Nhầm lẫn tai hại về thuật ngữ "tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai"
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẵn sàng nhận nhiệm vụ nghiên cứu tiêu chí, chọn một số trường học thí điểm đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong thời gian sớm nhất.
Sớm chọn trường thí điểm sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai
Ngày 16/8/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành giáo dục đào tạo Thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong kết luận ngày 12/8/2024 về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình hành động thực hiện kết luận này.
Vì vậy, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng kết luận để triển khai. Theo Thứ trưởng, trong năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo phải tổng kết Đề án tiếng Anh 5695/QĐ-UBND.
Cùng với đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, sẽ đề nghị Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp, mời các tỉnh thành tham gia tổng kết để từ đó học tập, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẵn sàng nhận nhiệm vụ nghiên cứu tiêu chí, chọn một số trường học thí điểm đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong thời gian sớm nhất.
Tiếng Anh chưa thể là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam
Bàn về việc Thành phố Hồ Chí Minh chọn một số trường học thí điểm đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, một giáo viên bậc trung học phổ thông có học vị thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học nói rằng, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng sai thuật ngữ.
Giáo viên này phân tích, nếu nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì duy nhất người Kinh - dân tộc chiếm đa số trên lãnh thổ Việt Nam - mới xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai (nếu chính sách ngôn ngữ quốc gia được Quốc hội phê chuẩn).
Còn 53 dân tộc khác (Việt Nam có 54 dân tộc), tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ thứ nhất là tiếng mẹ đẻ của họ. Ví dụ, dân tộc Chăm nói tiếng Chăm là tiếng mẹ đẻ, cũng là ngôn ngữ thứ nhất. Nhưng khi người Chăm nói tiếng Việt thì tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai. Và khi người Chăm nói tiếng Anh thì tiếng Anh chỉ là ngoại ngữ chứ không phải là ngôn ngữ thứ hai.
Như thế, nếu đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam thì 53 dân tộc còn lại phải chăng không phải học tiếng Việt? Trong khi tiếng Việt đây là ngôn ngữ Quốc gia được ghi rõ ở Hiến pháp.
Cho nên, phải gọi chính xác tiếng Anh là ngoại ngữ.
Tiếng Anh như một ngoại ngữ (English as a foreign language) và tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (English as a second language) là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ, giáo viên A tốt nghiệp Khoa Tiếng Anh một trường đại học sư phạm ở trong nước là họ đang học tiếng Anh như một ngoại ngữ. Nhưng khi giáo viên này đến Australia, Mỹ, Anh để học chương trình thạc sĩ chẳng hạn thì lúc đó họ đang tiếp cận/nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.
Vì vậy, tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai chỉ khi người nước ngoài nói tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh đến sinh sống, làm việc, học tập ở một nước nói tiếng Anh. Hoặc ở các nước dù tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh nhưng tiếng Anh vẫn được sử dụng chính thức, rộng rãi trong nền hành chính, tòa án, trường học, chẳng hạn Singapore.
Cần biết thêm, vào thời điểm giữa tháng 6/2019, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) sau quy trình với 3 kỳ thảo luận tại cơ quan lập pháp cao nhất. Nhiều nội dung được tiếp thu, điều chỉnh như về triết lý giáo dục, hội đồng thẩm định sách giáo khoa… nhưng đề xuất quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai không được chấp nhận.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nham-lan-tai-hai-ve-thuat-ngu-tieng-anh-la-ngon-ngu-thu-hai-179240816231925109.htm