Những điều cần biết về vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết sắp có ở Việt Nam
Vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết TAK-003 có khả năng tạo phản ứng miễn dịch đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên toàn cầu, giúp phòng bệnh và giảm nguy cơ nhập viện đối với những người mắc sốt xuất huyết. Đây sẽ là cú hích mạnh cho phòng, chống dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam.
Sớm có vaccine phòng, chống sốt xuất huyết
Theo VGP, hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC và Tập đoàn Takeda (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác chiến lược, với kỳ vọng sớm mang cơ hội tiếp cận vaccine sốt xuất huyết cho người dân Việt Nam.
Tại buổi ký kết, hai bên đã thống nhất triển khai nhiều hoạt động quan trọng, khẳng định chiến lược phát triển bền vững với mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học… nhằm thúc đẩy nhận thức, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế về các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, trong đó có vaccine sốt xuất huyết.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, ông từng chứng kiến nhiều vụ dịch, trường hợp tử vong do dịch sốt xuất huyết gây ra và hiểu hơn hết vai trò phòng nhiều bệnh truyền nhiễm của vaccine.
Hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm có vaccine sốt xuất huyết để giảm số ca mắc và tử vong do bệnh sốt xuất huyết gây ra, đồng thời góp phần đẩy lùi dịch bệnh một cách bền vững tại Việt Nam. Đồng thời mong muốn vaccine sốt xuất huyết sớm được đưa về Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng vaccine phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và yêu cầu về hiệu quả và an toàn để có thể sử dụng trong nước.
Đôi nét về vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết TAK-003
Để ngăn ngừa bệnh dịch sốt xuất huyết bùng phát, các biện pháp phòng bệnh như sát muỗi truyền bệnh, hướng dẫn và huy động cộng đồng có kiến thức tự bảo vệ bản thân là quan trọng. Đặc biệt, vaccine sốt xuất huyết không là biện pháp thần kỳ, duy nhất, tuy nhiên đây sẽ là cú hích mạnh cho phòng, chống sốt xuất huyết.
Vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda có tên là TAK-003 (được đăng ký thương hiệu là QDENGA), đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết tương tự Việt Nam như Indonesia, Brazil và gần đây là Thái Lan. TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam.
Vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết TAK-003 dựa trên virus sốt xuất huyết tuýp 2 sống giảm độc lực, cung cấp "xương sống" di truyền cho cả 4 loại virus vaccine.
Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine này có khả năng tạo phản ứng miễn dịch đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên toàn cầu, giúp phòng bệnh và giảm nguy cơ nhập viện đối với những người mắc sốt xuất huyết.
Trước đó, ngày 25/5/2021, Công ty Dược phẩm Takeda thông báo vaccine ngừa sốt xuất huyết Dengue (TAK-003) của Takeda đã chứng minh khả năng bảo vệ liên tục chống lại bệnh sốt xuất huyết và trong thời điều trị tại bệnh viện, bất kể người bệnh có tiếp xúc với bệnh sốt xuất huyết trước đó hay không; không có rủi ro đối với an toàn đáng kể nào được xác định trong 3 năm sau khi tiêm vaccine trong thử nghiệm Tiêm chủng hóa trị cuối giai đoạn 3 đang diễn ra trong Nghiên cứu hiệu quả chống sốt xuất huyết (Tetravalent Immunization against Dengue Efficacy Study – TIDES).
Vaccine ngừa sốt xuất huyết của Takeda đã được tiêm cho hơn 20.000 trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 4 đến 16 tại các quốc gia có bệnh sốt xuất huyết hoành hành ở châu Mỹ Latinh và châu Á.
Bác sĩ LakKumar Fernandoi, Giám đốc điều hành của Trung tâm Quản lý lâm sàng bệnh Dengue và Sốt xuất huyết Dengue, thuộc Bệnh viện Đa khoa Negombo, Sri Lanka - điều tra viên chính của thử nghiệm TIDES cho biết: "Kết quả từ phân tích dài hạn về ứng cử viên vaccine ngừa sốt xuất huyết Dengue của Takeda cho thấy, vaccine này có thể giúp ngăn ngừa bùng phát dịch, giảm tỷ lệ nhập viện và bảo vệ mọi người khỏi bệnh sốt xuất huyết, bất kể họ đã tiếp xúc trước đó. Điều quan trọng là không có rủi ro đối với an toàn đáng kể nào được xác định".
Hà Nội đã có hơn 15.300 ca sốt xuất huyết, nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài
Theo Báo Hà Nội Mới, ngày 1/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 22-29/9/2023), trên địa bàn thành phố có 2.578 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gần 200 trường hợp so với tuần trước đó và tăng 1,5 lần so với tuần đầu tiên của tháng 9/2023). Đây cũng là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Các địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong tuần qua là Thanh Oai (190 ca), Phú Xuyên (187 ca), Phúc Thọ (174 ca), Hoàng Mai (173 ca), Đan Phượng (151 ca), Cầu Giấy (138 ca), Đống Đa (137 ca), Quốc Oai (125 ca), Hà Đông (123 ca), Chương Mỹ (120 ca), Nam Từ Liêm (111 ca), Thanh Xuân (105 ca), Thanh Trì (100 ca).
Như vậy, cộng dồn trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn.
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là Hoàng Mai (1.141 ca), Phú Xuyên (951 ca), Thanh Trì (928 ca), Thạch Thất (924 ca), Hà Đông (904 ca), Đống Đa (852 ca), Cầu Giấy (846 ca), Nam Từ Liêm (754 ca), Đan Phượng (744 ca), Thanh Oai (723 ca).
Ngoài ra, trong tuần này, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng ghi nhận thêm 78 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã. Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết tính từ đầu năm 2023 đến nay là 1.029. Hiện còn 289 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã. Trong đó một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài và ghi nhận nhiều bệnh nhân như xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 485 ca bệnh; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 340 ca; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 70 ca…
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh do virus do muỗi truyền có tốc độ lây lan rất nhanh và là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định vào năm 2019. Sốt xuất huyết chủ yếu lây lan bởi muỗi Aedes aegypti và ở mức độ thấp hơn là muỗi Aedes albopictus.
Bệnh do bất kỳ loại nào trong 4 loại huyết thanh vius Dengue gây ra, mỗi loại có thể gây sốt xuất huyết hoặc sốt xuất huyết nặng. Tỷ lệ phổ biến của các loại huyết thanh riêng lẻ khác nhau ở các khu vực địa lý, quốc gia, khu vực, mùa khác nhau và theo thời gian.
Việc phục hồi sau khi bị nhiễm bởi một loại huyết thanh cung cấp khả năng miễn dịch suốt đời chỉ chống lại loại huyết thanh đó và sau đó tiếp xúc với bất kỳ loại huyết thanh nào còn lại có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ gây ra đại dịch và các đợt bùng phát đã được quan sát thấy ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới và gần đây đã gây ra các đợt bùng phát ở Mỹ và châu Âu. Theo WHO, dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới diễn biến phức tạp, ước có khoảng 2,5 tỉ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành, tỉ lệ tử vong trung bình 1%.
WHO tiếp tục nhận định, xu hướng dịch sốt xuất huyết còn phức tạp và có thể gia tăng các ca tử vong, đặc biệt tại châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-vaccine-phong-benh-sot-xuat-huyet-sap-co-o-viet-nam-17923100216354982.htm