Nhiều vấn đề đặt ra từ hiện tượng di cư quốc tế

PV
14:14 - 24/10/2023

Ngày 24/10, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Di cư quốc tế và hội nhập xã hội: Hòa nhập và Phát triển bao trùm”.

Nhiều vấn đề đặt ra từ hiện tượng di cư quốc tế - Ảnh 1.

Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Di cư quốc tế và hội nhập xã hội: Hòa nhập và Phát triển bao trùm”.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực di cư và các vấn đề xã hội trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận các vấn đề liên quan đến sự thay đổi, thích ứng, về di cư quốc tế và hòa nhập xã hội diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. 

Từ đó đề xuất các giải pháp hạn chế mặt trái của di cư, tăng cường sự thích ứng của người di cư trong quá trình hòa nhập, hội nhập xã hội, thông qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Nhiều vấn đề đặt ra từ hiện tượng di cư quốc tế - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phát biểu đề dẫn hội thảo.

Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài báo khoa học về đề tài này. Qua quá trình phản biện độc lập, 38 báo cáo khoa học quốc tế và trong nước đã được chọn đăng trong kỷ yếu hội thảo.

Tại chương trình, các đại biểu và chuyên gia tập trung thảo luận 4 nội dung chính: di cư và các vấn đề giới; di cư và chăm sóc sức khỏe; di cư và bảo trợ xã hội; vấn đề khác liên quan đến di cư.

Nhiều vấn đề đặt ra từ hiện tượng di cư quốc tế - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Vấn đề di cư có tác động phức tạp đến xã hội và đòi hỏi sự đối ứng thông qua các biện pháp chính trị, kinh tế, và xã hội để đảm bảo tích hợp, bảo vệ nhân quyền, và tối ưu hóa lợi ích cho cả người di cư và các nước tiếp nhận.

Theo Báo cáo của Tổ chức di cư Quốc tế năm 2022, ước tính toàn thế giới có 281 triệu người di cư năm 2020, tương đương với 3,6% dân số toàn cầu. 

Số lượng người di cư quốc tế đã tăng liên tục trong 5 thập kỷ qua. Con số 281 triệu người di cư năm 2020 nhiều hơn 128 triệu so với năm 1990 và gấp ba lần con số ước tính vào năm 1970. 

Hiện tượng di cư là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21 và là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của xã hội.

Di cư giúp đa dạng văn hóa và xã hội, người di cư mang theo giá trị, niềm tin, và nét đặc thù về văn hóa đến những vùng đất mới làm cho xã hội trở nên phong phú, đa dạng hơn. 

Di cư có đóng góp lớn về mặt kinh tế, lao động. Di cư có thể cung cấp lao động giá rẻ có kỹ năng tốt cho các quốc gia thiếu nhân lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Di cư cũng tạo cơ hội tái hợp với gia đình hoặc người thân tại đất nước mà họ chuyển đến tạo nên các mô hình gia đình đa quốc gia hoặc đa dân tộc.

Tuy nhiên, sự di cư cũng mang lại những tác động tiêu cực cho xã hội như: tạo áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường của các khu vực tiếp nhận, dẫn đến sự cạnh tranh về tài nguyên và tác động đến môi trường.

Bên cạnh đó, tạo ra các tranh cãi và xung đột xã hội và chính trị, gây ra vấn đề cạnh tranh lao động và ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trong nước, đặc biệt khi người dân trong nước cảm thấy bị đe dọa hoặc đối mặt với cạnh tranh với người di cư trong việc tiếp cận các dịch vụ và cơ hội.

Di cư có thể gây ra áp lực lên hệ thống an ninh xã hội và tài chính của các nước đích, đặc biệt khi người di cư cần hỗ trợ xã hội hoặc y tế; có thể ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế và hợp tác giữa các quốc gia. Nó đặt ra các thách thức về chính trị và an ninh quốc tế.

Vấn đề di cư cũng đặt ra các câu hỏi về nhân quyền và đạo đức, đặc biệt khi người di cư phải đối mặt với tình trạng trái với nhân quyền hoặc sự kỳ thị.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhieu-van-de-dat-ra-tu-hien-tuong-di-cu-quoc-te-179231024135206179.htm