Những "tác dụng phụ" từ lệnh cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga
Để tất cả các thành viên Liên minh châu Âu đồng thuận thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, trong đó có cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu đã khó, nhưng còn khó hơn nữa là xử lý các "tác dụng phụ" do gói trừng phạt này gây ra.
Trong hơn một thập kỷ gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã phải nhiều lần "gồng mình" để đưa nền kinh tế của Khối vượt khó và vượt qua cả những bất đồng, chia rẽ nội bộ khi xử lý mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cả Liên minh.
Để đạt được sự đồng thuận thực hiện gói cấm vận thứ sáu, trong đó có lệnh giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, 27 thành viên EU đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, điều khó hơn nữa vẫn còn đang ở phía trước. Đó là xử lý các "tác dụng phụ" do gói trừng phạt này gây ra bởi nhiều thành viên EU có mức độ phụ thuộc rất lớn về dầu và khí nhập khẩu từ Nga.
Năm 2020, lượng dầu thô EU nhập khẩu từ Nga chiếm 29%, trong khi đó, Mỹ - nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của EU cũng chỉ ở mức 9%.
Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 25% dầu từ Nga.
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã nhập khẩu 35 tỉ euro năng lượng Nga.
Bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất nội khối
Giữ gìn sự vẹn toàn của Khối là vấn đề được EU hết sức coi trọng, đặc biệt sau khi diễn ra sự kiện Anh chia tay Liên minh này (Brexit).
EU cũng từng trải qua giai đoạn khó khăn khi xử lý những bất đồng giữa các quốc gia thành viên liên quan đến vấn đề nợ công, đặc biệt là nợ công của Hy Lạp - hệ luỵ của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008.
Quá trình đàm phán không hề suôn sẻ của 27 thành viên EU để đạt được sự đồng thuận đối với lệnh trừng phạt giảm 2/3 lượng dầu nhập từ Nga cho thấy:
Thứ nhất, nhiều quốc gia chưa chuẩn bị sẵn sàng để nền kinh tế của mình vượt khó khi không có nguồn dầu giá rẻ từ Nga. Sự phụ thuộc vào nguồn dầu nhập từ Nga cũng như thiệt hại đối với nền kinh tế khi mất nguồn cung dầu này của các quốc gia thành viên rất không giống nhau nên khả năng chống chịu của các nền kinh tế cũng khác nhau.
Thứ hai, quá trình đàm phán khó khăn cho đến phút chót với những thoả hiệp nhất định cho thấy, quyết định này thiên về sự nỗ lực chính trị hơn là mức độ chín muồi về mặt kinh tế, bảo vệ môi trường.
Tờ Financiele Dagblad - một tờ báo tài chính Hà Lan từng cho rằng quyết định cấm vận này sẽ tàn phá nền kinh tế Hà Lan. Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đây cũng từng đưa ra cảnh báo, việc cắt giảm đột ngột năng lượng nhập từ Nga sẽ khiến "toàn bộ châu Âu rơi vào suy thoái".
Bản thân EU cũng thừa nhận chưa đánh giá hết tác động của việc cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Thứ ba, sự nhân nhượng với một số quốc gia thành viên để đạt đồng thuận về lệnh trừng phạt có thể sẽ dẫn tới sự cạnh tranh không công bằng giữa các thành viên trong Khối. Sự nhân nhượng đó là chỉ cấm nhập dầu qua đường biển và vẫn cho phép một số nước, do có vị trí địa lý đặc thù nằm sâu trong đất liền, không giáp biển, được tiếp tục nhập dầu của Nga qua đường ống dẫn dầu mang tên Druzhba. Còn những quốc gia khác phải đi tìm nguồn cung mới với giá cao hơn nhiều.
Chẳng hạn, dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 93 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức giá khoảng 120 USD/thùng của dầu thô Brent. Đó là chưa kể Hy Lạp, Síp và Malta lập luận rằng các quy định mới này ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty vận tải biển của mình.
Sự cạnh tranh không công bằng là một yếu tố dễ ảnh hưởng tới sự đoàn kết nội khối.
Tính cạnh tranh của nền kinh tế giảm
Việc EU bù đắp sự thiếu hụt dầu mỏ từ Nga bằng cách đẩy mạnh chuyển hướng sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là tin tốt đối với môi trường và thoả thuận chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trước mắt, điều đó làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao.
Với việc cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập từ Nga và bù đắp sự thiếu hụt trước mắt bằng nguồn khác giá cao hơn sẽ khiến EU phải chi thêm một lượng tiền không nhỏ. Theo số liệu của một công ty nghiên cứu của Na Uy Rystad Energy, EU sẽ phải chi thêm ít nhất 2 tỉ USD mỗi tháng.
Đó là chưa kể đến gánh nặng tài chính mà EU đang phải chịu do hậu quả của đại dịch COVID-19, chi phí ủng hộ Ukraine cũng như cho việc tiếp nhận khoảng trên 5 triệu người dân tị nạn từ đất nước này đến EU.
Nhiều chính phủ đã đưa ra các chương trình chi tiêu lớn để bảo vệ các hộ gia đình khi giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, ngay cả khi kinh tế của EU không bị suy thoái, cú sốc năng lượng vẫn sẽ là lực cản không nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân
Lệnh giảm nhập khẩu dầu mỏ được cho là sẽ đẩy giá dầu tăng thêm 15-20 USD/thùng, khiến người tiêu dùng EU phải chi tiêu nhiều hơn cho nhiên liệu. Mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn sau khi giá năng lượng tăng vọt, làm tăng tốc độ lạm phát.
Thực tế cho thấy, lạm phát của Khu vực sửdụng đồng tiền chung châu ÂU (Eurozone) trong tháng năm đã chạm mức cao kỷ lục: 8,1%. Thế nhưng, theo nhận định trên Báo Izvestia (Nga), đó mới chỉ là bước khởi đầu. Gói trừng phạt thứ sáu của EU đối với Nga sẽ khiến lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
Theo Phó Giáo sư Sergey Chernikov (Đại học Hữu nghị nhân dân Nga), các quá trình diễn ra tại EU trong 18 tháng tới sẽ tương tự như những quá trình mà Nga từng trải qua vào đầu những năm 1990. Cụ thể là một bộ phận dân số sẽ lâm vào cảnh đói nghèo, trong khi chính phủ phải hủy bỏ nhiều gói phúc lợi an sinh xã hội.
Còn trên tờ Wall Street Journal, giới phân tích đánh giá rằng, lệnh cấm vận này là một chiến lược có độ rủi ro cao đối với EU, vì một mặt buộc Liên minh này phải tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, mặt khác thổi bùng lạm phát vốn đã ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua ở cả EU và nền kinh tế số một thế giới.
Ngày 10/6, Chủ tịch ngân hàng Bundesbank (Đức) Joachim Nagel đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần có "hành động kiên quyết" để kiềm chế giá cả tăng vọt.
Tỷ lệ lạm phát của Đức - nền kinh tế lớn nhất EU tăng lên 7,1% trong năm 2022, cao hơn đáng kể so với mức 3,6% được đưa ra trong một dự báo hồi tháng 12/2021. Ông Nagel cũng cảnh báo: "Lạm phát năm nay thậm chí sẽ còn mạnh hơn so với những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước".
Theo dự báo của Bundesbank, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Đức sẽ chỉ đạt 1,9% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo 4,2% được đưa ra trước đó.
Như vậy, với Nga, gói trừng phạt thứ sáu của EU sẽ khiến nước này mất đi một thị trường tiêu thụ dầu lớn và ổn định. Nga sẽ phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và có thể đứng trước khả năng giảm sản lượng dầu khai thác, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi thực hiện xuất khẩu dầu… Tuy nhiên, EU và nền kinh tế thế giới cũng phải gánh chịu những hậu quả không kém phần nặng nề chưa thể lường hết. Cuộc sống của người dân vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nay lại rơi vào vòng xoáy tăng giá./.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-tac-dung-phu-tu-lenh-cat-giam-nhap-khau-dau-tu-nga-179220612153518452.htm