Những vấn đề đặt ra về chuyển đổi số trong giáo dục mở tại Việt Nam

18:08 - 01/11/2023

Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến: "Chúng ta đã có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Song, còn thiếu những phân tích chuyên sâu để đưa những cơ sở pháp lý đó vào cuộc sống".

Những vấn đề đặt ra về chuyển đổi số trong giáo dục mở tại Việt Nam - Ảnh 1.

Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Vai trò của giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam".

Ngày 1/11, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Vai trò của giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam". 

Tham luận tại chương trình, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã chia sẻ về nội dung chuyển đổi số trong giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Các chính sách về chuyển đổi số trong giáo dục chưa đi vào đời sống

Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1373/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Trong đó, nhấn mạnh việc "tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở…"

Ngày 25/1/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030".

Những vấn đề đặt ra về chuyển đổi số trong giáo dục mở tại Việt Nam - Ảnh 2.

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến: "Chúng ta đã có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Song, còn thiếu là những phân tích chuyên sâu để đưa cơ sở pháp lý đó vào cuộc sống".

Cần thống nhất các định nghĩa liên quan đến giáo dục mở

Cũng theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, các văn bản hành chính tại Việt Nam còn thiếu các định nghĩa liên quan đến giáo dục mở.

Qua quá trình nghiên cứu của mình, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định, giáo dục mở nhằm mục đích mở rộng sự tiếp cận, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và sự tham dự thành công của mọi người trong giáo dục. Giải pháp là dỡ bỏ các rào cản (tài chính, pháp lý, kỹ thuật…) cho người học. Phương tiện chủ yếu hiện nay là công nghệ số.

Những vấn đề đặt ra về chuyển đổi số trong giáo dục mở tại Việt Nam - Ảnh 3.

10 chiều đo giáo dục mở.

Chuyển đổi số trong giáo dục là một tiến trình gồm ba giai đoạn đan xen, bao gồm: số hóa dữ liệu, tài liệu, tài sản, con người; số hóa các quy trình để chuyển các hoạt động của ngành giáo dục từ trực tiếp sang tự động và trực tuyến; sự chuyển đổi đồng bộ, tổng thể và toàn diện trên cả ba lĩnh vực - văn hóa, con người và công nghệ

Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, trên thế giới có 6 mức độ chuyển đổi số của giáo dục đại học, là: chưa có ý tưởng gì; mong muốn chuyển đổi số; thiết kế chuyển đổi số; triển khai chuyển đổi số; mở rộng phạm vi chuyển đổi số; gặt hái kết quả.

Tại Việt Nam, 45% cơ sở giáo dục đại học đang ở giữa giai đoạn 3 và 4, còn lại 55% đang ở giai đoạn 1, 2 hoặc 3.

Tài nguyên giáo dục mở là thành phần đại diện cho giáo dục mở, được xây dựng ở 3 cấp độ: vĩ mô (các vấn đề về chính sách quốc gia và khung thiết kế hạ tầng quốc gia hoặc liên đại học cho các tài nguyên giáo dục mở); trung mô (các vấn đề liên quan đến việc cung ứng tài nguyên giáo dục mở trong các cơ sở giáo dục đại học, như cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ, phát triển chuyên môn của đội ngũ, bảo đảm chất lượng) và vi mô (các vấn đề về tạo lập và sử dụng các tài nguyên giáo dục mở trong dạy và học, việc chia sẻ các tài nguyên giáo dục mở trong đội ngũ giảng viên).

Cả ba cấp độ này phải có sự phối hợp với nhau. Trong đó, các chính sách và nguồn lực tài chính ở cấp vĩ mô có tác động quyết định lên việc xây dựng chiến lược, chính sách và hạ tầng ở cấp trung mô. 

Những nhân tố trung mô lại có tác động chi phối lên cấp vi mô, đặc biệt là đối với động lực cá nhân nhà giáo và chất lượng giáo dục.

Theo kinh nghiệm quốc tế, ở cấp vĩ mô, các nước phải có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số; có kế hoạch quốc gia về tài chính cho chuyển đổi số nói chung, giáo dục mở nói riêng; xây dựng hạ tầng quốc gia cho các tài nguyên giáo dục mở - OER, khóa học trực tuyến đại chúng mở - MOOC.

Ở cấp trung mô, các đại học lớn đều có chính sách về chuyển đổi số trong giáo dục mở; có hạ tầng riêng về giáo dục mở (OER - tài nguyên giáo dục mở, OCW - công cụ khóa học mở, MOOC - khóa học trực tuyến đại chúng mở), đặc biệt là các kho tài nguyên giáo dục mở; phát triển các hạ tầng chung trên cơ sở hợp tác với nhau.

Ở cấp vi mô, giảng viên cho rằng cần hoàn thiện chính sách để tạo động lực cho giảng viên; bao gồm các vấn đề về chi phí lợi ích, tình hình việc làm bấp bênh, thiếu thời gian, vấn đề bản quyền...

Chuyển đổi số trong giáo dục mở tại Việt Nam

Chưa có bất kỳ nền tảng quốc gia về giáo dục mở 

Về chuyển đổi số trong giáo dục mở tại Việt Nam, ở cấp độ vĩ mô, điểm mạnh của chúng ta về chính sách là có hệ thống văn bản khá đầy đủ và cập nhật về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng.

Về hạ tầng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (Hệ tri thức Việt số hóa); Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nền tảng quốc gia khóa học trực tuyến đại chúng mở - MOOC về kỹ năng số

Tuy nhiên, chúng ta thiếu các phân tích chuyên sâu để có thể đưa chính sách vào đời sống. Riêng về giáo dục mở, hiện vẫn chưa có bất kỳ chính sách cụ thể nào. Nguồn lực quốc gia cho giáo dục mở không có.

Về hạ tầng, chưa có bất kỳ nền tảng quốc gia nào về giáo dục mở nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học còn gặp nhiều khó khăn

Ở cấp độ trung mô, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến chỉ ra rằng, nhìn chung các cơ sở giáo dục đại học đều đã có hoặc đang xây dựng kế hoạch và chính sách chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin của các trường đại học trên toàn quốc hiện cơ bản khá tốt.

Trong đó, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nền tảng Việt Nam MOOC (VMOOCs); Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã triển khai nền tảng MOOC Daotao.ai.

Song, việc triển khai chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những hạn chế về nguồn lực, nhân lực và năng lực.

Riêng về chuyển đổi số trong giáo dục mở thì chưa được quan tâm, còn tự phát, vấp nhiều rào cản. Hạ tầng vẫn chưa đủ mạnh để thiết lập và tận dụng các công nghệ số đột phá.

Khoảng cách số - thách thức đối với chuyển đổi số trong giáo dục

Ở cấp độ vi mô, giảng viên đều được tập huấn, bồi dưỡng về một số vấn đề liên quan đến công nghệ số. Nhìn chung giảng viên và cán bộ thư viện có mức độ quan tâm khá lớn đối với tài nguyên giáo dục mở.

Nhưng sự quan tâm của các trường trong tập huấn giảng viên về giáo dục mở còn mờ nhạt. Việc giảng viên khai thác, sử dụng, phát triển các tài nguyên giáo dục mở còn rất nhiều hạn chế. 

Tình trạng nhiều học viên có hoàn cảnh khó khăn và học viên vùng sâu, vùng xa không có máy tính và kết nối mạng trong học tập (khoảng cách số) vẫn là một thách thức.

Chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khởi

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đánh giá, chuyển đổi số trong giáo dục mở ở Việt Nam hiện vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khởi, chưa có bất kỳ bước đi đáng kể nào trên cả 10 chiều đo của giáo dục mở.

Nguyên nhân là các chính sách về chuyển đổi số trong giáo dục còn khó đi vào đời sống vì thiếu các phân tích chuyên sâu để làm rõ thực trạng và những khoảng cách

Riêng về giáo dục mở, Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch quốc gia về giáo dục mở; chưa có nền tảng quốc gia các tài nguyên giáo dục mở, MOOC; chưa có chính sách quốc gia về nguồn lực cho giáo dục mở.

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, để xây dựng chính sách khả thi trong bối cảnh cụ thể của đất nước rất cần nhận diện đầy đủ các khoảng cách. 

Trong đó quan trọng nhất là: khoảng cách giữa hiện trạng và mục tiêu mong muốn; khoảng cách về hạ tầng số, nền tảng số, năng lực số; khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa các tầng lớp dân cư khác nhau.

Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, thay vì một hệ thống chính sách dàn trải như bấy lâu nay quen làm, Nhà nước cần tập trung trước hết vào việc ban hành và thực hiện thật tốt các chính sách ưu tiên trong việc rút ngắn các khoảng cách trên.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-van-de-dat-ra-ve-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-mo-tai-viet-nam-179231101173009851.htm