Nhức nhối nạn bạo lực trực tuyến học đường ở Mỹ
Học sinh dành phần nhiều thời gian "lang thang" trên mạng xã hội và bị ảnh hưởng tâm lý do phải ở nhà học trực tuyến một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được xem là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ bạo lực trực tuyến ở Mỹ.
Học sinh dành phần nhiều thời gian "lang thang" trên mạng xã hội và bị ảnh hưởng tâm lý do phải ở nhà học trực tuyến một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được xem là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ bạo lực trực tuyến ở Mỹ. Không chỉ phải đối mặt với tổn thương, mất mát do đại dịch gây ra mà còn mất đi tương tác xã hội ở giai đoạn phát triển cả thể chất, tâm lý. Vì thế, các em trở lại trường học trong trạng thái thiếu hụt các kỹ năng quan trọng như xử lý xung đột - điều trước đây, các em thường học được qua quá trình giao tiếp với bạn học.
Theo UNICEF, bạo lực trực tuyến (cyberbully/social bully) được định nghĩa là hành động bắt nạt hoặc quấy rối bằng việc sử dụng thiết bị số như máy tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng để gửi tin nhắn, email, sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội hoặc trò chơi trực tuyến. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến cho nạn nhân sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ. Điển hình như lan truyền những lời nói dối hoặc hình ảnh đáng xấu hổ của nạn nhân trên mạng xã hội hay gửi tin nhắn đe doạ, mạo danh gửi những thông điệp ác ý…
Ở Mỹ, đây là vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm. Thực tế, cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Mỹ vào năm 2017 đã chỉ ra rằng 21% các vụ bạo lực trực tuyến nhằm vào nữ sinh. Tỷ lệ này ở học sinh nam là 7%. Trong năm học 2016-2017, cứ 5 học sinh tại Mỹ thì có 1 em từng là nạn nhân của vấn nạn này, hầu hết đến từ những tin đồn thất thiệt.
Tuy nhiên, số lượng các vụ bạo lực trực tuyến ở học đường đã tăng vọt trong thời gian dịch COVID-19. Số liệu mới đây từ diễn đàn dosomething. org cho thấy, hơn 1/3 thanh thiếu niên Mỹ trong độ tuổi từ 12-17 từng bị bắt nạt trên mạng xã hội ít nhất 1 lần.
Tiến sĩ Guerda Nicolas, một nhà tâm lý học gia đình và trẻ em của Đại học Miami, chia sẻ, cha mẹ có thể nhận ra con đang là nạn nhân của bạo lực trực tuyến thông qua một số dấu hiệu. "Một trong số đó là sự gia tăng căng thẳng. Bạn sẽ thấy con căng thẳng quá mức về nhiều thứ, thậm chí về việc mặc gì, hay những chuyện thông thường ở trường và ở nhà". Tiếp theo, khi mức độ căng thẳng tăng cao, trẻ sẽ dễ cáu kỉnh hơn khi ở nhà, hoặc rơi vào trạng thái ủ rũ, buồn bã. Các em cũng có thể né tránh sự quan tâm của bố mẹ hoặc hạn chế sử dụng Internet.
Nicolas khuyên các bậc cha mẹ Mỹ có con em là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến nên tìm đến những nguồn lực sẵn để được giúp đỡ như gọi đến tổng đài tư vấn 211, một đường dây nóng ở Mami-Dade và Broward. Họ có thể cung cấp kết nối với nhiều loại nguồn lực và dịch vụ, bao gồm cả tư vấn về khủng hoảng tâm lý và hỗ trợ khẩn cấp về sức khỏe tinh thần.
Ngày nay, không gian lớp học kết nối với thế giới bên ngoài. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giờ đến trường không còn kết thúc lúc học sinh rời lớp học, và thật đáng buồn, bắt nạt học đường vì thế cũng không còn dừng lại ở trong trường lớp" - Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF nhận định.
Để chấm dứt bắt nạt trên mạng và bạo lực trong và xung quanh trường học, UNICEF và các đối tác đang kêu gọi tất cả các ngành khẩn trương hành động:
Thực hiện các chính sách bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nạn bắt nạt trên mạng và bắt nạt nói chung.
Mở các đường dây điện thoại quốc gia để hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên.
Đẩy mạnh các tiêu chuẩn đạo đức và thực hành của những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đặc biệt liên quan đến thu thập, quản lý thông tin và dữ liệu.
Thu thập các bằng chứng tốt hơn, được phân tách, về hành vi của trẻ em và thanh thiếu niên trên mạng để giúp định hướng chính sách và hướng dẫn thực hiện.
Tập huấn cho giáo viên và cha mẹ để phòng tránh và giải quyết bắt nạn trên mạng và bắt nạt nói chung, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhuc-nhoi-nan-bao-luc-truc-tuyen-hoc-duong-o-my-179220808002017252.htm