trình nghiên cứu, trên thực tế, rất nhiều người muốn ra khỏi vùng an toàn để đến vùng phát triển. Song, điều này không hề dễ dàng. 

Theo Darius Foroux, có khoảng 80% số người trên thế giới ở lại vùng an toàn, 20% còn lại nằm ở 3 vùng tiếp sau (vùng sợ hãi, vùng học tập và vùng phát triển). Con số trên đây có vẻ là một ấn tượng "ảm đạm" cho người đọc. Song, nếu ta có được lối tư duy tăng trưởng thì sự việc không đến nỗi bi quan như vậy.

Những khó khăn trong cuộc sống vừa là những rào cản, nhưng cũng là những cơ hội của sự phát triển: Ở bên này rào cản, chúng ta an toàn trong sự an phận, ở bên kia rào cản là con đường thăng tiến mở rộng. Những con ngựa chỉ chạy trên đồng cỏ phẳng lì hay những con đường không có sỏi đá mấp mô thì mãi là con ngựa bình thường. Nó chỉ trở nên hay khi đã từng vượt qua các sườn núi dốc hiểm trở, những dòng suối với những hòn đá khấp khểnh, những đoạn đường dưới cái nắng bỏng rát và những lối đi xuyên rừng phủ đầy tuyết trắng.

Cũng như vậy, người thủy thủ tài ba không sinh ra ở những vùng nước phẳng lặng. Trong đời, họ đã từng vượt thác xuống ghềnh, chống trọi với phong ba bão táp trên biển cả, đã trải qua những gian truân đầy rủi ro trên sông nước.

Cần sự kiên trì đủ độ cần thiết, một sự học hỏi không ngừng. Người thành công trong học tập suốt đời sẽ phải thực hiện một hành trình có nhiều khó khăn trở ngại. Muốn học tập thành công, chỉ tại các phòng học với máy lạnh trong mùa hè, có lò sưởi trong mùa đông thì chưa đủ. Phải học trong cuộc sống đầy biến động, trong lao động vất vả v.v...

Người học tập suốt đời phải là người tự học, tự trải nghiệm việc học tập trong cuộc sống luôn biến đổi. Học tập cũng giống như đi trên biển, đi biển luôn gặp sóng to, bão lớn, học tập luôn phải đối đầu với những khó khăn về điều kiện vật chất, những mệt mỏi về thể xác, những nhọc nhằn về tâm thần. Buông bỏ học tập, ta sẽ ở lại với 80% người đang sống an toàn và bằng lòng với một đời sống nhàm chán, dậm chân tại chỗ.

Người tự học là người luôn chủ động trong hành trình tri thức của mình. Họ có bản lĩnh chủ động là nhờ sự tập luyện để có 4 kỹ năng cơ bản sau đây:

- Kỹ năng tư duy phân tích (Analytical thinking skills)

- Kỹ năng tư duy quyết định (Decisive thinking skills)

- Kỹ năng tư duy phản biện (Critical thinking skills)

- Kỹ năng tư duy sáng tạo (Creative thinking skills)

Đây là 4 vũ khí lợi hại để biến những điều đã học hỏi được thành tri thức của riêng mình.

Hành trình tự học được khởi đầu bằng sự tìm kiếm, tích lũy, ghi nhớ những kiến thức mới và kết thúc bằng một kết quả sáng tạo. Năm 1956, Benjamin Bloom đã khái quát 6 cấp độ của tư duy tự học mà trong các sách Tâm lý học, người ta gọi là tư duy Bloom.

6 cấp độ của tư duy Bloom là:

- Ghi nhớ (Remembering)

- Hiểu (Understanding)

- Áp dụng (Applying)

- Phân tích (Analysing)

- Đánh giá (Evaluating)

- Sáng tạo (Creating)

Nỗi "cô đơn" đáng giá của người tự học- Ảnh 6.

6 cấp độ của tư duy Bloom. Đồ hoạ: CDKH

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/noi-co-don-dang-gia-cua-nguoi-tu-hoc-179240422120353535.htm