Nhà giáo Vương Văn Việt bồi đắp và nối dài sự nghiệp khuyến học xứ Thanh
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hoá Vương Văn Việt xác định công tác khuyến học phải đi vào thực chất vững vàng trên hai trụ cột, đó là mọi người dân Thanh Hoá phải trở thành công dân học tập, thành xã hội học tập và xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài.
Anh Vương Văn Việt sinh ra và lớn lên ở làng Bố Vệ, xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Lúc nhỏ anh học giỏi toàn diện, đặc biệt là môn Toán và Lịch sử.
Tháng 6/1971 anh học lớp 10 đặc biệt của Trường cấp 3 Chuyên Lam Sơn. Anh thi vào đại học với số điểm rất cao, thừa điểm đi nước ngoài. Thế nhưng các anh cán bộ xã Đông Vệ động viên anh nên đi học sư phạm rồi vào quân đội.
Thế rồi đúng như duyên số, tháng 9/1971 anh vào Khoa Toán trường Đại học sư phạm Vinh. Vào những năm 1971-1972 của thế kỷ trước, lúc đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta rất ác liệt. Anh đã cùng nhiều sinh viên các khoa gác bút nghiên lên đường đánh giặc.
Trên 4 năm trong quân ngũ, anh đã đi khá nhiều chiến trường, ở nhiều binh chủng. Ở đâu anh cũng gương mẫu đi đầu, năng động sáng tạo, hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực.
Một trong nhiều kỷ niệm với anh là vào cuối năm 1973, tôi được trực tiếp dự buổi giao lưu văn nghệ với anh. Với dáng người cao, vạm vỡ, luôn nở nụ cười tươi trên môi trong bộ quân phục. Anh ôm con cá to được đan bằng nứa quét vôi màu trắng đứng trên sân khấu tự tạo cùng anh em giảng viên trường lục quân biểu diễn tiết mục tăng gia sản xuất của đơn vị.
Cuối năm 1975 hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự, anh trở về với trường Vinh thân yêu. Tốt nghiệp đại học, anh được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa. Vốn con người cần cù chịu khó, luôn có ý chí vươn lên, anh đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác từ giảng viên, Bí thư đoàn trường rồi Trưởng khoa, lên Hiệu phó, Bí thư Đảng ủy nhà trường rồi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công về làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tỉnh ủy rồi làm Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Bí thư Huyện ủy Đông Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách mảng Văn hóa - Xã hội.
Ở đâu, làm gì anh cũng đau đáu lo cho cái chung, đặt nhiệm vụ phục vụ nhân dân lên trên hết, trước hết.
Cuối năm 2014, anh Vương Văn Việt nghỉ hưu, thế nhưng chẳng bao lâu đến tháng 6/2016 các đồng chí lãnh đạo tỉnh động viên anh ra làm khuyến học và được Đại hội tín nhiệm bầu anh làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hoá.
Kế thừa những thành tích của Hội khuyến học tỉnh, với cương vị là người đứng đầu Chủ tịch Hội, anh đã xây dựng được một tập thể khuyến học đoàn kết từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã thôn, bản, gia đình, cộng đồng, đơn vị tất cả vì cái chung, vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Anh đã đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách như khuyến học về nguồn, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký và ban hành Quyết định số 4843/QĐ-UBND, ngày 04/12/2018 về Phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển quỹ khuyến học Thanh Hoá giai đoạn 2018-2026 phục vụ nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập".
Anh luôn trăn trở suy nghĩ Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hoá phải đi vào thực chất vững vàng trên hai trụ cột, đó là mọi người dân Thanh Hoá phải trở thành công dân học tập, thành xã hội học tập và xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài. Trong đó việc xây dựng quỹ cực kỳ quan trọng. Quỹ càng lớn thì con em Thanh Hoá càng được thụ hưởng, sẽ bớt khó khăn cho gia đình nghèo, có cơ hội vươn lên học khá giỏi. Cho nên chúng ta phải đầu tư công sức, vắt óc suy nghĩ làm sao đó để quỹ khuyến học của tỉnh Thanh Hoá phải là một trong những tỉnh có quỹ lớn nhất trong 63 tỉnh thành trong cả nước.
Từ đó anh đã bàn và quyết định xây dựng quỹ bằng cả nội lực lẫn ngoại lực. Nội lực là nguồn từ dòng họ, từ gia đình, từ cộng đồng, từ đơn vị. Nguồn ngoại lực không kém phần quan trọng, và với uy tín của mình, nhiều lần anh đã trực tiếp cùng anh em trong Hội Khuyến học đi gặp, cảm ơn và bàn với các doanh nghiệp Thanh Hoá đang công tác làm ăn sinh sống khắp mọi miền của Tổ quốc.
Đó là gia đình Giáo sư Lê Viết Ly đang sinh sống ở Hà Nội; Gia đình anh Doãn Tới ở An Giang; Anh Thiện Tuấn ở Bà Rịa – Vũng Tàu; Anh Lê Xuân Thơm ở Nha Trang; Gia đình Anh Nguyễn Hữu Xuân ở Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai; Anh Nguyễn Đình Thắng, Anh Trịnh Xuân Hải, Anh Trần Nhân Mười, Anh Trịnh Đại Dũng, Cô Nguyễn Thị Bình, Anh Cao Văn Đạt ở Thành phố Hồ Chí Minh…và biết bao tấm lòng vàng khác nữa.
Và đúng như thế, kết quả sau 8 năm hoạt động đến nay, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một Hội khuyến học lớn mạnh toàn diện với tổng số Hội khuyến học cơ sở và số chi hội, ban khuyến học trực thuộc hội cơ sở là 16.788. Tổng số hội viên toàn tỉnh là 1.044.387 đạt 28,23% dân số toàn tỉnh. Số gia đình đạt gia đình học tập là 70,47% = 673.803 gia đình. Số dòng họ học tập đạt 69,87% = 7.726 dòng họ. Số cộng đồng học tập (thôn, bản, tổ dân phố) đạt 75,07% = 3.298 cộng đồng. Số đơn vị học tập đạt 75,25% = 2.137 đơn vị. Số công dân học tập trong toàn tỉnh đăng ký là 34.743 công dân.
Hiện nay nguồn Quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt được 390,030 tỉ đồng, là tỉnh có số quỹ lớn nhất trong toàn quốc, bình quân đạt 105.424 đồng/người dân. Hội Khuyến học tỉnh còn biên soạn được Tập san Khuyến học Đất Thanh phát hành 4 kỳ/năm với 1.600 cuốn/kỳ, đã kịp thời đăng tải các văn bản của Đảng, Chính phủ, của Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh uỷ, của UBND tỉnh; đồng thời phản ánh sinh động các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chất lượng các tin, bài, ảnh và chuyên mục trong tập san được các cấp Hội, hội viên trong tỉnh, các tỉnh bạn đánh giá cao.
Một điểm nổi bật nữa ở nhà giáo Vương Văn Việt mà ai sống gần anh cũng thấy, đó là con người của công việc. Anh luôn chân đi, tai nghe, miệng nói, tay làm. Không có bản làng xa xôi nào trong tỉnh mà anh không đặt chân đến. Từ bản Pha Đén, huyện Mường Lát, đến bản Mùa Xuân, Quan Sơn, anh thuộc như lòng bàn tay.
8 năm tôi được sống, công tác bên anh, đầy ắp kỷ niệm với anh nhưng nhớ nhất, ấn tượng nhất với anh là 3 lần lên thăm việc xây dựng 2 phòng học tại điểm trường Tiểu học bản Vịn, xã Xuân Thắng, huyện Lang Chánh, sau cơn lũ quét tháng 8/2017 đã cuốn trôi hết. Từ trung tâm UBND xã Xuân Thắng vào đến bản Vịn chỉ khoảng 10 km. Đường vào rất hiểm trở, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, đường vào quanh năm thường xuyên trơn như đổ mỡ. Cả 3 lần anh vào đều phải ngồi sau xe máy do thanh niên lực lưỡng của bản chở vào.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ, đoàn vào đến nơi, ai nấy đều qua cơn hú vía nhưng anh vẫn cùng anh em, cùng bà con dân bản tươi cười, vui vẻ đã làm cho cái mệt, cái vất vả bay đi hết. Dân bản quây quần bên anh như người thân xa về, anh hỏi về cơn đại hồng thủy vừa qua, về tình hình kinh tế, về đời sống văn hóa và tinh thần của bà con. Cảm động trước tình cảm sâu nặng của anh, của người đồng chí, người lãnh đạo khuyến học, khuyến tài còn lưu luyến mãi trong hơi ấm nồng nàn của bà con bản Vịn.
Tôi không thể nói hết được những đóng góp của anh Vương Văn Việt với sự nghiệp khuyến học của tỉnh Thanh Hoá. Tất cả, tất cả những việc anh đã làm thay lời nói lên tất cả về con người anh. Với 70 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, một con người lao động không mệt mỏi, quên mình tất cả cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập Xứ Thanh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-giao-vuong-van-viet-boi-dap-va-noi-dai-su-nghiep-khuyen-hoc-xu-thanh-179240702105610754.htm