Nhiều ngân hàng Việt chuyển đổi số ở Top đầu với 90% giao dịch online
Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu với 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% vào năm 2025.
Ngày 4/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện. Cùng dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô, các hiệp hội trong Ngành, một số trường đại học, một số tổ chức quốc tế (GIZ, IMF, ADB, WB).
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ngành đầu tiên có Ngày Chuyển đổi số của ngành
Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỉ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Ngành ngân hàng đang đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, sự đi đầu này vừa có nguyên nhân khách quan là áp lực của hội nhập quốc tế vừa có nguyên nhân chủ quan là sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo ngành ngân hàng.
Ngành ngân hàng là ngành đầu tiên có Ngày Chuyển đổi số của ngành, một lần nữa ngành ngân hàng lại đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới để đổi mới ngành. Người đi đầu là người đi vào vùng 5%, khi mới có 5% người dùng đầu tiên chúng ta đã mạnh mẽ bước vào".
Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua mã phản hồi nhanh (QR code) tăng 86% và 127% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến tháng 6/2022, có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC); 1,77 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trước đó, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: Sự chủ động của các ngân hàng trong việc ứng dụng và cho ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ cao đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỉ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 50 triệu người (gần 50% dân số). Trong đó, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: Internet Banking, Mobile Banking có tốc độ tăng trưởng vượt bậc chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch...
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Darren Buckley, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Techcombank cho biết: Techcombank đã ra mắt ứng dụng di động mới dành cho khách hàng doanh nghiệp và đã chuyển hơn 70% khách hàng cá nhân sang ứng dụng số ngân hàng bán lẻ mới; đồng thời vẫn tiếp tục nâng cấp công nghệ và hạ tầng tiên tiến.
Mới đây, PVcomBank đã triển khai tính năng nâng hạn mức giao dịch lên 100 triệu đồng/ngày bằng Video Call, dành cho tất cả khách hàng đã mở thành công tài khoản thanh toán qua định danh khách hàng điện tử (eKYC).
Agribank đã chủ động nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán và sự ra đời của nhiều mô hình dịch vụ thanh toán mới như mã QR code, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc… đã đem lại cho người sử dụng những trải nghiệm mới mẻ với sự tiện ích và chi phí hợp lý.
6 nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số cho ngành ngân hàng
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
Hai là, chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.
Ba là, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.
Năm là, quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành Ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC), công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các bộ, ban ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành với tinh thần lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên các mặt: kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn; công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh.
"Để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng nói thêm: "Kim chỉ nam của công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng là: Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng; đổi mới sáng tạo, gia tăng trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả chuyển đổi số".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhieu-ngan-hang-viet-chuyen-doi-so-o-top-dau-voi-90-giao-dich-online-179220804120926988.htm