"Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình" - đề thi Ngữ văn độc đáo
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh rất độc đáo khi có câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn luận về việc suy nghĩ bằng khối óc hay con tim. Câu hỏi hay, độc đáo và có nhiều "đất" cho học sinh sáng tạo, kể cả những em có học lực mức trung bình.
Bình luận về đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh, một giáo viên bậc trung học phổ thông cho biết, đề Ngữ văn có cấu trúc quen thuộc, mang đặc trưng riêng của Thành phố từ nhiều năm qua.
Theo đó, phần Đọc hiểu (câu 1) và Làm văn (câu 2 nghị luận xã hội, câu 3 nghị luận văn học) đều xoay quanh chủ đề: "Nhịp trái tim không dành cho riêng mình".
Cụ thể, câu 1a chỉ ở mức nhận biết, hầu hết thí sinh có thể lấy trọn điểm câu này. Câu 1b là thông hiểu, liên quan đến kiến thức tiếng Việt. Thí sinh cần chỉ ra được thành phần phụ chú: "vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Câu 1c, 1d ở mức vận dụng thấp, bàn về hình ảnh người lính, biển, đảo quê hương và tình yêu đất nước. Thí sinh dễ dàng trả lời theo quan điểm, nhận thức cá nhân, vì đây là câu hỏi rất mở.
Đáng chú ý, câu nghị luận xã hội rất hay, độc đáo, khi yêu cầu thí sinh bàn về "nghĩ bằng con tim" hay nghĩ bằng "khối óc".
Thí sinh cần giải mã được, khối óc là hoán dụ cho lí trí. Lí trí giúp con người biết phân định đúng sai, biết suy tính thiệt hơn, biết sáng tạo… Lí trí giúp con người thấu hiểu vấn đề, phân tích vấn đề cách rõ ràng và từ đó tìm ra những giải pháp đúng đắn.
Con tim là hoán dụ cho tình yêu. Con tim còn gợi lên trong tâm trí ta một cái gì đó mềm mỏng hơn, nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn.
Pascal nói: "Trái tim có lý lẽ mà lý trí không biết đến" (The heart has its reasons which reason knows not). Tuy vậy, nghĩ bằng con tim và khối óc đều quan trọng như nhau, tùy vào ngữ cảnh để chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn.
Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh cảm nhận về nhân vật bé Thu trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, rất gần gũi với thí sinh. Thí sinh cần nhớ dẫn chứng – đó là những chi tiết, sự việc có liên quan đến nhân vật bé Thu.
Nội dung phân hóa là phần liên hệ để để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình. Tuy vậy, yêu cầu phụ này cũng không hề làm khó thí sinh vì các em đã được ôn luyện nhiều ở trên lớp.
Câu tự chọn nghị luận văn học (đề 2) dành cho thí sinh có năng lực văn chương. Thí sinh cần nắm một số phạm vi kiến thức lí luận văn học liên quan đến thơ. Cùng với đó, cần làm rõ đặc trưng của thơ, thơ tác động lên cảm xúc của con người như thế nào qua những dẫn chứng tiêu biểu.
Ngoài ra, người đọc cần có một số năng lực tối thiểu, cần thiết để có thể "tiêu hoá" được những vẻ đẹp, cảm xúc từ tác phẩm thơ. Trước hết, người đọc phải đọc được ở lớp từ ngữ một cách trọn vẹn, sau đó, thâm nhập vào hệ thống hình tượng, những ẩn ý mà nhà thơ đã đưa ra…
Nhìn chung, đây là một đề tuyển sinh rất hay, tiệm cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ ra đề đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết giúp thí sinh có sự hứng thú khi làm bài thi Ngữ văn.
Với đề thi này, học sinh trung bình dễ lấy mức từ 6 điểm. Học sinh khá vẫn có thể đạt mức 8, học sinh giỏi sẽ thỏa sức sáng tạo với kiến thức của bản thân.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhip-trai-tim-khong-chi-danh-cho-rieng-minh-de-thi-ngu-van-doc-dao-179240606195049967.htm