Nhiều trường đại học đặt mục tiêu nâng cấp lên mô hình đại học
Nhiều trường đại học đang chuẩn bị đề án, lộ trình phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo, có các trường thành viên.
"Rục rịch" nâng cấp lên đại học
Mới đây, tại lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Y Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Đại học Y Hà Nội đang chuẩn bị đề án phát triển thành đại học.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của trường là thực hiện chuyển đổi số, tăng cường quản trị đại học hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng đối với cải tiến chất lượng sau kiểm định, để thực hiện thành công tự chủ của trường trong những năm tới, nâng cao vị thế và phát triển trường trở thành Đại học y Hà Nội.
Không chỉ Trường Đại học Y Hà Nội có kế hoạch chuyển đổi lên đại học mà hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng đang "rục rịch" nâng cấp mô hình từ trường đại học thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo, có các trường thành viên.
Cụ thể, chia sẻ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2023, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: "Trường Đại học Kinh tế quốc dân năm nay sẽ thành lập 3 trường: Trường Kinh doanh, Kinh tế và Công nghệ, chuẩn bị các điều kiện để sang năm làm hồ sơ và phấn đấu theo kế hoạch của nhà trường năm 2025 sẽ lên đại học".
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, thực tế nhà trường đã mong muốn và xác định định hướng phát triển thành đại học từ rất lâu.
Tuy nhiên, chỉ đến khi các căn cứ pháp lý cơ bản như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường đại học mới có được hành lang pháp luật để trở thành đại học.
Để thực hiện mong muốn này, trường đã xây dựng và ban hành chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định rõ lộ trình để hướng tới đại học.
Tương tự, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện đủ các tiêu chuẩn quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về đại học, thành lập tối thiểu 3-5 trường trực thuộc Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Để từng bước hoàn thành mục tiêu đó, tháng 12/2021, Hội đồng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Ngoại ngữ và khoa Du lịch.
Tại lễ khai giảng năm học 2022-2023, Trường Đại học Cần Thơ đã công bố việc thành lập 4 trường, một khoa và một viện mới, trên cơ sở các đơn vị hiện có (gồm Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm). Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc phát triển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ.
Tuy chưa triển khai nhưng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng vạch ra chiến lược phát triển lâu dài theo mô hình một đại học với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và phát triển, Trường Khoa học.
Theo đề án tái cấu trúc giai đoạn 2021-2025, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển thành một đại học đa ngành bao gồm 3 trường thành viên: Trường Kinh doanh; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; Trường Công nghệ và thiết kế.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đề án này có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Thứ nhất, trường đơn ngành sẽ không còn phù hợp, không đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Thứ hai, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đa ngành sẽ phát huy ưu thế về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội trong bối cảnh hiện nay khi hầu hết các dự án nghiên cứu lớn đều mang tính đa ngành. Thứ ba, tạo điều kiện cho nhà trường khi tham gia các bảng xếp hạng, các hoạt động hợp tác quốc tế với các đại học trên thế giới".
Điều kiện để các trường đại học chuyển thành đại học
Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.
Thứ hai, có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.
Thứ ba, có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Đại học là một tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên. Còn trường đại học có thể là một cơ sở giáo dục đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng, đại học quốc gia, chuyên cung cấp các chương trình đào tạo bậc đại học. Điều này có nghĩa, đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao hàm các trường đại học.
Hiện, Việt Nam có 6 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhieu-truong-dai-hoc-dat-muc-tieu-nang-cap-len-mo-hinh-dai-hoc-179230928001103148.htm