Nhà khoa học Việt phân lập chất ức chế ung thư máu từ vỏ trấu
Nghiên cứu của nhóm Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản đã chứng minh hợp chất momilactones A, B (MA và MB) được tinh chế từ vỏ trấu có tác dụng ức chế tế bào ung thư và an toàn với tế bào thường.
Khả năng ức chế sự phát triển tế bào ung thư của MA và MB
Với nghiên cứu này, lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra tiềm năng tiêu diệt các tế bào ung thư máu bao gồm leukemia cấp tiền tuỷ bào và đa u tuỷ xương của momilactones A (MA) và momilactones B (MB) cùng hỗn hợp của chúng (MAB) với tỉ lệ 1:1.
MB và MAB cho thấy khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vượt trội so với thuốc chữa ung thư phổ biến là doxorubicin và arsenic trioxide (ATO), tương đương với all-trans retinoic acid (ATRA).
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân cùng các cộng sự đã làm rõ cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư của hợp chất được tinh chế từ vỏ trấu là MA và MB thông qua cơ chế điều hòa các protein liên quan (p-38, BCL-2, và caspase-3).
Kết quả nghiên cứu mới đây đã được công bố trên tạp chí Cancers chuyên nghiên cứu về ung thư.
Việc phát hiện đặc tính của momilactone gây độc tế bào để chống lại tế bào ung thư được kỳ vọng là tiền đề cho các nghiên cứu và phát triển của các loại thuốc điều trị ung thư hiệu quả dựa trên hợp chất này trong tương lai.
Tiến sỹ Nguyên Văn Quân, Đại học Hiroshima, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết cơ hoạt động của MA, MB làm tăng quá trình hủy và kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt với một hàm lượng tương đương gây chết tế bào ung thư, hợp chất này hoàn toàn an toàn với tế bào thường.
Một số nghiên cứu trên thế giới trước đây đã từng chỉ ra tiềm năng chống ung thư của momilactones. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động gây độc tế bào chưa được xem xét kỹ lưỡng. Các nghiên cứu chuyên sâu về hợp chất này rất ít do hợp chất này rất khó phân lập, tinh chế và giá thành rất đắt.
Hợp chất này từng được trang điện tử Carbosynth.com, một công ty chuyên về các sản phẩm hóa sinh nổi tiếng của Anh bán với giá lên đến 1,25 triệu USD cho 1g.
Phân lập MA và MB thành công từ vỏ trấu
Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima do Giáo sư Trần Đăng Xuân đứng đầu là một trong số ít các phòng thí nghiệm trên thế giới có thể tinh chế momilactones từ các nguồn tự nhiên như lúa gạo. Nhóm nghiên cứu đã phân lập thành công 600mg MA và MB từ 30kg vỏ trấu.
Giáo sư Trần Đăng Xuân cho biết nhiều công ty dược trong và ngoài Nhật Bản đang cùng nhóm nghiên cứu phát triển tách chiết MA và MB theo quy trình công nghiệp, cũng như nghiên cứu lâm sàng để phát triển các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch, kháng ung thư, tiểu đường, mỹ phẩm.
Đáng chú ý, theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân, MB còn có khả năng ức chế enzyme ACE2 (Angiotensin-Converting Enzyme 2), là nơi protein gai của virus COVID-19 kết dính vào tế bào. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ cơ chế này hơn nữa, nhằm phát triển các loại thuốc giúp cơ thể ngăn ngừa lây nhiễm các loại virus corona từ phụ phẩm lúa gạo.
Giáo sư Trần Đăng Xuân cũng cho biết nhiều giống lúa tại Việt Nam cho kết quả bước đầu chứa hàm lượng MA và MB khá cao. Việc lai tạo các giống lúa mang hoạt tính y dược cao sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân là Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima, Nhật Bản.
Các nghiên cứu của ông chủ yếu về nhân giống cây trồng, bộ gene, khoa học cỏ dại, sản xuất nông nghiệp bền vững, hóa học hữu cơ, hóa học phân tích, năng lượng sinh khối,...
Ông có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và giành được nhiều giải thưởng danh giá tại Nhật Bản như giải thưởng Kusunoki (tỉnh Miyazaki, 2008), nhà khoa học xuất sắc (Đại học Hiroshima, 2018 và 2019),...
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-khoa-hoc-viet-phan-lap-chat-uc-che-ung-thu-mau-tu-vo-trau-179221103161138085.htm