Những người "đưa đò" đặc biệt
Không chỉ làm tốt việc dạy học, nhiều giáo viên đảm nhiệm thêm công việc chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật, tổ chức hoạt động giáo dục hòa nhập cho học sinh khi đến trường. Vượt lên rào cản, khó khăn và cả những áp lực, các nhà giáo đang viết tiếp hành trình gieo chữ, chăm sóc, bù đắp cho học sinh khuyết tật.
"Mẹ của em ở trường…"
Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, chuyên môn tốt, cô giáo Vi Thị Kim (sinh năm 1987, Trường Tiểu học thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) được xem như người mẹ thứ 2 của những trẻ khiếm khuyết. Từ năm học 2014-2015 đến nay, cô đã dạy 7 học sinh khuyết tật ở các Trường: Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hà Lâu, Tiểu học thị trấn Tiên Yên.
Năm 2015, chúng tôi có dịp gặp cô giáo Kim trong một lần lên công tác ở xã Hà Lâu. Trong tiết trời ngày mưa phùn cuối đông se se lạnh, chúng tôi và cô giáo Kim đã có cuộc trò chuyện khá cởi mở về những khó khăn, vất vả, áp lực khi dạy những học sinh khuyết tật.
Ấn tượng của chúng tôi về cô giáo Kim là sự dịu dàng với học trò, thân ái với đồng nghiệp, lối sống giản dị, sôi nổi trong các tiết học, tràn đầy nhiệt huyết với nghề "trồng người". Khi kể về những cô, cậu học trò đáng yêu nhưng cũng đáng thương của mình, cô giáo Kim thường không giấu nổi sự xúc động. Chỉ có tình thương thật sự mới tạo nên sự gắn kết giữa cô giáo và học sinh đặc biệt ấy.
Đến nay sau hơn 8 năm gặp lại tại Trường Tiểu học thị trấn Tiên Yên, chúng tôi thấy cô giáo Kim vẫn yêu nghề, yêu trò như vậy. Những tiết học của cô luôn tạo được sự gắn kết giữa cô và trò.
Học sinh khuyết tật khi học ở lớp cô giáo Kim luôn có cảm giác thoải mái, vui vẻ, được quan tâm như chính trong ngôi nhà của mình. Sau 9 năm giảng dạy, với 7 học sinh khuyết tật, cô giáo Kim đã trải qua rất nhiều cảm xúc buồn, vui.
Cô tâm sự: "Học sinh càng yếu thì tôi càng thương, bởi các em thiệt thòi rất nhiều so với các bạn. Trong suốt những năm tháng dạy học, tôi luôn quan niệm dạy làm sao để học sinh hiểu, chứ không phải chỉ dạy cho hết bài".
Lớp cô giáo Kim chủ nhiệm năm nay có em P.H.V bị câm điếc. Tìm hiểu thể trạng của em, cô giáo Kim thấy em V không thể tiếp thu được kiến thức môn học như các bạn khác, nên cô đã điều chỉnh kế hoạch giáo dục cá nhân sao cho phù hợp với V, không tạo áp lực học tập, không gây căng thẳng cho em.
Quan sát tiết học của lớp, ban đầu chúng tôi thấy V chưa thực sự tập trung, ánh mắt lơ đãng. Nhưng khi được cô Kim dành sự động viên, quan tâm, V đã chú ý vào bài hơn, em dần có sự tương tác tích cực với cô và các bạn trong các hoạt động tập thể.
"Lúc mới nhận lớp, nhìn đôi mắt ngây thơ, những ước mong không thể diễn đạt thành lời của em V, tôi cảm nhận được nỗi buồn của bố mẹ em khi có con bị khiếm khuyết. Vì thế, ở trên lớp tôi luôn dành cho V sự quan tâm, luôn nở nụ cười và hướng ánh mắt trìu mến với em. Tôi nghĩ, trước khi là cô giáo thì phải tạo sự thân thiện, gần gũi để em cảm thấy tin tưởng cô, mạnh dạn hơn, tự tin hòa nhập và học tập, vui chơi cùng tập thể" - Cô giáo Kim chia sẻ.
Cô giáo Kim luôn coi học sinh khuyết tật như chính những người thân yêu của mình. Bằng tình yêu chân thành, hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật được cô xem như trải nghiệm quý báu trong nghề dạy học.
Mặc dù đôi khi gặp không ít áp lực - một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét, không hiểu ý của giáo viên, khiến công việc dạy học thêm phần vất vả, nhưng bằng tình thương, sự chia sẻ, cô giáo Kim dần vượt qua mọi khó khăn để dìu dắt những học sinh không may bị khuyết tật trên con đường hướng tới tương lai.
Cô giáo Kim kể: "Tôi đã từng dạy em T.V.P, khuyết tật trí tuệ trong suốt 4 năm tiểu học. Rất vui là nhờ có sự hỗ trợ, bảo ban của tôi, em đã tiến bộ, hòa nhập tốt hơn khi đến trường. Em đã lên cấp trung học cơ sở, song tôi và phụ huynh của em vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Tôi vẫn hỏi thông tin về em T.V.P cũng như những học sinh khuyết tật mà tôi đã từng chủ nhiệm".
Hành trình gieo chữ, chữa lành
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có không ít tấm gương giáo viên ngày ngày đang miệt mài hành trình gieo chữ, chữa lành cho những học sinh khuyết tật. Điển hình như các cô giáo: Hoàng Thị Hồng Vân (Trường Tiểu học Yên Thanh, thành phố Uông Bí); Bùi Thị Lý (Trường Trung học cơ sở Bái Tử Long, thành phố Cẩm Phả)… Trái tim yêu nghề đã khiến mọi nhọc nhằn, khó khăn của các thầy,cô giáo trở thành niềm vui.
Cô giáo Bùi Thị Lý chia sẻ: "Tôi đã gắn bó và dạy nhiều học sinh khuyết tật. Mỗi em có những khiếm khuyết riêng. Có em khuyết tật trí tuệ, gặp khó khăn trong giao tiếp; có em thì bị tăng động, hay la hét. Dù các trò có yếu thế nào, tôi vẫn luôn yêu thương các em. Đối với tôi, niềm hạnh phúc nhất là khi những đứa trẻ đặc biệt có thể hòa nhập, được đến trường học tập như các bạn đồng trang lứa và đứng vững trên đôi chân mình để bước vào đời. Đó cũng là tâm niệm của nhiều thầy cô giáo giống như tôi đang từng ngày nỗ lực đưa những em nhỏ khuyết tật hòa mình với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội".
Kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của em H.M.B, khuyết tật trí tuệ nặng, học sinh mà cô chủ nhiệm suốt 4 năm qua, cô giáo Lý nói: "Em B gặp khó khăn trong nhận thức, tư duy, giao tiếp; hay mặc cảm, khó gần gũi, thậm chí đôi khi rối loạn tâm lý, có những hành động khác thường, như đánh bạn, cáu gắt, hoảng loạn. Em vẫn có thể tự phục vụ bản thân, đi lại và làm những việc đơn giản, nhưng luôn cần sự hỗ trợ đặc biệt trong học tập. Những năm đầu khi mới vào lớp 6, nếu không thấy thích, em không hợp tác, không trả lời và không muốn tham gia các hoạt động vui chơi của lớp. Vì thế, khi giảng dạy, tôi lựa chọn những câu hỏi thích ứng với nhận thức của em".
Suốt 4 năm qua, cô giáo Lý luôn kiên trì, nỗ lực, chỉ dạy, bảo ban B từng điều nhỏ nhất. Bây giờ, B đã tự ý thức được bản thân, chuẩn bị sách vở, đồ dùng cá nhân, đi học đúng giờ, lắng nghe những điều thầy cô giáo dạy bảo; tham gia một số hoạt động vui chơi cùng các bạn trong lớp. B đã biết bộc lộ những tình cảm, cảm xúc của bản thân với mọi người xung quanh. Em đã thực sự hòa nhập được với các bạn học sinh khác.
Trong quá trình dạy ở trên lớp, cô giáo Lý luôn chủ động tìm tòi các phương pháp giảng dạy phù hợp với trẻ khuyết tật, giúp các em hiểu bài hơn, ghi nhớ lâu hơn. Cô thường sử dụng hình ảnh, hoạt hình, những bài hát vui nhộn để giải trí cho các em trong lúc học tập, tạo động lực cho các em phát huy tiềm năng bản thân. Những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của học sinh và niềm vui của các phụ huynh chính là động lực để cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
Cô giáo Lý tâm sự: Giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật là một nhiệm vụ quan trọng và đầy tính nhân văn của ngành Giáo dục. Mang đến cơ hội cho học sinh khuyết tật tiếp cận giáo dục bình đẳng, học tập tại nơi mình sinh sống, không bị tách biệt khỏi môi trường giáo dục thông thường, không chỉ có ý nghĩa với gia đình các em, mà còn với chính trẻ khuyết tật và toàn xã hội. Đây là điều kiện giúp học sinh khuyết tật sớm được can thiệp và khắc phục những khiếm khuyết của mình, tự tin hòa nhập vào cộng đồng.
Trong cuộc sống hôm nay với luôn bộn bề những lo toan và áp lực, sự tâm huyết với nghề giáo và với các học sinh khuyết tật của các cô giáo Bùi Thị Lý, Vi Thị Kim thật đáng trân trọng. Các cô đã tạo ra sức lan tỏa tích cực, giúp tương lai của các học sinh khuyết tật được mở ra tươi sáng hơn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-nguoi-dua-do-dac-biet-179230403142945467.htm