Nở rộ ngành đào tạo mới, thí sinh cần lưu ý gì?
Ngoài việc chọn ngành phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân thì học sinh cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt xu hướng của thị trường lao động trước xu hướng nở rộ ngành đào tạo mới hiện nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Cũng như mùa tuyển sinh trước, năm nay dự kiến sẽ có thêm nhiều ngành học mới được các trường mở ra.
Mở ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội
Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, năm 2023, Trường Đại học Thủy lợi mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Trung và Luật kinh tế.
Theo Tiến sĩ Trần Khắc Thạc, việc mở ngành mới là xu hướng tất yếu khi cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ, phù hợp với nhu cầu của xã hội.
"Luật là một trong số ít ngành có tính ứng dụng cao trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Hiện nay, để tham gia bất cứ hoạt động nào của nền kinh tế cũng cần có sự hiểu biết về luật pháp để tránh được rủi ro, thiệt hại.
Còn đối với ngành Ngôn ngữ Trung, với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây. Việc học và biết tiếng Trung sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm tiềm năng trong tương lai", Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Khắc Thạc thông tin, đối với hai ngành mở mới, trường dự kiến chỉ tuyển từ 50 đến 60 chỉ tiêu cho một ngành. Chương trình đào tạo sẽ xây dựng theo hướng nâng cao khả năng ứng dụng, thực hành để sinh viên có thể "thực chiến" ngay sau khi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung - Phó Trưởng phòng Quan hệ công chúng và Doanh nghiệp, phụ trách công tác tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, những năm trở lại đây, Trường Đại học Mỏ - Địa chất thường xuyên cập nhật, tuyển sinh thêm một số ngành đào tạo mới.
Năm 2023, trường mở mới ngành Kỹ thuật vật liệu, tuyển sinh theo tổ hợp A00, A01, C01, D07.
"Nhiệm vụ cơ bản của kỹ sư ngành Kỹ thuật vật liệu là nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các loại vật liệu nhằm phát triển các sản phẩm mới. Đây là một lĩnh vực mũi nhọn trong công nghiệp 4.0 và không thể thiếu trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các công ty hóa chất và vật liệu", Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung nhấn mạnh.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung, Việt Nam mới chỉ có khoảng 5 trường đào tạo Kỹ thuật vật liệu mặc dù đây là ngành đang rất cần bổ sung nguồn nhân lực.
Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật vật liệu, người học có thể làm các công việc như:
Giảng viên tại các trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và viện nghiên cứu có liên quan đến vật liệu;
Cán bộ kỹ thuật tại các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng như: bê tông, xi măng, gốm xây dựng, thủy tinh xây dựng;
Làm việc trong các cơ quan, viện nghiên cứu thiết kế thiết bị, cải tiến công nghệ;
Kỹ sư chế tạo thiết bị dân dụng, thiết bị công nghiệp tại các công ty sản xuất thiết bị sản xuất năng lượng mặt trời, năng lượng gió, các công ty sản xuất pin, ắc quy...
Chọn ngành học nhìn từ dự báo thị trường lao động
Đưa ra lời khuyên cho học sinh trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung lưu ý học sinh cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là tìm hiểu kỹ về các ngành, nghề (tính chất công việc, môi trường, điều kiện...) trước khi đưa ra quyết định.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung nêu thực tế, hiện có nhiều ngành học đang thiếu nhân lực nhưng lại không được nhiều thí sinh lựa chọn, ví dụ như ngành khai thác mỏ, khai thác dầu khí, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật dầu khí...
Vì vậy, ngoài việc chọn ngành, nghề phù hợp với sở thích và năng lực thì các em cũng cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt xu hướng của thị trường lao động.
Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh, Tiến sĩ Trần Khắc Thạc cho hay, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ vẫn đang chạy theo số đông, chọn học ngành "hot", ngành mới nhưng không biết năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu của ngành học đó hay không.
"Nhiều bạn đánh giá sai khả năng của mình, chọn ngành nghề không phù hợp, lãng phí thời gian, công sức và lạc lối, mơ hồ trong chính công việc mình đang làm, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai", Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi nói.
Theo Tiến sĩ Trần Khắc Thạc, trước sự phát triển của công nghệ và xu hướng của thời đại, các bạn trẻ nên chọn học những ngành, nghề có thể trang bị cho bản thân nền tảng kiến thức tốt để thích ứng với sự thay đổi.
"Từ trước đến nay, đa số học sinh đều có xu hướng chọn trường trước rồi mới chọn ngành. Tuy nhiên, chính điều này lại dẫn đến nhiều trở ngại. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp khó chọn nghề nghiệp vì không tìm được công việc đúng chuyên ngành mà phù hợp năng lực, sở thích. Do đó, các bạn trẻ nên xác định lựa chọn nghề, chọn ngành trước và chọn trường sau", Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi lưu ý thêm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/no-ro-nganh-dao-tao-moi-thi-sinh-can-luu-y-gi-179230404112450257.htm