Những chính sách cải cách giáo dục gây tiếng vang của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal
Trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp, ông Gabriel Attal từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và nổi tiếng với những chính sách cải cách giáo dục gây tiếng vang.
Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal - chính trị gia được lòng dân
Ở tuổi 34, ông Gabriel Attal - cựu Bộ trưởng Giáo dục được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp khiến ông trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm trong lịch sử của quốc gia này
Theo Ipsos, ông Attal hiện đã vượt qua cả cố vấn chính trị của mình về mức độ nổi tiếng để trở thành chính trị gia được yêu thích nhất ở Pháp, với tỷ lệ bầu chọn là 40%, so với 27% dành cho Tổng thống Pháp Macron.
Theo nhà lập pháp Gilles Le Gendre, ông Attal có bản năng chính trị tốt, khả năng giao tiếp vượt trội và là một người chăm chỉ.
"Những phẩm chất của Attal được rèn luyện bởi thực tế là ông không có niềm tin mạnh mẽ vào hệ tư tưởng. Thay vào đó, sự nổi lên của Attal cho thấy nền chính trị Pháp đang hướng đến cá tính và chú trọng vào khả năng giao tiếp", nhà lập pháp Gendre nói.
Các nhà phân tích dự đoán rằng, việc bổ nhiệm Attal làm Thủ tướng Pháp khiến ông trở thành ứng cử viên kế nhiệm Tổng thống Macron vào năm 2027. Nhưng để làm được điều này, ông Attal sẽ phải vượt qua "lời nguyền Matignon", nghĩa là từ trước tới nay, không có thủ tướng đương nhiệm nào được bầu làm tổng thống ngay sau đó ở Pháp.
Bộc lộ khả năng hùng biện từ nhỏ
Ông Attal sinh ra trong một gia đình giàu có ở vùng ngoại ô Clamart, thủ đô Paris, Pháp. Người cha quá cố của Attal là một luật sư và nhà sản xuất phim người Do Thái gốc Tunisia. Trong khi đó, mẹ của ông là bà Marie de Couriss, có xuất thân từ Odesa (Ukraine) cũng là nhà sản xuất phim.
Khi lên 9 tuổi, Attal đã bộc lộ tài năng hùng biện và sự tự tin phi thường. Trong một bộ phim tài liệu của France 3 từ năm 1998 về ngôi trường tư thục ưu tú mà ông theo học, Ecole alsacienne ở Paris, Attal đã bày tỏ mong muốn trở thành một diễn viên đóng vai chính và nói rằng: "Năm ngoái tôi đã đóng vai mèo đi hia".
Hết trung học, ông Attal vào học Luật ở Đại học Paris-Pantheon-Assas. Sau khi đỗ tú tài, ông Attal theo học Đại học Sciences Po danh tiếng và lấy bằng thạc sĩ về các vấn đề công. Năm 17 tuổi, ông Attal sớm tham gia chính trị, gia nhập vào Đảng Xã hội và làm thực tập sinh tại văn phòng Bộ trưởng Y tế Marisol Touraine với vai trò là người viết diễn văn cho bộ trưởng.
Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal - người được mệnh danh là "lính bắn tỉa ngôn từ"
Các nhà phê bình cho rằng, tân Thủ tướng Attal là bản sao của Tổng thống Pháp Macron khi cả hai người không chỉ có sở thích mặc những bộ vest mỏng, màu xanh đậm giống nhau mà cả hai đều là những người theo chủ nghĩa thực dụng và có rất ít hệ tư tưởng cốt lõi.
Giống như Tổng thống Macron, Thủ tướng Attal là một nhà tranh luận và nhà hùng biện tài ba. Trong cuộc đấu tranh về cải cách lương hưu gây tranh cãi vào năm ngoái, ông Attal đã nổi bật như một kẻ phản công ngoan cường khi đối đáp, ứng biến nhanh trước Quốc hội và trả lời các câu hỏi từ phe đối lập.
Những chính sách cải cách giáo dục gây tiếng vang của cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp
Sự nổi tiếng của ông Attal trong những tháng gần đây bắt nguồn từ chiến lược thông báo nhanh chóng về chính sách cải cách giáo dục khi giữ chức Bộ trưởng Giáo dục Pháp, bao gồm: kế hoạch thử nghiệm mặc đồng phục trong các trường học - một quy định vốn đã biến mất ở Pháp sau cuộc nổi dậy của học sinh vào năm 1968 và kế hoạch quy định học sinh kém phải học lại một năm.
Đặc biệt, ông Attal được công chúng biết đến nhiều nhất khi đưa ra Lệnh cấm mặc trang phục Hồi giáo abaya đến trường học. Quyết định này đã tạo ra nhiều quan điểm trái chiều và khiến ông rơi vào một cuộc tranh luận công khai về vai trò của tôn giáo trong trường học đầy căng thẳng.
Cụ thể, trong trong một cuộc phỏng vấn tin tức trên truyền hình Pháp vào khung giờ vàng, ông Attal đã tuyên bố các nữ sinh sẽ bị cấm mặc abaya, một loại áo choàng dài, rộng thùng thình, thường là màu xám hoặc đen, là trang phục Hồi giáo.
Bởi theo Bộ Giáo dục Pháp, mặc trang phục như vậy là vi phạm quy tắc về tính thế tục (phi tôn giáo) trong giáo dục.
"Khi bước vào lớp học, bạn không thể phân biệt hoặc xác định tôn giáo của học sinh bằng cách nhìn vào họ. Do đó, lệnh cấm là cần thiết và công bằng", ông Attal cho hay.
Quyết định trên được đưa ra với sự ủng hộ của Tổng thống Macron đã đánh dấu Attal là một chính trị gia táo bạo và quyết đoán, người có thể thu hút mọi người trong giới chính trị.
Lệnh cấm mặc abaya cũng là một ví dụ điển hình cho thấy khả năng nhạy bén của ông Attal trong việc lực chọn các vấn đề sẽ gây tiếng vang, đồng thời đánh lạc hướng khỏi các vấn đề khó giải quyết hơn như điểm toán của học sinh ngày càng giảm và tình trạng thiếu giáo viên.
Sức hấp dẫn của Attal cũng tăng lên khi ông phá vỡ cách tiếp cận thông thường của các chính trị gia ở Pháp, những người ít chia sẻ về đời sống cá nhân của họ.
Theo đó, khi một học sinh 15 tuổi tự kết liễu đời mình sau khi bị bắt nạt, Attal đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trên truyền hình và chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi bị bạn bè chế nhạo về xu hướng tính dục của mình. Và ở tuổi 26, Attal đã thổ lộ với người cha rằng mình là người đồng tính, chỉ vài giờ trước khi người cha qua đời vì bệnh ung thư.
Mặt khác, với cương vị là Bộ trưởng Giáo dục, ông Attal cũng thường xuyên dành thời gian đến thăm và gặp gỡ các đại diện của giáo viên.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng nước Pháp, ông Attal hứa sẽ luôn dành sự ưu tiên cho giáo dục và nói "giáo dục là mẹ của tất cả các trận chiến của chúng ta".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-chinh-sach-cai-cach-giao-duc-gay-tieng-vang-cua-thu-tuong-phap-gabriel-attal-1792401101939077.htm