Những tiếc nuối cho một "Tuấn tim"
Năm 2018, trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, tôi có cuộc phỏng vấn hành lang với GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - tức "Tuấn tim". Lúc ấy, ông Tuấn đang là đại biểu Quốc hội – không phải là một bị cáo đứng trước tòa như hôm nay.
Tôi còn nhớ, tại cuộc phỏng vấn hôm ấy, sau khi có những câu hỏi liên quan đến nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch đang làm nóng nghị trường cho chương trình thời sự của Đài (lúc đó tôi đang là Biên tập viên kênh VTC1), tôi còn nán lại trò chuyện ngoài lề với ông Tuấn về hoạt động cá nhân của ông mà tôi vốn rất mến mộ.
Trước đó, tôi từng nghe cô đồng nghiệp vốn là phóng viên y tế kể: "Anh Tuấn làm từ thiện nhiều năm rồi chị ạ, rất có tâm với các trẻ em vùng sâu vùng xa. Chị mà nói chuyện với anh ấy về chủ đề này thì cả ngày không hết…". Đó là lí do tôi nán lại trò chuyện thêm với vị bác sĩ về tình yêu với trẻ em, đặc biệt là trẻ em khốn khó. Hôm ấy, ông Tuấn bày tỏ tâm tư về khoảng cách giàu nghèo còn chênh lệch quá, vì thế, ông hay đi vùng sâu xa để mổ tim miễn phí. Ông ấy kể về nỗi xót xa khi nhìn cảnh trẻ em ăn cơm phải bốc bằng tay, đã thiếu ăn càng thiếu mặc, phải ngủ đất, đi học đường xá xa xôi, trèo đèo, lội suối. Ông ấy cũng nói với tôi rằng ông cảm thấy đau lòng trước thực tế tiền in sách giáo khoa mỗi năm lãng phí cả nghìn tỷ đồng, trong khi vẫn còn khoảng 24% đồng bào miền núi thuộc diện nghèo, và 8% trẻ em dưới 14 tuổi bị mù chữ...
Câu chuyện bên hành lang nghị trường ngày hôm ấy tôi đã mang chia sẻ lên facebook cá nhân và được nhiều bạn bè, đồng nghiệp comment với sự trìu mến, ái mộ, khen ngợi người bác sĩ tài ba, tâm huyết. Tôi còn nhớ một người bạn tôi comment rằng: "Bác này rất đáng nể. Dám to tiếng vì nhiều việc lớn. Tớ chỉ mong có 1/5 số đại biểu Quốc hội như bác này…"
Nhưng đó là câu chuyện êm ái của năm 2018.
Cũng thời điểm đó, bố nuôi của cô bạn thân tôi là giám đốc một đài truyền hình đã được bác sĩ Tuấn kịp thời đặt thành công stent mạch vành. Cô ấy kể rằng bố nuôi của cô ấy mừng rơi nước mắt sau ca phẫu thuật: "Nếu không có Tuấn, bố đã sang thế giới bên kia lâu rồi".
Thời điểm ấy, tôi cũng như nhiều người biết đến ông Tuấn với biệt danh "Tuấn tim", một biệt danh đầy đủ về vị bác sĩ tài năng hàng đầu, có bàn tay vàng trong làng phẫu thuật tim, cứu sống rất nhiều người bệnh.
Tôi cũng đọc một bài báo viết về gia đình có nền tảng ngành y của ông Tuấn. Ngay từ nhỏ, cậu bé Tuấn đã được tiếp xúc với những từ rất y học như: điều trị, lâm sàng, chẩn đoán, bệnh học... từ các anh, chị làm bác sĩ của mình khi họ trò chuyện với nhau. Cơ duyên với nghề y đến với Tuấn khi được tặng cuốn sách Cuộc đời và sự nghiệp của GS.Tôn Thất Tùng, trong đó viết về những ca mổ tim đầu tiên của người bác sĩ tài danh ấy có sức hút đặc biệt với Tuấn. Và, Tuấn thi đậu Đại học Y.
Đam mê ngành y, Tuấn trở thành một chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam, từng tốt nghiệp xuất sắc Đại học Toulouse, thậm chí từ chối làm việc ở nước ngoài để trở về Việt Nam cống hiến. Học tập và luyện nghề không mệt mỏi, Nguyễn Quang Tuấn đã trở thành một giáo sư đầu ngành, là người thầy, người bác sĩ giỏi cứu sống nhiều người, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, được đồng nghiệp quý mến, được nhiều người biết ơn và ngưỡng mộ. Nguyễn Quang Tuấn từng là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; từng giành Giải Nhất Nhân tài đất Việt về lĩnh vực y tế với đề tài "Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (phương pháp đặt stent)"; là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016; Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội; Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội; Ủy viên Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc - Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương; Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam; Thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á -Thái Bình Dương (FAPSIC); Thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ (FSCAI); được phong hàm Giáo sư chuyên ngành Nội Tim mạch năm 2018…
Nhưng…
Ngày 21/10/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn – khi đó đang là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - do vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Ngày 17/4/2023, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa mở phiên sơ thẩm xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 người cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Nhà nước thiệt hại gần 54 tỉ đồng.
Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình, thừa nhận nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố là đúng, không oan. Trong đó, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn thừa nhận việc chỉ định thầu để đưa vật tư vào bệnh viện là sai nhưng cho biết là bị cáo "không còn cách nào khác"!
Còn nhớ, trước khi bị bắt, ông Tuấn đã từng chia sẻ với báo chí về vụ việc đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như thế này: "Thời điểm 2016, theo phân cấp quản lý, việc giám đốc là người trực tiếp ký các văn bản thủ tục đấu thầu là đúng với chức trách và nhiệm vụ. Tôi hoàn toàn tin tưởng giao phó cho những người có chức năng nhiệm vụ cung ứng trang thiết bị vật tư cho bệnh viện thực hiện những công việc liên quan tới công tác đấu thầu, xác định giá... Do không trực tiếp tham gia điều hành các công việc liên quan tới hoạt động đấu thầu, tôi tự nhận thấy thiếu sót của mình trong trách nhiệm người đứng đầu, đã không hiểu rõ và nắm được hết các sai phạm có thể xảy ra trong quá trình xây dựng giá, kế hoạch, quy trình lựa chọn nhà thầu của cấp dưới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quy định còn chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều khoảng trống về hướng dẫn thực hiện, các bệnh viện vẫn vừa làm vừa học hỏi và vận dụng theo một cách chung mà sau này mới nhận thức ra đó là cách làm chưa chuẩn xác".
Những biện bạch của ông Tuấn không chỉ là nỗi niềm của riêng ông, mà nó là một thực trạng không quá xa lạ của không ít những nhà chuyên môn rơi vào vòng "phải làm quản lý", cũng không ít người vì thế mà vô tình hoặc cố ý sai phạm.
Sai thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhưng không thể không tiếc cho một bác sĩ tài năng.
Nếu giờ này không đứng trước tòa nghe xét xử, thì ông Tuấn hẳn sẽ đang trong một ca mổ tim cứu người, hay trong một diễn đàn y khoa để chia sẻ hoặc hấp thụ tinh hoa trong nghề với đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Nhưng, ông Tuấn hôm nay, trong bộ quần áo xanh, chân đi dép tổ ong, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt khắc khổ, ưu tư, "đôi bàn tay vàng" trước đây đang líu ríu bấu vào nhau trước tòa… Còn đâu vóc dáng thẳng thớm, vững chãi, ánh mắt tự tin khi tôi phỏng vấn ông nhiều năm trước?!
Tôi đã nghe không ít người cảm thán: "Nhìn hình ảnh bác sĩ tài hoa tóc bạc trắng thấy buồn quá!", hay "Xót quá, giáo sư khoa học cứu sống bao nhiêu người nay vướng vòng lao lý"…
Câu chuyện nhà chuyên môn tài năng rơi vào vòng "phải làm quản lý" và rơi tiếp vào vòng lao lý là một câu chuyện buồn, tiếc mà bao người dành cho cựu bác sĩ tim này.
Phiên toà xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Quang Tuấn và các đồng phạm dự kiến kéo dài 5 ngày.
Sẽ có một bản án đúng người đúng tội dành cho những sai phạm mà dù vô tình hay cố ý cũng làm nhói buốt trái tim bao người yêu mến ông, đặc biệt là hàng ngàn bệnh nhân đã từng được ông cứu sống.
Cũng có nghĩa, trong một khoảng thời gian không hề ngắn nữa, ông Tuấn không còn cơ hội cứu người. Nhưng tôi nghĩ, ông vẫn còn cơ hội cứu chính mình. Bởi, ông Tuấn từng nói thế này: "Điều day dứt nhất của tôi là một bác sĩ có sứ mệnh chữa bệnh cứu người, một trí thức luôn coi trọng danh dự, hơn 30 năm qua đã cống hiến quên mình cho sự nghiệp, hết lòng vì người bệnh. Tôi thực sự dằn vặt, khổ tâm vì những sơ xuất do chưa sát sao, thiếu chặt chẽ và chưa đúng của mình. Tôi cũng tự nhận thấy vì quá tập trung vào chuyên môn như chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy... nên đã lơi lỏng trong công tác quản lý. Điều ân hận nhất là do bản thân hạn hẹp về kiến thức kinh tế, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm nên đã để xảy ra những sai sót đau lòng không đáng có, để một số nhân viên của mình bị rơi vào vòng lao lý, để nhân dân thất vọng vì mình".
Thất vọng thì có, nhưng tôi cũng như nhiều người, vẫn hi vọng, sẽ có ngày, khi đã trả xong món nợ lao lý, ông Tuấn với đôi bàn tay vàng ấy lại tiếp tục cứu người, tiếp tục sứ mệnh giữ sự sống cho đồng bào…
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-tiec-nuoi-cho-mot-tuan-tim-179230418004907585.htm