Tác giả Phạm Quang Nghị và những trang viết "tỏa ánh sáng lấp lánh"
Chính trị gia Phạm Quang Nghị là một người nổi tiếng, tôi đã nghe danh của ông từ lâu. Vì thế, khi được cầm trên tay cuốn "Đi tìm một vì sao" mà ông "tự kể chuyện đời mình", tôi không khỏi có phần háo hức.
Trong sâu thẳm một con người
Cuốn sách dày 650 trang, được làm đẹp và cẩn thận. "Những vấn đề được đề cập trong sách là những câu chuyện tôi nhớ không bao giờ quên, từ khi bắt đầu có sự nhận biết, lúc bé thơ theo mẹ ra đồng, ngồi bên quang gánh của mẹ, một bên là tôi, một bên là phân gio... Cuốn sách trải dài theo thời gian trong suốt gần 70 năm cuộc đời, từ khi tôi bắt đầu có lý trí cho tới khi về hưu, ít phải lo nghĩ công việc riêng, chung. Không gian trong cuốn sách thì mênh mông, từ Trường Sơn tới Trường Sa, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, những nơi tôi đã đi qua trong chiến tranh, lúc hòa bình" - tác giả Phạm Quang Nghị chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định: "Viết tự truyện khi ông đã ở cái tuổi trong ngoài bảy mươi, đã có thể thấu hiểu nhiều điều của một đời người, thấu hiểu đúng sai, thấu hiểu những khổ đau và hạnh phúc. Vì thế, ở tự truyện này, ông có thể xác lập những giá trị cuộc đời của mình mà không phải phân vân, lưỡng lự hay ngờ vực điều gì. Chính điều đó đã giúp cho người đọc thấy được những gì đã diễn ra trong sâu thẳm một con người…
"Đi tìm một vì sao" là một tự truyện đậm chất văn chương. Như phụ đề của tên sách: Tự kể chuyện mình, tác giả Phạm Quang Nghị đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc đời mãnh liệt. Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp và có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với người đọc".
Còn nhà báo Hà Đăng nhận xét: "Phạm Quang Nghị thuộc lớp thanh niên "xếp bút nghiên lên đường ra trận". Học chưa xong đại học, Nghị đã viết đơn tình nguyện đi B. Mà đi sâu, đi xa, xẻ dọc Trường Sơn vào tận B2 Nam Bộ - làm việc ở Ban tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam. Rồi từ đấy được cơ quan cử đi các chiến trường miền Đông Nam Bộ, Nam lộ 4 Mỹ Tho, về Tây Ninh… vào thời điểm chiến trường cực kỳ ác liệt – "mùa hè đỏ lửa" 1972, bám trụ ở những địa bàn vùng ven cho tới ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành được toàn thắng. Sau ngày 30 tháng Tư 1975, anh chia tay chiến khu về thành phố Sài Gòn.
"Đi tìm một vì sao" có rất nhiều trang viết hấp dẫn khiến người đọc ước ao được một lần trải nghiệm: Những cánh rừng Trường Sơn thâm u với những bản nhạc rừng du dương của các loài chim; những đêm được bơi xuồng trên những dòng kênh băng qua Đồng Tháp Mười mênh mông như lạc vào một biển sen bát ngát hương thơm…
Ai đã trải qua một thời đạn lửa có dịp cùng nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng chiến tranh cực kỳ cam go, khốc liệt: Những tháng ngày mang ba lô đi bộ trên dải Trường Sơn, được nếm trải những cơn sốt rét, ốm đau có lúc dường như "một chân trên bờ, một chân đã thò xuống hố chôn"; những khi băng qua làn đạn của ta và của địch đan chéo qua đầu để vượt qua lộ 4…
Những lần chứng kiến sau trận bom rơi, máu người hòa lẫn trong nước mưa, chảy lênh láng, chan hòa trên mặt đất. Những giọt nước mắt xót xa cùng chảy trên mặt đất. Không biết thứ nào sẽ thấm sâu, ngấm lâu trong lòng đất?
…Rất nhiều trang viết gây xúc động bởi cách viết, cách kể mộc mạc, chân thật, sống động của một thứ văn chương không cần đến sự tưởng tượng và hư cấu. Từ ngôn từ đến sự kiện, không gian, thời gian, địa danh, tên người và những nghĩ suy, cảm xúc của tác giả. Tất cả đều chân thật và có thật".
Văn phong giản dị, chân chất
Cuốn sách chia làm ba phần mộc mạc: "Lớn lên bên dòng sông Mã", "Chào mẹ con đi để được làm người" và "Những chuyện đã qua".
Mở đầu cuốn tự truyện, tác giả kể về "Làng Hoành, quê tôi": "Mỗi chúng ta, ai cũng có một nơi chốn thân thương và gắn bó, nơi được gọi bằng những từ rất đỗi thiêng liêng. Đó là hai tiếng Quê tôi, hai tiếng Làng tôi". Một ngôi làng ven sông, trên bến dưới thuyền.
Bia ký còn ghi, làng do Đức bà Công chúa Phương Hoa, người rời chốn vương cung dòng dõi nhà Trần về đây khai hoang lập ấp: "Gấm vóc ngàn thu non với nước/ Thái bình muôn thuở cỏ cùng cây". Làng có núi có sông, có đò ngang, có chợ, có những cánh đồng, có người dân tự bao đời đã quen dầm mưa dãi nắng; có gió nồm nam mát rượi khi trăng lên. Theo lời mẹ kể, ông chào đời vào một đêm thu trăng sáng…
Ông nội ông, mỗi khi uống rượu ngà ngà say, thường ngâm ngợi: "Trên cao đã có thánh tri/ Những người nhân nghĩa có hàn vi bao giờ". Ông thường lấy những câu chữ của thánh hiền để đem ra dạy cháu con: "Nhân bất học, bất tri lý", "Bất học diện tường" và giảng giải: "Người không có học thì không hiểu được điều phải trái; không có học như úp mặt vào tường…"
Ba năm học cấp III (lớp 8, 9, 10, như cấp phổ thông trung học bây giờ), ông học nổi trội những môn xã hội. Các bài văn của ông thường được nhận điểm cao với lời phê: "Bố cục chặt chẽ, văn phong mạch lạc, diễn đạt sáng rõ, có nhiều ý hay…" So với một số bạn khác giỏi văn trong lớp, các bài văn của ông ngôn từ không bóng bẩy, được ý hơn được lời. Có lần còn được thầy khen trên lớp: "Văn của Nghị giống văn phong lãnh tụ"(!)
Ông viết hết sức thoải mái, tự nhiên; viết những gì là của mình chứ không hề bắt chước văn của ai cả. Từ khá sớm ông đã hiểu văn phong của mình cũng giống như con người mình vậy. Giản dị, đời thường, mộc mạc, chân chất. Dẫu ông muốn bắt chước bạn bè, muốn học theo lối viết du dương, bay bổng, ông cũng không bắt chước được: "Có lẽ cũng là do tính cách của tôi. Đôi khi tôi cố viết ra những ngôn từ bay bổng, ồn ã, lanh canh thì đến khi đọc lại thế nào tôi cũng sửa, cũng cắt bỏ. Tôi vỡ lẽ văn là người, và chuyện khen chê trong văn chương cũng phụ thuộc nhiều vào sự yêu thích của mỗi cá nhân".
Đọc đến đây, người viết bài này chợt nhớ lời Lão Tử: "Lời đẹp thường không thật, lời thật thường không đẹp". Lời thật thường chẳng mấy khi du dương trầm bổng, nhưng lời thật mới là những điều giá trị. Lời "tốt gỗ" hẳn nhiên giá trị hơn lời "tốt nước sơn".
Chào mẹ con đi để được làm người
Đầu tháng 9 năm 1970, ông kết thúc năm học thứ ba khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và ước mong ra chiến trường, dù biết là cực kỳ gian khổ, là sống chết. "Chào mẹ con đi để được làm người" là phần tiếp theo, chiếm tới hơn 200 trang sách.
"Rừng ẩm, lá rụng nhiều, vắt bám liên tục, nghe lạnh ở cổ chân" (trích nhật ký ngày 5.5.1972); "Hôm nay, chân lại đạp lên những đổ vỡ nát tan. Mắt ta lại nhìn thấy máu đỏ loang chảy, hòa vào nước mưa trời tuôn. Những da thịt vãi vương, những xương, mỡ dân lành bị thiêu cháy trong ngọn lửa hung tàn, khét lợm" (3.6.1972). Nhà thơ Thanh Thảo đã tả đôi mắt ông ngày ấy: "Đăm đăm nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước. Đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được. Chứa đầy một hố bom và một ngôi sao". Ông thầm phục nhà thơ Thanh Thảo quá chừng. Làm sao nhà thơ lại có thể nhìn thấy được ngôi sao hiện lên trong mắt ông ngày ấy.
"Quá trưa 30/4/1975, tôi hăm hở xách khẩu AR.15 ra con suối cạnh lán. Sau mấy loạt đạn hướng lên trời chào mừng chiến thắng, tôi hướng mũi súng xuống dòng suối trong xanh bắn cá cải thiện bữa ăn chiều nay. Bữa cơm đầu tiên khi đất nước có hòa bình. Tôi đâu ngờ trong băng đạn tôi đã nạp có một viên hủy súng. Tụi Mỹ cũng ghê thật. Trong mỗi thùng đạn của chúng đều có 1 viên sơn mầu riêng để dễ phân biệt. Nhưng tôi đâu biết mà để ý, đề phòng. Sau mấy loạt đạn, nhìn thấy mấy con cá trắng nổi lên mặt nước. Vừa siết cò bắn loạt tiếp theo thì gặp viên hủy súng. Khẩu AR.15 trên tay tôi nổ banh ra làm nhiều mảnh. Chỗ nổ lớn, phá banh to nhất là hộp khóa nòng. Hóa ra đây là viên đạn nổ tức thì. Thật may, tôi đã không áp má tì vai mà chỉ kẹp súng vào ngang hông. Các mảnh vỡ văng ra từ khẩu AR.15 đập vào sườn, vào cánh tay đau điếng. Thuốc súng từ viên đạn nổ tức thì găm vào bụng ám khói một mảng đen sì. Thật hú vía. Suýt nữa thì hôm nay vỡ mặt. Lại vỡ mặt đúng vào ngày đất nước hòa bình thì thật là xui xẻo, trớ trêu.
Trong nhật ký của mình, gần năm năm đi chiến trường, duy nhất chỉ có ngày 30/4 là hai lần tôi ghi nhật ký. Hào hứng ghi lại những cảm xúc dâng trào trong tim. Những trang nhật ký hôm ấy được tôi ghi bằng những dòng chữ nguệch ngoạc, xấu hơn ngày thường. Những cảm xúc dạt dào, ào ạt, nóng hổi. Lời văn dường như bùng nổ, nghĩ sao ghi vậy, mừng quá không ra lớp lang nào cả"… (trang 317).
Chớ có nghĩ trở về làm dân là dễ!
Phần ông viết về những năm tháng chiến trường được nhiều bạn đọc yêu thích. Nhưng người viết bài này trộm nghĩ, hay nhất trong cuốn sách của một chính trị gia thì phần viết về chính trị mới đáng lưu tâm hơn cả. Đó là những lời đầy chiêm nghiệm, suy tư.
Tác giả đặt tên cho phần này rất khiêm nhường: "Những chuyện đã qua". Xin lược trích:
"Chính trị là nghệ thuật của sự lựa chọn cái có thể". Trong vô số những định nghĩa về chính trị thì định nghĩa đó – hay câu nói đó – hình như của Bixmac là hay và đúng nhất. Khó khăn chính là ở chỗ điều mà mình tiên liệu có là, sẽ là cái "có thể" hay không? Nhiều khi nó là cái "có thể" với mình nhưng lại không là với người khác. Và ngược lại.
Chính trị có những lúc thật là khắc nghiệt. Cho dù nó có thể mỉm cười với những người thời vận đang lên; nó là thứ quyền lực mềm, đôi khi rất mềm là đằng khác. Nhưng xin chớ có đùa. Chính trị là thứ lạt mềm buộc chặt. Đã buộc rồi thì đừng hòng cựa quậy, gỡ ra. Có người còn ví chính trị như là một thứ ma túy dễ gây nghiện bậc nhất. Và đã dính vào cũng rất khó cai. Trong muôn nghìn thứ ước muốn, khát khao của con người, thì cái ước muốn làm chính trị, làm chính khách, làm lãnh đạo có quyền lực luôn là niềm ước muốn, khát khao vô cùng mãnh liệt. Cũng bởi thế những con đường, những cách thức mà mỗi cá nhân hay tổ chức xưa nay từng sử dụng để đạt được những mục tiêu (chính trị) cũng là không giới hạn. Nhất là với những thế lực chuyên chế, độc tài, biên độ tư duy và hành động của chúng là không thể biết đâu mà lường. Đôi khi muốn tìm một sự ví von, so sánh, dù là ẩn dụ, nhưng cũng khó. Chính trị không thể hiền lành, thật thà như những chú cừu non. Càng không thể nhút nhát, thật thà như thỏ. Vậy phải nhanh như chồn, như sóc, như con chim cắt trên trời? Hay phải bạo liệt, quyết đoán tựa hùm beo? Phải gian giảo, thâm hiểm như rắn độc?... Hay chỉ nên là một thứ dễ hợp dễ ưa với mọi người: Cơm gạo tẻ ngon và rau muống? Dường như không thể ví von, so sánh thế được!
Chính trị có những lúc kiêu căng, hãnh tiến, thắng người như thế chẻ tre. Có lúc ai đó phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Có lúc võng lọng lên xe. Và có lúc sa lầy xuống hố. Tôi rất thích câu đối của hai con người có thật. Đó là sự chọn lựa "cái có thể" trong trần gian. Thắng, thua, thời, thế biến hóa khôn lường: "Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai. Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế" (Hai vế đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm. Đôi câu đối này còn có bản chép khác - BT).
Thứ chính trị tuyệt vời nhất, đúng đắn nhất, tôi nghĩ, phải là thứ chính trị như Bác Hồ đã đúc kết: "Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong nhân dân".
Sự đời cá ăn kiến, kiến ăn cá vẫn thường xảy ra. Ai đã khiến nhiều người khiếp sợ, đến lúc họ phải khiếp sợ nhiều người...
Nhiều người đón nhận quyết định nghỉ hưu một cách nhẹ nhàng, thanh thản nhưng không phải là tất cả. Có vị đã nhận quyết định nghỉ hưu mà sáng sớm mỗi ngày vẫn xách cặp ra ngõ đợi xe đi làm. Vợ con cứ ngỡ ông còn có công việc dang dở ở cơ quan giải quyết chưa xong. Nhiều vị được nhắc tới, có tuổi, có tên chứ không phải là chuyện bịa, không chịu bàn giao buồng phòng, chìa khóa, con dấu… cho người kế nhiệm. Còn những chuyện chạy chính sách, chạy chế độ, xin sửa tuổi, sửa tên mong được kéo dài thời gian làm việc… nhiều không kể xiết. Có vị mới ngày hôm qua còn đứng ở bục cao, vung tay chém gió, rao giảng huấn thị mọi người bằng những lời cao đạo. Nhưng sau khi rời chức vụ, cũng chính con người ấy bắt tay vào xử lý công việc "tề gia", dạy bảo con cháu trong nhà thì hỡi ôi… còn nát hơn cả tương Bần. Những hào quang lấp lánh của quyền uy, chức tước xuất hiện trên những gương mặt ấy bấy nay vụt tắt trong giây lát. Thay cho những lời ca ngợi, tán dương ngọt ngào vẫn thường nghe là những câu vè dân gian mới chua chát làm sao. Mà cái thứ bia miệng của người đời, ác thay khó có cách nào tẩy xóa được. Khoảnh khắc về hưu hóa ra cũng là thước đo giá trị, thêm một lần kiểm nghiệm rất nghiêm khắc đối với mỗi con người.
Chớ có nghĩ trở về làm dân là dễ! Đến khi ấy sự đánh giá, bình phẩm về ai đó mới có thêm dữ liệu. Có những câu nói khiến tôi nhớ mãi. Trong một cuộc thảo luận bàn trà xoay quanh đề tài những nhân vật quyền uy, danh giá. Điểm lại những công trạng, mốc son, dấu ấn của từng người. Có những nhân vật đã từng ôm giữ những ngôi cao qua mấy nhiệm kỳ mà hầu như chẳng để lại được thành tích gì để mọi người nhớ đến. Một người bỗng phát hiện ra "dấu ấn" đặc biệt, khó quên nhất, là "nhân vật ấy đã không để lại được công trạng nào đáng nhớ". Sự không nhớ được lại trở nên điều được nhớ!
Nhân gian luôn công bằng trong đánh giá. Có thể là sớm hay muộn; đương chức hay nghỉ hưu và cả đến lúc "cái quan định luận", mọi người thường đem thước đo "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" để bình phẩm, đánh giá mọi người. Cũng chẳng vội buồn, vui hay bức xúc trước những sự nhận xét, đánh giá vội vã, nhất thời. Vừa khen đấy, lại đã chê. Chê hết lời. Và ngược lại!
Cuộc sống thật là thú vị!" (trang 620-623).
Quang minh chính đại
Tác giả Phạm Quang Nghị viết về lý do viết cuốn sách này: "Không ít lần tôi tự hỏi, vậy vì sao nào là chính tinh, định mệnh cuộc đời mình trên bầu trời bao la và sâu thẳm ấy? Tôi nhìn thật lâu lên khoảng không bao la, hết đêm này qua đêm khác, qua một thời tuổi thơ và cho tới tận bây giờ tôi cũng không thể nào biết được…
Tôi không nhìn thấy vì sao nào là của mình, nhưng tôi biết tất cả những vì sao trên bầu trời, cho dù có nhỏ bé ly ty đến mấy, mỗi vì sao cũng đều tỏa ánh sáng lấp lánh, xa gần khác nhau. Giống như sự muôn vẻ của con người sống trên thế gian, ai cũng đã một phần làm nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn và phong phú đến lạ thường của cuộc sống…
Tôi đã nhìn lên bầu trời qua một thời tuổi thơ. Và bây giờ nhìn lại cuộc đời hơn bảy mươi năm qua của mình như nhìn vào tấm gương soi…
Chuyện của mình có thế nào tôi cứ kể ra như thế. Tôi đã phải cất công đi tìm và đã tìm được hầu như tất cả những cuốn nhật ký tôi đã ghi chép suốt gần năm năm đi chiến trường. Và một chồng cao những cuốn sổ tay công tác. Hai năm trước tôi cho công bố toàn bộ những trang nhật ký mà tôi đã ghi chép trong những năm tháng chiến tranh với tên sách "Nơi ấy là chiến trường". Chuyện ở những giai đoạn khác, ngoài trí nhớ, tôi phải tìm đến các sổ tay, văn bản. Chẳng qua tôi cũng tự làm khó cho mình. Mỗi khi định viết điều gì tôi đều phải dừng lại để tra cứu các nguồn tư liệu. Từ ngày tôi xin bốn chữ QUANG MINH CHÍNH ĐẠI, dường như những chữ ấy cứ vận vào mình.
Tôi đã kể những câu chuyện vừa là cho mình, vừa để tặng những người thân! Rất may, trước ngày nghỉ hưu tôi đã kịp học được việc soạn thảo văn bản trên máy tính. Giờ đây tôi có thể tự viết những điều mình muốn. Trước hết, tôi muốn tặng mẹ. Khi sách này được in, tôi sẽ đem ra mộ để nhờ ngọn lửa thiêng gửi tới mẹ tôi một cuốn".
Đọc xong, tôi gấp cuốn "Đi tìm một vì sao" lại trong một cảm giác bình yên.
Tác giả có một cuộc đời thật thú vị. Với cuốn Truyện Kiều trong hành trang đời lính, những ngôi sao trong mắt và hành trình sống, gọi một cách giản dị là đi tìm chính tinh của đời mình.
Tôi chợt nhớ tới cuốn "Vũ trụ" của nhà bác học Carl Sagan. Ông kể rằng, hồi còn thơ bé, ông thường ngẩng lên cao rộng trời đêm và tự hỏi, những vì sao kia là gì? Không ai nói cho ông biết. Nhiều năm sau, khi đã trở thành một nhà thiên văn lừng danh thế kỷ 20, ông mới tự trả lời được câu hỏi của chính mình: Những vì sao là những mặt trời hùng vĩ ở rất xa!
Chính tinh của tác giả Phạm Quang Nghị hẳn là "một mặt trời" vẫn thầm lặng dõi theo ông.
Về cuốn sách, tại sao tôi lại cho rằng đây là cuốn sách có sức cuốn hút? Tác giả Phạm Quang Nghị đã viết "...tất cả những vì sao trên bầu trời, cho dù có nhỏ bé ly ty đến mấy, mỗi vì sao cũng đều tỏa ánh sáng lấp lánh, xa gần khác nhau". Mỗi con người dù là ai cũng đều tỏa ra ánh sáng, chỉ là lấp lánh, xa gần khác nhau. Và cuốn sách này của ông cũng vậy. Theo cách nghĩ của tôi, mỗi chương, mỗi trang đều tỏa ra ánh sáng lấp lánh khác nhau. Thế nên cuốn sách mới cuốn hút!
Ông Phạm Quang Nghị sinh năm 1949 tại xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa
Sinh viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1967-1970)
Học viên khóa 4 Hội Nhà văn Việt Nam
Đi B - Cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam; Biên tập viên tạp chí "Sinh hoạt văn nghệ" (1971-1975)
Học viên trường Nguyễn Ái Quốc V, chuyên ban Triết học (1976-1978)
Nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc Uỷ Ban Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô (AON), bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ Triết học (1981-1985)
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng (1994-1997)
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1997-2001)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (2001-2006)
Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV – XV (2006-2015)
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X, XI
Ủy viên Bộ Chính trị các khóa X, XI
Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII
Tác phẩm đã xuất bản
Đào tạo cán bộ và vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng – Nhà xuất bản Tuyên huấn 1988
Một số vấn đề lý luận và nghiệp vụ công tác tư tưởng (chủ biên) – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1996, 2015 (tái bản)
Công cuộc đổi mới – động lực phát triển lý luận và văn hóa – Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2005
Thăng Long – Hà Nội truyền thống, tầm nhìn, động lực vươn tới – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2012
Thủ đô Hà Nội – Tầm vóc mới, vị thế mới – Nhà xuất bản Hà Nội, 2016
Xin chữ - Nhà xuất bản Hà Nội, 2017 (tái bản 2019)
Nơi ấy là chiến trường – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019
Nỗi nhớ vùng ven (thơ) – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019
Đi tìm một vì sao – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-doc-di-tim-mot-vi-sao-cua-tac-gia-pham-quang-nghi-179220620152117842.htm