Những loại thẻ ngân hàng thông dụng tại Việt Nam và lưu ý để giao dịch an toàn với thẻ ngân hàng
Thẻ ngân hàng được hiểu như một phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán qua ngân hàng bên cạnh các phương tiện thanh toán khác như tiền mặt, séc, lệnh chi (ủy nhiệm chi), ủy nhiệm thu. Có nhiều cách để phân biệt các loại thẻ ngân hàng.
Phân loại thẻ ngân hàng
Theo phạm vi lãnh thổ sử dụng thẻ, bao gồm: thẻ nội địa và thẻ quốc tế
Việc phân loại thành thẻ nội địa hay thẻ quốc tế là dựa trên phạm vi chủ thẻ có thể sử dụng thẻ, còn về mặt tính năng thì cả thẻ nội địa hay thẻ quốc tế đều có thể là thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước.
Thẻ nội địa được sử dụng để rút tiền mặt hoặc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ và sử dụng các dịch vụ khác trong nước.
Thẻ quốc tế được sử dụng để rút tiền mặt hoặc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ và sử dụng các dịch vụ ở cả trong nước và ở nước ngoài. Các thương hiệu thẻ quốc tế đã được các ngân hàng tại Việt Nam phát hành là Visa, MasterCard, JCB, American Express, UP. Khi có nhu cầu thanh toán trong các chuyến công tác, du lịch hoặc phục vụ cho học tập, mua sắm ở nước ngoài thì thẻ quốc tế là một lựa chọn tiện dụng và hiệu quả cho khách hàng.
Tuy nhiên, hiện nay, thông qua kết nối của tổ chức chuyển mạch thẻ trong nước là Banknetvn với các tổ chức chuyển mạch ở nước ngoài, thẻ nội địa của một số ngân hàng ở Việt Nam phát hành đã có thể sử dụng để giao dịch tại các máy giao dịch tự động (ATM) và các điểm chấp nhận thẻ ở một số nước khác. Điều này cho thấy sự phát triển về mặt công nghệ, kỹ thuật và các quan hệ hợp tác, liên kết của hệ thống thanh toán thẻ của Việt Nam với thế giới, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ cho các chủ thẻ Việt Nam.
Theo nguồn tài chính đảm bảo cho việc sử dụng thẻ, bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước
Thẻ ghi nợ (debit card) là loại thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán của chủ thẻ mở tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép nhận tiền gửi không kỳ hạn.
Thẻ loại này ban đầu được biết đến là thẻ rút tiền mặt, với tính năng rút tiền mặt từ tài khoản thanh toán của chủ thẻ tại máy ATM, vì thế loại thẻ này thường được gọi là thẻ ATM. Thay vì trước kia, chủ thẻ phải đến quầy giao dịch ngân hàng, xếp hàng theo thứ tự để làm thủ tục rút tiền thì giờ đây chủ thẻ chỉ cần đến máy ATM (của ngân hàng mình hoặc các ngân hàng có liên kết), thực hiện thao tác đút thẻ vào máy, nhập mã số bảo mật (PIN), nhập số tiền cần rút và nhận tiền. Chính vì tiện ích “giao dịch tự động” này mà chủ thẻ có thể thực hiện việc rút tiền mặt vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, ngay cả ngoài giờ làm việc, trong các ngày nghỉ, lễ, tết.
Từ thẻ ATM với tính năng đơn giản là rút tiền mặt, các ngân hàng đã phát triển thẻ ghi nợ với thêm nhiều tính năng đa dạng hơn. Vẫn tích hợp đầy đủ các tiện ích của thẻ ATM như: rút tiền, kiểm tra số dư, chuyển khoản..., thẻ ghi nợ hiện nay còn được sử dụng để mua hàng hoá tại siêu thị hoặc thanh toán hoá đơn tại các nhà hàng; đặc biệt có thể sử dụng trong thanh toán các giao dịch trực tuyến trên internet (đặt mua vé máy bay, mua hàng trên các trang thương mại điện tử…) với thao tác thực hiện đơn giản, dễ dàng.
Với đặc điểm được phát hành dựa trên tài khoản thanh toán của khách hàng, “có bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu” nên chủ thẻ hoàn toàn chủ động chi tiêu trong phạm vi số tiền trong tài khoản của mình. Tuy nhiên, chủ thẻ cũng cần lưu ý việc quản lý số dư trong tài khoản để chắc chắn rằng các giao dịch của mình được thực hiện.
Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.
Thông thường, thẻ tín dụng được ngân hàng cấp cho chủ thẻ với một hạn mức nhất định dựa trên cơ sở đánh giá và thẩm định uy tín tín dụng, mức lương hàng tháng của chủ thẻ hoặc số tiền ký quỹ hay tài sản mà chủ thẻ đảm bảo tại ngân hàng.
Với đặc điểm là “chi tiêu trước, trả tiền sau”, thẻ tín dụng hỗ trợ đắc lực cho chủ thẻ thực hiện nhanh chóng các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ hay trên các website thương mại điện tử. Định kỳ đến một ngày nhất định theo quy định của từng ngân hàng, ngân hàng gửi một bảng kê cụ thể các khoản chi tiêu trong tháng trước đó của chủ thẻ tín dụng và yêu cầu chủ thẻ thanh toán. Chủ thẻ có thể chọn thanh toán số tiền trước thời hạn ghi trong thông báo, khi đó chủ thẻ không phải trả lãi. Nếu không, chủ thẻ có thể lựa chọn trả số tiền tối thiểu, phần còn lại có thể trả từ từ và sẽ bị tính lãi theo quy định của ngân hàng.
Các ngân hàng thường phân thẻ tín dụng theo hạng nhằm quản lý đối tượng khách hàng như thẻ chuẩn (standard), thẻ vàng (gold), thẻ bạch kim (platinum)… Chủ thẻ sử dụng thẻ tín dụng có phân hạng càng cao thì được hưởng càng nhiều ưu đãi và dịch vụ chất lượng hơn.
Thẻ trả trước (prepaid card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền mà chủ thẻ đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ. Điều đó có nghĩa là, khi chủ thẻ có một chiếc thẻ trả trước thì có thể “nạp tiền” vào thẻ qua các kênh của ngân hàng và chi tiêu trên số tiền đã nạp đó.
Thẻ trả trước bao gồm thẻ trả trước xác định danh tính (thẻ trả trước định danh) và thẻ trả trước không xác định danh tính (thẻ trả trước vô danh). Điểm khác biệt cơ bản về tính năng giữa thẻ trả trước vô danh và thẻ trả trước định danh là sau lần nạp tiền lần đầu, thẻ trả trước vô danh sẽ không được nạp thêm tiền và chỉ được sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ, số dư trên một thẻ trả trước vô danh không được vượt quá năm triệu đồng Việt Nam theo quy định hiện hành.
Các loại thẻ trả trước hiện nay chủ yếu sử dụng để thanh toán chi phí mua xăng, dầu, dịch vụ giải trí, dịch vụ giao thông - vận tải và thanh toán trên các website thương mại điện tử.
Ngoài ra, nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện loại thẻ phi vật lý (thẻ ảo - virtual card) mà tổ chức phát hành thẻ cấp cho chủ thẻ để giao dịch qua internet, điện thoại di động mà không cần in ra thẻ vật lý (thẻ nhựa thông thường).
Một số lưu ý để giao dịch an toàn với thẻ ngân hàng
Nguyên tắc chung khi sử dụng thẻ ngân hàng:
Khi nhận thẻ, cần thực hiện kiểm tra các thông tin trên thẻ để đảm bảo đúng với các thông tin đã đăng ký.
Đổi ngay mã số cá nhân (PIN) đối với các thẻ ghi nợ mà ngân hàng cung cấp tại máy ATM để kích hoạt thẻ.
Không đặt mật khẩu có liên quan đến các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe…
Không ghi mật khẩu lên thẻ hoặc gần nơi để thẻ để tránh việc lộ thông tin và bị lợi dụng. Luôn bảo mật thẻ và PIN của thẻ trong mọi trường hợp. Không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác trừ những nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thẻ được chỉ định làm việc cùng;
Không tiết lộ các thông tin in trên hai mặt trước và sau thẻ cũng như số PIN cho bất cứ ai.
Khi thực hiện giao dịch sử dụng PIN, lưu ý đảm bảo không ai nhìn thấy số PIN khi thực hiện giao dịch (bằng cách che bàn phím). Nên đổi số PIN thường xuyên. Nếu nhập sai PIN 3 lần liên tiếp, thẻ sẽ bị khóa để đảm bảo an toàn.
Đăng ký và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của các ngân hàng (i-B@nking, SMS B@nking...) để đảm bảo: Được thông báo các biến động liên quan đến tài khoản cá nhân hoặc hạn mức thẻ ngay khi một giao dịch thẻ được thực hiện; Chủ động khóa/mở tính năng chi tiêu trên internet đối với thẻ tín dụng quốc tế để kiểm soát các giao dịch thanh toán online; Kiểm tra chi tiết sao kê thẻ tín dụng quốc tế. Thông báo ngay cho ngân hàng những thay đổi về địa chỉ cư trú, địa chỉ gửi sao kê, thay đổi số điện thoại liên hệ, chữ ký…
Nguyên tắc bảo quản thẻ: Không bẻ cong thẻ, gấp thẻ; không để thẻ gần những thiết bị điện tử có thể phát sóng, từ tính mạnh có thể làm hỏng dữ liệu trên thẻ.
Bên cạnh đó, tránh làm xước băng từ màu đen ở mặt sau của thẻ; giữ thẻ cẩn thận và để thẻ ở vị trí có thể sớm phát hiện việc mất thẻ.
Nguyên tắc khi giao dịch tại máy ATM: Quan sát kỹ máy ATM trước khi thực hiện giao dịch, đặc biệt tại các vị trí: khe đọc thẻ, bàn phím, camera. Nếu nhận thấy máy ATM có các thiết bị lạ hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, ngừng giao dịch và thông báo ngay cho các ngân hàng qua hotline của các ngân hàng. Nên dùng tay che bàn phím khi nhập mật khẩu PIN. Cần đợi máy chi tiền ra, không nên bỏ đi ngay để tránh trường hợp máy ATM nhả tiền chậm và người khác có thể lấy được số tiền này.
Nguyên tắc khi thanh toán bằng thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ: Chú ý kiểm tra các thông tin trên hóa đơn thanh toán thẻ, đảm bảo các thông tin chính xác, đầy đủ. Chỉ ký nhận thanh toán khi đồng ý về tất cả các thông tin trên hóa đơn. Đảm bảo tất cả các giao dịch bằng thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ phải được tiến hành trước mắt. Đảm bảo được nhận lại thẻ sau khi thực hiện xong giao dịch tại các đơn vị chấp nhận thẻ. Giữ lại các hóa đơn thanh toán thẻ và các chứng từ có liên quan để phục vụ việc tra soát khiếu nại sau này (nếu có).
Nguyên tắc khi giao dịch thẻ để thanh toán trên Internet: Chỉ sử dụng thông tin thẻ để thanh toán tại các website uy tín, không nên sử dụng máy tính công cộng khi thực hiện các giao dịch thanh toán online. Đọc kỹ các chính sách của đơn vị trước khi đồng ý thanh toán. Luôn nhớ Thoát/Đăng xuất khỏi website sau khi kết thúc giao dịch.
Thẻ ngân hàng là phương tiện do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thỏa thuận.
Các tổ chức phát hành thẻ hiện nay bao gồm các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và một số công ty tài chính.
Với những tính năng ưu việt như gọn nhẹ, an toàn, thuận lợi, thẻ ngân hàng đã và đang được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.