Những phản ứng trái chiều với giá xăng giảm
Sau nhiều đợt xăng giảm giá, giá cả hàng hóa trên thị trường đã bắt đầu rục rịch giảm giúp người dân vơi bớt nỗi lo tăng chi tiêu. Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại kêu lỗ, khó khăn...
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Càng kinh doanh càng lỗ
Ngày 12/9, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã công bố giá xăng cơ sở mới. Theo đó, xăng RON 95 giảm 1.020 đồng/lít, về mức 23.210 đồng; xăng E5 RON 92 giảm 1.120 đồng/lít, về mức 22.230 đồng.
Dầu diesel cũng giảm 1.000 đồng/lít, về mức 24.180 đồng; dầu hỏa giảm 1.030 đồng/lít, về mức 24.410 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.040 đồng/kg, chỉ còn 15.030 đồng.
Tại lần điều chỉnh này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính trích lập quỹ bình ổn với xăng là 451 - 493 đồng/lít.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, trong quý II (từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6), tổng số tiền trích quỹ bình ổn giá xăng dầu là hơn 1.007 tỉ đồng, trong khi tổng sử dụng quỹ là trên 526 tỉ đồng. Trước đó, số dư quỹ bình ổn giá xăng tại cuối tháng 3 âm gần 170 tỉ đồng. Tổng lại, số dư quỹ bình ổn xăng dầu đến cuối tháng 6 dương hơn 310 tỉ đồng. Tuy đã hết âm nhưng số dư quỹ được cho là quá thấp khiến dư địa sử dụng để hạ nhiệt giá xăng thời gian tới sẽ không còn nhiều.
Với mức giá xăng hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ do chiết khấu giảm, càng kinh doanh càng lỗ. Bên cạnh đó, nguy cơ tái diễn tình trạng khan hàng, “găm hàng” xăng dầu vẫn có thể xảy ra.
Người dân phấn khởi, hàng hóa giảm giá, siêu thị nhiều khuyến mãi
Giá xăng giảm mạnh đã giúp người dân phấn khởi, không còn lo giá thực phẩm tăng theo giá xăng khiến việc chi tiêu khó khăn.
Tại chợ truyền thống, nhiều mặt hàng đã giảm ngay khi giá xăng giảm. Tại chợ Phùng Khoang (Hà Nội), giá rau xanh, thịt lợn đều giảm từ 7-10% so với trước đó. Cụ thể, một tiểu thương cho biết mua lợn móc hàm giảm từ 97.000 - 98.000 đồng/kg còn 93.000 đồng/kg. Vì vậy, giá thịt lợn bán lẻ cũng đã giảm khoảng 8% xuống còn 120.000 đồng/kg.
Không chỉ tại các khu chợ truyền thống, sau khi giá xăng giảm sâu, các hệ thống siêu thị lớn cũng đã hạ giá nhiều mặt hàng hoặc tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, chiết khấu vào giá thành bán hàng. Theo các doanh nghiệp, mức giảm giá và khuyến mại lên đến khoảng 25%.
Cụ thể như tại siêu thị Big C, một số mặt hàng rau xanh, thịt tươi sống, trái cây cũng giảm từ 10-15% so với trước. Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C và GO! khu vực miền Bắc, cho biết: "Giá các mặt hàng có giá vốn chịu ảnh hưởng nhiều từ giá xăng dầu đã giảm rõ rệt. Ví dụ như mặt hàng trái cây giao đến hệ thống siêu thị của chúng tôi trong 2 tháng qua đã giảm từ 5-12%. Tương tự, các mặt hàng thủy hải sản giảm từ 5-15%".
Còn tại Ubofood, Bà Lương Thuý Chinh - Phó Giám đốc Ubofood Hà Nội cho biết, ngay cả khi giá xăng tăng trên 30.000 đồng/lít, Ubofood cũng không tăng giá bán hàng hóa đối với người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: rau xanh, thịt, cá... Vì vậy, hiện, khi giá xăng giảm mạnh, Ubofood Hà Nội vẫn giữ giá bán như trước, nhưng thêm vào đó là các chương trình ưu đãi hấp dẫn thông qua hình thức tặng quà.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-phan-ung-trai-chieu-voi-gia-xang-giam-179220915150544913.htm