Nhật Bản dùng AI bảo vệ công trình lịch sử trước nguy cơ hỏa hoạn
Công nghệ này sẽ kết hợp chức năng của camera giám sát và hệ thống chữa cháy bằng cách phân tích ngọn lửa và khói do camera ghi lại và tự động phun nước.
Nhật Bản là quốc gia có nhiều công trình kiến trúc bằng gỗ được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Kỹ thuật gỗ truyền thống Nhật Bản cũng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO công nhận.
Nhằm bảo vệ những công trình kiến trúc lịch sử này khỏi nguy cơ hỏa hoạn do sử dụng vật liệu gỗ, Shimizu Corp - một trong những tập đoàn kiến trúc, xây dựng hàng đầu của Nhật Bản, đã phát triển công nghệ cứu hỏa sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Khác với các công nghệ chữa cháy hiện tại, công nghệ mới này sẽ kết hợp chức năng của camera giám sát và hệ thống chữa cháy bằng cách phân tích ngọn lửa và khói do camera ghi lại và tự động phun nước.
Các camera có thể phát hiện ra những đám cháy nhỏ ở khoảng cách xa. Nếu phát hiện đối tượng khả nghi, hệ thống sẽ thông báo cho công ty bảo mật để kịp thời ngăn chặn cuộc tấn công đốt phá.
Các cảm biến của hầu hết các hệ thống chữa cháy hiện nay đều không được kích hoạt cho đến khi đám cháy lớn tới một mức độ nhất định và khiến việc dập lửa không kịp thời.
Trong khi đó, các hệ thống hiện tại cũng kích hoạt đồng thời tất cả các thiết bị chữa cháy trong khuôn viên dẫn đến khả năng hết nước trước khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn hoặc gây ra thiệt hại do áp lực nước.
Dự kiến, công nghệ này sẽ được lắp đặt tại các tòa nhà cổ từ tháng 4/2023.
Shimizu hy vọng công nghệ tiên tiến này có thể giúp bảo vệ di sản văn hóa của Nhật Bản, những công trình kiến trúc truyền thống như đền chùa, thành quách bằng gỗ được xây dựng từ thời xa xưa.
Kiến trúc gỗ truyền thống của Nhật Bản
Nhật Bản vốn là một đảo quốc có rừng che phủ khoảng 70% diện tích đất nước, quanh năm thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất nên vật liệu bằng đá sẽ không đáp ứng được nhu cầu an toàn cho các công trình kiến trúc.
Do đó, gỗ đã trở thành lựa chọn tối ưu trong xây dựng, kiến trúc vì là loại vật liệu tự nhiên, bền chắc và tốt trong việc chống chịu thiên nhiên từ thời xa xưa. Điểm nổi bật của các công trình này là các kiến trúc sư đã xây dựng mà không cần sử dụng đến đinh, vì đinh sử dụng lâu ngày sẽ bị rỉ sét, gây mục nát, hư hại đến các cấu trúc xung quanh.
Đặc biệt, gỗ được dùng trong kiến trúc Nhật Bản hiếm khi được sơn vì như vậy sẽ che đi vẻ đẹp của những thớ gỗ. Nội thất trong nhà được xây đơn giản với cửa giấy trượt giúp việc gỡ bỏ dễ dàng và sắp xếp lại tạo ra những bố cục khác nhau cho nhà. Các kiến trúc này với trần nhà mở và tường bê tông trần cũng được áp dụng trong kiến trúc hiện đại trên toàn thế giới.
Năm 2020, UNESCO đã ghi danh kỹ thuật gỗ truyền thống Nhật Bản vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với tên chính thức: Các kỹ năng, kỹ thuật và tri thức truyền thống về bảo tồn và trao truyền kiến trúc bằng gỗ ở Nhật Bản.
Kỹ thuật kiến trúc gỗ truyền thống Nhật Bản trải qua thời gian đã ghi dấu ấn của mình qua những công trình đền chùa, lăng tẩm và thành quách nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay như:
Kumano Hongū Taisha: một trong ba đền thờ lớn trong quần thể di sản Kumano Sanzan, nằm ẩn sâu bên trong dãy núi Kii của tỉnh Wakayama. Cấu trúc gỗ của ngôi đền từ lâu đã trở thành một cảnh tượng tráng lệ thu hút những người hành hương tới đây tham quan.
Hōryū-ji: một ngôi chùa Phật giáo ở tỉnh Nara, tương truyền được xây dựng vào thế kỷ thứ VII bởi thái tử Shōtoku. Khuôn viên chùa trải dài theo hướng Đông - Tây, toà tháp năm tầng và gian chính điện bên phía Tây cùng với dãy hành lang bao quanh nổi tiếng là công trình kiến trúc bằng gỗ cổ nhất thế giới. Được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO vào năm 1993. Quần thể kiến trúc trong khu vực chùa đều là kiệt tác bằng gỗ.
Thành Himeji: di sản thế giới duy nhất trong số các thành cổ Nhật Bản. Được xây dựng lần đầu vào giữa thế kỷ XIV, thành Himeji ở tỉnh Hyogo là kiệt tác kiến trúc bằng gỗ tuyệt mỹ của Nhật Bản có sự kết hợp giữa vẻ đẹp của bức tường vôi trắng và chức năng bảo vệ của một toà thành. Ngoài ra, toà thành còn tượng trưng cho xã hội phong kiến trước thời Nhật Bản cận đại nên được chọn là di sản thế giới. Thành còn có tên gọi là thành Diệc Trắng bởi vẻ đẹp của những bờ tường thành trắng.
Quần thể di sản văn hoá Nara: gồm 8 công trình ở Nara, trong đó nổi bậc nhất là chùa Tōdaiji với chính điện là công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới, được UNESCO công nhận là Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời Nara. Cổng chùa có 18 cột trụ chống đỡ, mỗi cái cao 20m với đường kính hơn 1m.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhat-ban-dung-ai-bao-ve-cong-trinh-lich-su-truoc-nguy-co-hoa-hoan-179220816123133756.htm