Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: "Tôi học nghề theo cách hồn nhiên và nông dân nhất"
"Tôi vào nghề báo chật vật đến mức, khi tôi kể, nhiều người nghĩ cái gã vốn hài hước như tôi đang kể tiếu lâm tếu táo. Sự thật 100% là năm 1994, tôi thi trường báo không đỗ, tôi đủ điểm vào học Khoa Văn, chuyên ngành Hán Nôm Đại học Tổng hợp bấy giờ…"- nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Nông thôn Ngày nay).
CDKH: Xin chào nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, anh nói trượt trường báo, nhưng rút cục anh vẫn tốt nghiệp Phân viện Báo chí và Tuyên truyền – vậy "đầu cua tai nheo" thế nào?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi học Khoa Văn Đại học Tổng hợp như vẫn mê được học trường báo (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) được mấy tháng thì một hôm mẹ tôi đi chợ Mía ở làng, bà hàng xóm bảo: "Con gái nhà tôi đỗ trường báo rồi, hạ điểm lần 2 là 18,5 điểm cho 3 môn". Mẹ tôi bảo tôi đạp xe đi hỏi ngay, nhưng vẫn thiếu nửa điểm. Thế rồi tôi "rình" 2 tháng sau thì nghe thông tin trường báo hạ điểm lần 3, sau khi được trường xem xét, tôi nhận được thông báo: "Đỗ đại học".
Bấy giờ, mỗi lần tôi gọi điện về quê là nhà một bác trong làng có lắp điện thoại bàn phải hộc tốc đi gọi, bố mẹ tôi cũng tất tả chạy đến nghe "mật báo từ Thủ đô", rằng con mình đã đỗ đại học.
Độ ấy, tức là gần 30 năm trước (nghe các bạn kể lại), phải mất tới nửa năm từ khi tôi đột ngột biến mất khỏi Khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội để sang học trường báo, các thầy cô ở đó vẫn gọi tên tôi điểm danh, họ nghĩ tôi là người "siêu cá biệt", vì ngày nào cũng bị xướng tên vắng lớp.
Thi vào đã gian nan điểm thấp, lúc tốt nghiệp, điểm nghiệp vụ của tôi cũng chỉ có 4,5 điểm. Tôi nhớ mãi sau này trong lần trao giải Báo chí Quốc gia cho tôi, thầy tôi là Giáo sư Tạ Ngọc Tấn ghé tai: "Điểm của con, năm đó là vẫn đỗ, nhưng đến khóa của Phương (em trai tôi, học sau tôi một năm), là trượt đó con ạ". Hai thầy trò cùng cười. Ở đại học, thầy Tạ Ngọc Tấn là người đầu tiên giảng bài mà khiến tôi ứa nước mắt, khi thầy lồng ghép vào bài giảng về nhân tình thế thái.
CDKH: Nghe nói trong trường báo, anh đã vừa học vừa kiếm tiền rất tốt nhờ ngòi bút của mình?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Vào Đại học, tôi hớn hở dời nhà với chiếc xe đạp được bố tặng, xe không pê đan, không gác ba ga, không chuông. Tôi đạp từ làng cổ Đường Lâm ra Hà Nội bươn chải với sự nghiệp học hành.
Hôm tôi đi khỏi làng, đầu toàn tiểu thuyết, cứ nghĩ mình là Đờ-Ắc-Ta-Nhăng trong "Ba người lính ngự lâm" từ quê kiểng vào kinh thành hoa lệ, thi thoảng lại nghĩ mình là Đôn Ki-Hô-Tê nữa. Hồi đó, sau khi tặng tôi chiếc xe đạp, bố "ẩy" tôi ra cổng làng, ông bảo: "Kẻ sỹ chia tay thì tặng nhau lời khuyên, kẻ tiểu nhân thì tặng nhau tiền, ta cho con một lời khuyên: 'Đời, khắc đi khắc đến', từ nay xe con, con tự đạp".
Nhà tôi nghèo, có lần đạp xe về xin tiền, bố tôi bảo: "Không có đâu!", tôi ngẩn ra: "Con làm thế nào bây giờ?", bố bảo: "Thế tao làm thế nào? Không có thật mà!". Đó cũng là lí do tôi "cày như trâu" ngay từ khi đi học. Tôi nhớ là, bài báo đầu tiên được đăng, tôi dùng nhuận bút mua cái đồng hồ treo tường 75.000 đồng đeo trước bụng, mua thêm cái đèn tuýp dài 1,2m (buộc hai đầu đèn, đeo sau lưng như cách đeo súng trường ra trận), rồi đạp xe đạp về tặng cho ngôi nhà tuổi thơ của mình. 30 năm rồi, cái đồng hồ đó vẫn chạy tốt, mỗi năm tốn chỉ 1-2 lần thay đôi pin tiểu hiệu Con Thỏ.
Tôi viết cho Báo Văn nghệ Trẻ từ ngày tôi còn ngồi ghế nhà trường, đó là tờ báo hoàng kim bấy giờ với các bậc thầy Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thành Phong, Hồng Thanh Quang, Trần Quang Quý… Tôi đã gửi nhiều phóng sự và được đăng tải cũng nhiều. Nhuận bút có bài bằng 1 chỉ vàng, thật không gì sướng hơn với một cậu sinh viên nghèo.
CDKH: Từ lúc là sinh viên rồi trở thành nhà báo được nhiều người "điểm mặt, nhớ tên" với sức viết khỏe, đề tài hay, mới, lạ - hẳn anh đã đúc kết được cho mình kinh nghiệm trong hành trình học và tự học ấy?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Vì tôi thích học. Tuổi thơ tôi, cái sự học đã khác thường rồi. Tôi còn nhớ, bố tôi đã truyền cho anh em chúng tôi tình yêu thơ văn bằng một chiếc quạt nan, vụt thẳng tay thành lươn trạch ở da thịt các con, nếu đám con đọc sai các bài thơ tình mà ông đang giám sát các con đọc thuộc lòng. Chính vì sự rèn giũa ấy, hai người em của tôi thậm chí còn đọc được Truyện Kiều 3.254 câu, nhưng là đọc ngược từ câu 3.254, 3.253 rồi cuối cùng là câu: "Trăm năm trong cõi người ta" (câu đầu tiên, thứ tự 01).
Tôi nhớ mãi những đêm tụ tập cùng bọn trẻ con trong làng để nghe nhờ đài nhà hàng xóm, nằm trong đống rơm thơm lựng góc sân nghe giọng đọc trác tuyệt của phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt là hôm đọc truyện ngắn của "Đỗ Doãn Quát" (bố tôi). Tác phẩm "Những bậc thang trên đá" của bố được giải thưởng của Văn nghệ Quân đội khiến cả làng xôn xao. Ngấm "máu" văn thơ của bố, anh em tôi cũng sớm ham viết từ nhỏ, tôi có tác phẩm đầu tay được đăng tải là "Ngõ nhỏ đầy trăng" của tôi đăng trên tạp chí "Tản Viên Sơn". Em trai tôi sau này đoạt Giải nhất thơ cũng có bài thơ đầu tiên mang tên "Đường rơm". Có lẽ, ít nhiều rơm rạ trong hai tác phẩm đầu tay của hai anh em tôi đều lấy hương rơm từ những đêm nằm đống rơm nghe giọng đọc "Truyện đêm khuya" từ Đài Tiếng nói Việt Nam.
Từ trường học đến trường đời tôi đều để mình luôn bận bịu vì cái sự học, không học này thì phải học cái kia.
Khi tôi còn là sinh viên, cùng với cảm thụ kiến thức từ các thầy cô trong trường, thì có 2 ông thầy là nhà báo được mời vào trường nói chuyện cũng khiến tôi "mê như điếu đổ". Và tôi "vồ" lấy họ. Thậm chí ăn mặc cũng thích bắt chước phong cách họ, cách hành xử cũng ảnh hưởng của họ. Theo tôi, đó là cái duyên nghề, cái duyên ấy ra đời từ việc tôi tham vọng đi theo "con đường sáng". Học hay làm đều cần quyết liệt và đam mê. Như cách tôi "vồ" hai ông thầy ngày ấy, không chat, không nhắn tin, không theo dõi trên mạng xã hội (vì bấy giờ làm gì có các món ấy), mà chúng tôi rụt rè không dám đến gần, không cả dám bắt tay. Chỉ lặng lẽ tìm báo giấy (hồi đó chưa có báo mạng) đọc bài của họ, rồi ngâm cứu cách họ viết "kiểu gì mà hay thế!".
Hai ông thầy đó là một người bấy giờ là nhà báo ở Báo Lao Động và nhà báo Nguyễn Như Phong, bấy giờ làm ở Báo An ninh Thế giới. Hai ông thầy ấy, sau này đều làm Phó Tổng biên tập hai tờ báo trên trước khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Thời gian họ làm lãnh đạo ở hai tờ đó thì tôi đều viết phóng sự và được họ sửa bài, chỉ bảo tiếp từ họ.
Hồi đó, tôi ngưỡng mộ những nhà báo đi trước có những tác phẩm báo chí được nhiều người tìm đọc. Những câu chuyện của họ về nghề viết, nghề phóng sự, điều tra, các vụ bài vở kinh động làng báo được tôi theo dõi sát sao, xem họ xử lý vấn đề thế nào, thắng - thua ra sao. Từ họ, tôi ngẫm nghĩ về sứ mệnh "nói sự thật vì cộng đồng nhất của báo chí".
Nhà báo Nguyễn Như Phong thì lãnh đạo tôi, đưa tôi đi tác nghiệp, cho tôi "sở hữu" được các cỗ máy ảnh xịn xò. Những phóng sự của anh về Ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào kì bí, Đảo đèn Bảy Cạnh thú vị, rồi nghề lính hình sự… - tất cả đã thành các tác phẩm gối đầu giường của tôi (cùng sách của các nhà báo kỳ cựu Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân, Cù Mai Công, Binh Nguyên, Thái Hồng Thịnh…). Sau này, tôi trở lại nhiều lần những vùng đất anh Phong đã đi, gắn bó với các xứ đó giống như anh ấy.
Khi ra trường đi làm nghề, sếp tôi là lãnh đạo Báo Công an thẳng thắn bảo tôi trong một lần đi công tác: "Tao ước có thằng trợ lý như mày, xe ba-ti-nê là mày sẵn sàng đào xe lên, cần ngủ rừng thì mày sẵn sàng cầm dao ngủ trong xe thủ thế tự vệ…". Ý ông ấy, là "nhạc nào tôi cũng có thể nhảy được". Ông ấy nói tiếp: "Cái gì mày cũng muốn học, mày chưa biết lái xe, nhưng tao tin mày sẽ lái giỏi, vì mày nhanh nhẹn và tò mò đủ thứ. Ngồi xe tao mà mày cứ tí toáy…"
Chính sự tí toáy ấy, như lời ông sếp mô tả, giờ tôi ngồi xe máy hay ô tô, nghe tiếng máy tôi có thể biết tuổi xe, và biết thay dầu máy bao lâu rồi. Nhìn cái gạt nước biết nó sẽ có lăn tăn vụn nước khi trời mưa để rồi làm lóa kính lái hay không. Khi đi điều tra, nghe tiếng máy của hệ thống tủ trữ đông, biết có hàng cấm trong đó hay không. Vì tôi thích học, thích tìm hiểu nên biết thôi.
Vì thích học đủ thứ nên ở nhà tôi cũng kêu hai đứa con (toàn dân "Tây học") dạy tiếng Anh, đi đâu tiện thì học tiếng Thái, tiếng Hà Nhì... Đồ công nghệ cái gì ra lò thì lăm le mua ngay khi có thể. Cái gì bận không đi học được thì ở nhà học online, hoặc video call bảo họ hướng dẫn từng bước (ghi âm lời họ hướng dẫn để nghe lại)…
Tôi bảo với các con mình khi muốn chinh phục gì đó: "Học thôi, thế giới này có ai mua ô tô, mua iphone rồi đem trả nhà sản xuất vì không tài nào biết sử dụng nổi không con?".
Tôi cũng bất ngờ, ở tuổi 50, tôi vẫn vác ống kính tele 600mm, dùng máy ảnh, máy quay hiện đại đi vào rừng và thao tác nhoay nhoáy. Chả phải giỏi giang gì, chỉ là tò mò và thích khám phá. Có gì đó tăng động trong tôi và khiến tôi luôn tràn đầy năng lượng để làm nghề, để không ngừng học hỏi.
CDKH: Thích học đủ thứ. Tí toáy. Tò mò. "Nhạc nào cũng nhảy"… Đó phải chăng là những thứ làm nên một Đỗ Doãn Hoàng nổi danh làng báo? Và cũng là những thứ mà anh sẽ nói nếu có ai đó hỏi: "bí quyết làm nghề thành công của anh?"
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi học nghề theo cách hồn nhiên và "nông dân" nhất. Nhảy xuống nước sẽ biết bơi. Làm đi sẽ biết cách. Sai mãi đi rồi sẽ đúng. Hành động đi, đừng lơ tơ mơ đứng ngắm.
Nếu được phép nói về bí quyết nhỏ của mình. Thì tôi xin kết lại với chủ đề về quản trị thời gian và sự nghiệp của mỗi người. Ta có 24 tiếng mỗi ngày, 8 tỷ người trên thế giới hầu như bình đẳng như vậy cả. Nên, giai đoạn nào bạn tập trung vào việc gì, cái gì đáng nhất thì dồn năng lượng cho nó, ôm đồm tham lam bừa phứa là… chết. Có thời gian tôi buông hết để đi học thiền, tôi thiền đã 20 năm. Có thời gian tôi chỉ đi nước ngoài liên tục, bỏ tiền ra đi rồi viết sách du ký. Rồi học tiếng Anh suốt ngày đêm, làm việc với các NGOs. Thậm chí, tôi được dạy không nghe thông tin đại chúng nhiều trong những giai đoạn cần thiết, vì việc chờ để nghe một chương trình nào đó sẽ băm nhỏ thời gian và cảm hứng của bạn (trong khi có nhiều kênh khác để tiếp nhận thông tin tương tự).
Có thời gian tôi viết về văn hoá, gắn bó với các giáo sư, các nhà khảo cổ, thậm chí phản đối cả các phần "gây tranh cãi" của các bậc thầy như Trần Quốc Vượng, Trần Lâm Biền… Có thời gian tôi làm phóng sự khám phá Việt Nam, vì bấy giờ chuyện lạ Việt Nam còn nhiều và phối hợp với các nhóm của VTV tôi công bố dần. Lạ mãi thì cũng hết (giao thông, nền tảng liên lạc, mạng xã hội… phát triển như vũ bão, làm gì có gì thuộc phạm trù "heo hút" về địa lý nữa), tôi lại đi phân tích xã hội, điều tra các việc nóng và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý triệt để các vụ việc nóng nhất: tham nhũng, bất công, tàn phá môi trường, ấu dâm, ấu dâm nam, buôn bán người xuyên quốc gia, buôn bán động vật qua nhiều lục địa… Có thời tôi đi diễn thuyết, có khi một tuần 3-4 lần xuất hiện trên tivi nói về quan điểm sống. Có khi tôi làm phim nhựa cùng các đạo diễn. Có khi mời các phóng viên điều tra của VTV cùng làm các vụ của mình và công bố dài kì. Rồi tôi đi giảng, viết giáo trình, mở các mạng lưới điều tra cùng đồng nghiệp…
Tất cả, tôi đều "quản trị" kĩ. Thời gian nào tập trung làm cái gì. Vì sao làm cái này trước cái này mà không phải là ngược lại. Không gì happy (hạnh phúc) hơn là bạn có một cuộc sống tự do và hồn nhiên. Nhưng, sự hồn nhiên một cách được quản trị kĩ (mà không giả tạo) thì mới là thứ tôi vươn tới nhất.
CDKH: Có thể nói anh là nhà báo thành công, rất thành công. Anh có lời khuyên nào cho các nhà báo trẻ không?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Học đủ thứ và không ngừng học. Học ở trường, học ở ngoài đời, học ở người đi trước, học ở xung quanh bạn, học liên tục... Hãy tò mò, hãy tí toáy đi. Mạnh dạn làm, có sai có sửa, sửa rồi sẽ thành công.
CDKH: Xin cảm ơn những câu về chuyện học nghề báo đầy thú vị và ý nghĩa từ anh!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-bao-do-doan-hoang-toi-hoc-nghe-theo-cach-hon-nhien-va-nong-dan-nhat-179230621095949492.htm