Nhiều sai phạm ở Đại học Tôn Đức Thắng

09:50 - 30/10/2022

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Tôn Đức Thắng không chỉ “nôn nóng” trong việc công bố quốc tế, không dựa trên định hướng thế mạnh thực tế của trường mà công tác tuyển sinh và đào tạo của trường cũng có một số sai phạm.

Theo văn bản số 1494/TB-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo kết quả kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ; kiểm tra tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì hàng loạt những sai phạm, tồn tại, hạn chế của trường đã được chỉ ra.

Nôn nóng trong công bố quốc tế

Kết luận nêu rõ từ năm 2019-2020, trường có biểu hiện “nôn nóng” trong việc công bố quốc tế, không dựa trên định hướng thế mạnh thực tế của trường. Số lượng công bố quốc tế không dựa vào tiềm lực sẵn có của trường mà chủ yếu dựa vào cán bộ kiêm nhiệm (trong nước và nước ngoài) ngoài trường và dựa vào việc hợp tác với các nhà khoa học ngoài trường, đặc biệt là các nhà khoa học nước ngoài. Có tới 70% công bố quốc tế của trường trong giai đoạn 2019-2021 có tác giả là người nước ngoài và cán bộ kiêm nhiệm là người trong nước.

Trường xây dựng và ban hành một số chủ trương chính sách thúc đẩy công bố quốc tế chưa tập trung vào việc ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà khoa học cơ hữu của nhà trường. Trường chưa có chính sách phù hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Kinh phí trả cho hoạt động công bố quốc tế không hợp lý, mất cân đối với các nguồn kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực hoạt động khác của trường. Kinh phí cho công bố quốc tế năm 2019, 2020 của trường chiếm tỷ lệ 10-14% nguồn thu từ học phí là không phù hợp với quy định của Chính phủ.

Trong khi đó, trường ký hợp đồng với các nhà khoa học trong và ngoài nước để hợp tác trong nghiên cứu khoa học có nhiều nội dung không phù hợp.

Đại học Tôn Đức Thắng có hàng loạt sai phạm - Ảnh 1.

Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: tdtu.edu.vn

Nhiều sai phạm trong đào tạo

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, trong công tác tuyển sinh và đào tạo của trường cũng có một số sai phạm.

Cụ thể, theo kết luận kiểm tra, việc mở ngành của trường chưa thực hiện theo quy định. Giảng viên là người nước ngoài chủ trì mở ngành đào tạo nhưng chỉ ký hợp đồng thỉnh giảng hoặc hợp đồng ngắn hạn là không phù hợp.

Một số ngành không có giảng viên cơ hữu là giáo sư hoặc phó giáo sư chủ trì ngành đào tạo. Một số ngành chủ trì ngành là giáo sư/phó giáo sư người nước ngoài, một ố ngành chủ trì ngành là người đã nghỉ hưu và có ngành không đủ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ ngành phù hợp.

Trường tổ chức tuyển sinh và hoạt động đào tạo tại cơ sở Bảo Lộc và Nha Trang khi chưa được cấp phép hoạt động đào tạo; quyết định phê duyệt Đề án thí điểm liên kết đào tạo trình độ tiến sỹ với nước ngoài theo hình thức sandwich, bán thời gian khi nhiều ngành chưa mở đào tạo ở trình độ tiến sỹ.

Trong khi số lượng giảng viên có trình độ đại học còn lớn, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu nhà trường tự xác định một số khối ngành.

Vi phạm kéo dài gây bức xúc dư luận

Đây không phải lần đầu tiên Trường Đại học Tôn Đức Thắng vi phạm các quy định của pháp luật. 

Trước đó, năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Qua kiểm tra, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có các sai phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. Các sai phạm này liên quan đến việc không thực hiện đúng các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, xây dựng, quyết toán đối với các công trình, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Đại học Tôn Đức Thắng có hàng loạt sai phạm - Ảnh 2.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin về các sai phạm tại Đại học Tôn Đức Thắng.

Ảnh: TTXVN

Theo thông báo ngày 18/9/2020 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cho thấy Đảng ủy Trường Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2015-2020 có những khuyết điểm, vi phạm: Không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 97-QĐ/TW ngày 22/3/2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp (trường học, bệnh viện…) và quy chế làm việc của Đảng ủy Trường nhiệm kỳ 2015-2020; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển, hoạt động của Trường và công tác cán bộ. Đảng ủy Trường buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Lãnh đạo Trường vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; để một số đảng viên, cán bộ chủ chốt của Trường có những phát biểu không đúng, thiếu chuẩn mực, phản đối, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, dẫn đến các khuyết điểm, vi phạm kéo dài. 

Đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên của Đảng ủy Trường, ông Lê Vinh Danh với vai trò là Bí thư Đảng ủy, phụ trách công tác tổ chức cán bộ là người chịu trách nhiệm cao nhất và trực tiếp. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng thành phố đã thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Cần quy định về liêm chính khoa học

Với các tồn tại, hạn chế trên, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức rà soát, hoàn thiện quy định về hoạt động khoa học và công nghệ của trường phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Trường cần có chính sách, quy định về kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế thực chất đóng góp hiệu quả cho việc nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo sau đại học.

Việc bố trí kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ (trong đó có kinh phí chi cho công bố quốc tế) phải hợp lý, đảm bảo cân đối với nguồn thu của trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Đại học Tôn Đức Thắng rà soát, dừng ký kết hợp đồng đối với các cán bộ không thực hiện hợp tác nghiên cứu, hướng dẫn học viên sau đại học, tham gia hoạt động chuyên môn của trường. Bên cạnh đó, trường rà soát, xây dựng, ban hành quy định về liêm chính học thuật phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong công tác đào tạo, trường cần rà soát, cập nhật các quy định, quy chế của cơ sở đào tạo về mở ngành, tuyển sinh, đào tạo và tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành; rà soát các điều kiện đẩm bảo chất lượng theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo.

Trường cần tổ chức đánh giá đề án thí điểm liên kết đào  tạo trình độ tiến sỹ, rà soát và thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành về liên kết đào tạo với nước ngoài; rà soát việc ký kết hợp đồng lao động với giảng viên là người nước ngoài đảm bảo đúng quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đối với việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo tại Khánh Hòa và cơ sở Bảo Lộc, việc không đảm bảo duy trì đội ngũ giảng viên cơ hữu để mở một số ngành đào tạo ở trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ theo quy định, đoàn kiểm tra chuyển thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định xử phạt hành chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng theo quy định hiện hành.

Vài nét về Đại học Tôn Đức Thắng

Tiền thân của Đại học Tôn Đức Thắng là Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập theo Quyết định 787/TTg-QĐ ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập và quản lý thông qua Hội đồng quản trị do Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố đương nhiệm làm chủ tịch.

Mục tiêu thành lập trường trong giai đoạn đầu là: Thực hiện Chương trình 17/TU và Chỉ thị 13 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho giai cấp công nhân Thành phố; phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá; góp phần đào tạo nhân tài, nhân lực, thực hiện nghiên cứu để phục vụ hệ thống sản xuất, xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển đổi pháp nhân và đổi tên Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ngày 11/6/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 747/TTg-QĐ đổi tên Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Trong thời gian này, mục tiêu của trường được bổ sung thêm là "trực tiếp phục vụ việc phát triển nguồn nhân lực trong công nhân, người lao động để góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Hội nghị Lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa 10".

Ngày 29/01/2015, tại Quyết định số 158/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017. Mục tiêu của Đại học Tôn Đức Thắng được xác định rằng: "Đại học Tôn Đức Thắng chủ động huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất các nguồn lực của trường và xã hội để phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành một đại học định hướng nghiên cứu có chất lượng trong khu vực và trên thế giới, đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của trường".

Theo công bố ngày 26/10/2022 của Top universities, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đều thuộc Top 601+ các Đại học bền vững toàn cầu năm 2023 (QS Sustainability Rankings 2023) do QS vừa công bố. Trong đó, xếp hạng tác động môi trường và xếp hạng tác động xã hội của cả 3 trường này đều thuộc Top 501+.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp hạng 1.001-1.200 của bảng xếp hạng Đại học thế giới năm 2023 của QS.

Trước đó, vào ngày 12/10/2022, tổ chức xếp hạng THE cũng đã công bố kết quả xếp hạng thế giới THE World University Ranking 2023 (xếp hạng đại học thế giới 2023 - THE WUR 2023). Trường Đại học Tôn Đức Thắng là 1 trong 6 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng này và nằm trong nhóm 401-500.

Nguồn: TTXVN, TDTU, Top universities

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhieu-sai-pham-o-dai-hoc-ton-duc-thang-179221030073549925.htm